Ở đâu là thiên đường?

01/02/2012 03:53 GMT+7

Vở kịch Đảo thiên đường của tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Công Ninh, đang thu hút khách tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM.

Vở kịch Đảo thiên đường của tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn Công Ninh, đang thu hút khách tại Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM. 

Có lẽ là ở một hoang đảo, nơi chỉ có những người phụ nữ như bà Quỳnh, cô Diệu, Hân, Tùng, và cô gái nhỏ tên Nhi. Tuyệt đối không có đàn ông. Bởi đàn ông trong ký ức của họ là những kẻ vũ phu, nát rượu, bội bạc, hèn yếu, chính là những người chồng cũ của họ. Những người phụ nữ sợ đàn ông, căm thù đàn ông, nên tìm đến hoang đảo lập ra một “thiên đường” bình an của riêng mình.

Nhưng có bình an hay không? Liệu họ có trốn chạy được không? Hai mươi năm trôi qua, cô gái nhỏ tên Nhi lớn lên nơi hoang đảo được mẹ và các dì nhồi nhét những ám ảnh về đàn ông. Nhưng rồi cô gái đã tận mắt thấy “sinh vật” ấy xuất hiện. Trận bão lớn đánh vỡ chiếc du thuyền, và sóng biển đã đẩy một chàng trai cùng người quản gia lên đảo. Đó là Quân, đã gieo tình yêu vào lòng Nhi. Và ông Mạnh (NSƯT Việt Anh) đã hàn gắn vết thương lòng cho cô Diệu (Mỹ Uyên). Những người đàn ông tử tế đã hóa giải được lời nguyền.

 
Hoàng Quân (vai Quân), Ngọc Châu (vai Nhi) trong vở Đảo thiên đường - Ảnh: H.K

Nhưng trên hết vẫn là tình yêu đã xóa được căm thù. Bởi theo tác giả, thế giới này tồn tại bằng sự hiện diện của âm và dương, của đàn ông - đàn bà, thiếu vắng phần nào cũng là sự lệch lạc. Có thể có người tệ bạc, nhưng không vì thế mà chối bỏ tất cả. Hãy mở rộng lòng, và chân thành tìm kiếm, thì sẽ thấy yêu thương. Hoang đảo ngay trong lòng mỗi người, và thiên đường cũng ở ngay trong trái tim, chỉ cần thay đổi quan niệm là ta sẽ xây hoang đảo hay thiên đường cho chính ta. Hình như cuộc đời thật có rất nhiều phụ nữ đang xây hoang đảo như thế, và họ vất vả để trốn chạy thế giới. Chi bằng hãy nhìn đời như chính nó “đang là”, có thiện có ác, có xấu có tốt, cứ tự nhiên mà sống, đừng thành kiến, cực đoan.

Vở kịch có màu sắc lạ khi trang trí những hẻm núi, những hòn đá rong rêu, và những con người ăn mặc bằng vỏ cây, cỏ lá. Một kịch bản giả định, nhưng diễn xuất rất gần gũi, dễ thương. Diễn viên kỳ cựu như Việt Anh, Công Ninh, Mỹ Uyên, Hồng Thắm đã làm dàn bao cho những gương mặt mới. Khán giả cười rần vì nét hài của Việt Anh và sự trong trẻo ngây thơ của Nhi. Hy vọng đây sẽ là một “lứa trẻ” mới mà Sân khấu 5B Võ Văn Tần  đào tạo thành công. Hình như mỗi năm 5B đều vất vả đào tạo diễn viên trẻ, sau đó ai “sử dụng” cũng được. Năm nay lại thấy những gương mặt mới đầy triển vọng. 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.