Oscar và dòng phim tiểu sử, lịch sử

12/02/2015 15:43 GMT+7

(TNO) Nhìn vào danh sách đề cử Oscar 2015, có thể thấy các bộ phim tiểu sử/lịch sử chiếm một số lượng không nhỏ. Song đây không phải chuyện xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng điện ảnh uy tín này.

(TNO) Nhìn vào danh sách đề cử Oscar 2015, có thể thấy các bộ phim tiểu sử/lịch sử chiếm một số lượng không nhỏ. Song đây không phải chuyện xảy ra lần đầu tiên trong lịch sử giải thưởng điện ảnh uy tín này.

Oscar và dòng phim tiểu sử/lịch sử kỳ 1:Cảnh trong phim American Sniper
Trong tám bộ phim nhận đề cử Phim xuất sắc nhất tại Oscar năm nay, có tới một nửa là những bộ phim tiểu sử/lịch sử (dựa trên cuộc đời một nhân vật có thật hay giai đoạn lịch sử). Đó là Selma, The Imitation Game, The Theory of Everything American Sniper. Nếu tính từ đầu thập niên này thì đã có tới ba trong số bốn phim đoạt giải thưởng quan trọng Phim xuất sắc nhất thuộc dòng phim trên, bao gồm The King's Speech (2011), Argo (2013) và mới đây là tác phẩm về đề tài nô lệ 12 Years a Slave (2014).
Những con số thống kê về dòng phim tiểu sử/lịch sử thậm chí còn ấn tượng hơn nếu xét về hạng mục diễn xuất. Phải quay ngược thời gian trở lại năm 1998, các nhà thống kê mới có thể tìm thấy một lễ trao giải Oscar mà cả bốn diễn viên được tôn vinh tại các hạng mục diễn xuất đều thủ vai những nhân vật hư cấu. Kể từ đó tới nay, luôn có ít nhất một diễn viên được trao giải mỗi năm nhờ vào vai một nhân vật có thật trong lịch sử.
Thực tế chỉ ra rằng ngay từ những năm đầu được tổ chức, giải Oscar đã chứng kiến những bộ phim làm về những nhân vật có thật. Vào năm 1934, vai diễn vua Henry VIII trong The Private Life of Henry VIII đã đem về tượng vàng Oscar Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Charles Laghton. Theo thời gian, không chỉ có những nhân vật lịch sử như vua Henry VIII, nữ hoàng Cleopatra hay hoàng đế Napoleon... mới được đưa lên phim mà cả cuộc đời của những nhân vật thế kỷ 20 cũng dần được các nhà làm phim Hollywood khai thác.
Cảnh trong phim The Imitation Game
Bộ phim nổi tiếng Bonnie and Clyde (1967) là một bước đột phá, với hai ngôi sao Warren Beatty và Faye Dunaway vào vai đôi tình nhân Clyde Barrow và Bonnie Parker. Clyde và Bonnie vốn là hai tên tội phạm có thật từng gây ra nhiều vụ cướp tại Mỹ vào thập niên 1930. Do vậy, khi Bonnie and Clyde nhận được 10 đề cử Oscar, trong đó có giải Nam và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Beatty và Dunaway, thực sự là một cột mốc với điện ảnh Mỹ. Kể từ đó tới nay, phạm vi những nhân vật/sự kiện được khai thác trên phim ảnh ngày càng mở rộng. Những nhân vật như tổng thống Nixon, lãnh tụ Mandela, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg hay chiến tranh thế giới lần thứ 2, cuộc chiến tại Iraq... đều từng trở thành chủ đề của những bộ phim được đề cử Oscar.
Vậy tại sao ban tổ chức Oscar lại tỏ ra ưu ái những bộ phim thuộc thể loại này? Để tìm ra câu trả lời, người ta có thể nhìn vào thành phần bình chọn giải thưởng này. Oscar vốn có tên đầy đủ là Academy Awards và được tổ chức bởi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ. Hằng năm, phiếu bầu của khoảng 6.000 thành viên Viện Hàn lâm sẽ quyết định những đề cử và chiến thắng tại giải Oscar. Dù danh tính của những thành viên trên không được Viện Hàn lâm công bố rộng rãi song theo một cuộc điều tra của tờ Los Angeles Times thực hiện vào năm 2012 thì có tới 94% thành viên là người da trắng, và chỉ 14% số phiếu bầu đến từ những người dưới 50 tuổi. Chính cựu chủ tịch Viện Hàn lâm Frank Pierson từng phát biểu về sự thiếu đa dạng trong những người bình chọn giải Oscar: "Tôi không nghĩ rằng Viện Hàn lâm bắt buộc phải đại diện cho toàn bộ dân số Mỹ, đó là việc của giải People's Choice Awards".
Với độ tuổi trung bình của những người bình chọn là 62, không hề ngạc nhiên khi những bộ phim khai thác nhân vật hay đề tài lịch sử có được ưu thế trong cuộc đua Oscar. Ví dụ điển hình là cuộc cạnh tranh tại Oscar lần thứ 83. Trong sự kiện dành để tôn vinh những bộ phim xuất sắc trong năm 2010 này, có hai ứng cử viên nổi bật hơn cả là The Social Network và The King's Speech.
Kể về quá trình hình thành Facebook, The Social Network nhận được sự chú ý từ đông đảo những người trẻ mà mạng xã hội này đã trở thành một phần cuộc sống hằng ngày. Tác phẩm này được nhiều tờ báo uy tín như The New York Times, Rolling Stones, Chicago Sun-Times... chọn làm bộ phim hay nhất năm và cũng đã thắng giải Phim xuất sắc nhất tại Quả cầu vàng 2011 (được bầu chọn bởi Hiệp hội các nhà báo nước ngoài tại Hollywood).
Song tại Oscar, The Social Network đã thất bại hoàn toàn trước The King's Speech ở những hạng mục quan trọng là Phim, Đạo diễn và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất. Nội dung của The King's Speech xoay quanh nỗ lực vượt qua tật nói ngọng của vua George VI để đọc diễn văn tuyên bố chiến tranh với Đức vào năm 1939. Rõ ràng là với giá trị lịch sử như vậy, bàn cân đã nghiêng hẳn về The King's Speech so với The Social Network trong mắt ban giám khảo Oscar.
Cảnh trong phim The Theory of Everything
Bản thân những bộ phim tiểu sử/lịch sử, ngoài chất lượng còn truyền tải những thông điệp giá trị và có sức lay động khán giả. Năm 2014, tác phẩm 12 Years a Slave đã phơi bày quá khứ đáng quên của nước Mỹ một cách trần trụi và không hề bao biện, khi mà những người nô lệ da đen bị ngược đãi thậm tệ. Việc đạo diễn Steve McQueen kể câu chuyện 12 Years a Slave chân thực đến mức xót xa đó như một cách lên tiếng đòi lại công bằng cho hàng triệu người nô lệ da màu phải sống kiếp đày ải còn lâu hơn 12 năm mà nhân vật Solomon phải trải qua trong phim.
Nhìn vào những phim tiểu sử/lịch sử được đề cử Oscar năm nay, có thể thấy các tác phẩm này đều có những nhân vật chính thú vị và có ảnh hưởng tới xã hội, chính trị. Selma là câu chuyện về mục sư Martin Luther King trong cuộc vận động đòi quyền bình đẳng cho người Mỹ gốc Phi thập niên 1960. American Sniper kể về lính bắn tỉa thành công nhất lịch sử quân đội Mỹ Chris Kyle. The Theory of Everything xoay quanh cuộc đời nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking, trong khi The Imitation Game khắc họa nhà giải mã Alan Turing và công cuộc phá mã Enigma trong Thế chiến II.
Tại các liên hoan phim như Cannes, Berlin hay Venice..., yếu tố nghệ thuật được đề cao hơn cả, điển hình là Cannes với dàn giám khảo đều là những tên tuổi trong làng điện ảnh. Song tại Oscar, kết quả còn được chi phối bởi những yếu tố chính trị và xã hội bên cạnh chất lượng nghệ thuật. Do vậy, dù những ứng cử viên hàng đầu cho Oscar Phim xuất sắc nhất là những tác phẩm hư cấu như Boyhood, The Grand Budapest Hotel và Birdman thì sự tồn tại của những phim tiểu sử/lịch sử tại sự kiện điện ảnh được quan tâm nhất hành tinh này vẫn là một thứ tất yếu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.