Nồng Nàn Phố - yêu để mà đau!

27/01/2015 10:48 GMT+7

(TNO) Sau tập thơ đầu tay có cái tên… không giống ai Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng gây sốt cộng đồng mạng, nữ tác giả 8X Nồng Nàn Phố (tên thật là Phạm Thiên Ý, sinh năm 1988) tiếp tục cho ra mắt tập thơ dày như một cuốn tiểu thuyết Yêu lần nào cũng đau .

(TNO) Sau tập thơ đầu tay có cái tên… không giống ai Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng gây sốt cộng đồng mạng, nữ tác giả 8X Nồng Nàn Phố (tên thật là Phạm Thiên Ý, sinh năm 1988) tiếp tục cho ra mắt tập thơ dày như một cuốn tiểu thuyết Yêu lần nào cũng đau

Tập thơ Yêu lần nào cũng đau

Buổi ra mắt sách tại một không gian đêm Sài Gòn đầy mê hoặc và lãng mạn, Phố như nghẹt ngập trong những tụng chúc của bạn đọc. Fan của Phố hầu hết là bạn bè trên mạng xã hội facebook, có người lặn lội từ Hải Phòng, Hà Nội vào, có người khăn gói tận miền Tây lên. Nhìn cái cách Phố phát hành thơ và được độc giả yêu mến, bất cứ người cầm bút nào cũng thèm muốn.

Việc tận dụng mạng xã hội để quảng bá tác phẩm không còn là điều mới mẻ đối với người sáng tác, nhưng thành công đến đâu thì không phải ai cũng trả lời được. Những năm gần đây, sau cuộc gây “bão” của Nguyễn Phong Việt với tập thơ Đi qua thương nhớ, có lẽ Nồng Nàn Phố là người thứ hai đã khuấy đảo cộng đồng mạng bằng thơ. Điều khác biệt của Nồng Nàn Phố so với Nguyễn Phong Việt nằm ở chỗ, thơ Việt hút hồn giới trẻ, còn Phố thì hút… đàn bà con gái.

Thơ Phố mang gương mặt đàn bà. Một gương mặt đẹp và lạ. Bài thơ nào của Phố cũng mang bóng dáng đàn bà, tâm tư đàn bà, khát khao đàn bà, tình yêu và nỗi đau đàn bà… dù cho trong nhiều bài có danh xưng là “anh” đi nữa. Phố chạm đến những giới hạn khác nhau của cảm xúc, của đớn đau, sung sướng, của bình yên, đổ vỡ… nên những người đàn bà khi đọc Phố, thường thấy mình trong đó.

Tác giả Nồng Nàn Phố

Nồng Nàn Phố làm thơ đã khá lâu, nhưng thực sự gây “bão” trong vài năm nay. Ban đầu, cô khiến cộng đồng mạng xã hội facebook tò mò, chú ý bởi bút danh… không giống ai. Nồng Nàn Phố, cái sự cảm thán có phần hơi "sến" ấy khiến nhiều người liên tưởng đến khung cảnh một trời hoa sữa Hà Nội vào độ thu, một làn sương mỏng trên mặt Hồ Tây, một nhánh gầy của nàng liễu bên Hồ Gươm, một chút se se của Sài Gòn trong tiết trời cuối năm ... Và bảng lảng trong không gian như thực như mơ đó là những đôi lứa tay trong tay, môi kề môi, những gã trai si tình ngồi cắn bút và cả những thiếu phụ ngồi vén bức giao mùa nhặt nhạnh những mảnh vỡ của ký ức tình yêu… Không gian, thời gian ấy tạo nên sự nồng nàn ở cả hai thái cực: Nồng nàn trong ái ân tuyệt diệu và nồng nàn trong cô đơn khiếp khủng. Ngôn ngữ tình yêu cứ thế mà hiện ra, mỗi câu chuyện về tình yêu là một đề tài của tình yêu. Thiếu tình yêu, nồng nàn biến mất. Thiếu tình yêu, phố chỉ còn là phố. Cô đơn và trần trụi.

Và rồi Phố đã bắt nhịp rất nhanh cái mạch cảm thán ấy để lấy đó làm chất liệu thơ cho mình. Thơ Nồng Nàn Phố là thứ thơ khó đăng báo vì nó dài dòng, lê thê như những câu chuyện không đầu không cuối của đàn bà, nhưng lại cực dễ đọc, dễ cảm và dễ say. "Anh ngủ thêm đi anh/ Em phải dậy lấy chồng..." là hai câu thơ thuộc hàng đắt nhất của thơ trẻ hiện nay. Và nó chỉ có thể được viết ra bởi một tâm hồn khao khát tình yêu đến độ... cô độc.

Nồng Nàn Phố làm thơ rất đều tay. Hầu như ngày nào cô cũng viết. Bỏ qua mọi quy tắc kinh điển về thao tác ngôn từ, Phố viết mà như không. Không câu nệ cấu tứ, không màng tới bố cục, Phố viết theo mạch cảm xúc tự nhiên. Đọc Nồng Nàn Phố, có cảm giác cô viết đến đâu thành thơ đến đấy, không cần sửa. Ngay cả khi sử dụng những thể thơ truyền thống, Phố cũng không đi theo cái đường ray đã định. Vậy nhưng đoàn tàu vẫn không bị đổ. Đó là cái tài và cũng là cái chất của Phố.

Thơ Phố, bài nào cũng có sự quằn quại của xúc cảm, sự bế tắc trong khát khao. Ai đã đi qua một lần yêu, đọc Phố, sẽ thấy mình được an ủi và san sẻ.

Sau Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng, nhận về không ít khen chê, Nồng Nàn Phố có vẻ đằm thắm hơn trong tập thơ thứ hai. Người đọc đã thấy Phố tiết chế hơn trong những câu thơ hở hang da thịt và khát khao thân xác, để có những chiêm nghiệm đẹp và tơ non, chiêm nghiệm thay cho đàn ông: “Rồi một ngày có thể tình yêu của chúng ta sẽ đơm hoa/ Hoặc lụi tàn đớn đau anh không biết nữa/ Chỉ biết anh sinh ra và tồn tại thực chất chỉ là cái cớ/ Để được gặp và hôn em… em yêu!” Hoặc “… Nếu ngày mai anh đổ người về bên ấy/ Hãy để hôm nay thành kỷ niệm êm đềm/ Chắc rất khó để mình thành bè bạn/ Bởi có ít nhất một chiều anh đã hứa yêu em…”.

Đúng như tên tập thơ, ở bài nào, dòng nào trong số 56 bài thơ trong tập, độc giả cũng bắt gặp tâm trạng yêu để mà đau. Ngay cả khi viết về mẹ, cái đau của tình yêu cũng nhưng nhức: “Dâng hết nhân gian trái tim khao khát tình yêu/ Chỉ một góc phố cũng làm xuyến xao bao diệu kỳ trong ngực/ Một đợt trở mình của người yêu làm cả đêm con thức/ Quên đêm nào mẹ cũng nhức lưng…”!

Viết về đàn bà, viết cho đàn bà, nhưng Phố chỉ mới là một cô gái 8X. Thế nên đôi khi Phố cố làm cho mình già để chiêm nghiệm, nhưng rồi đó chỉ là chiêm nghiệm của một “bà cụ non”. Tuy nhiên, chính điều đó lại làm cho thơ Phố đáng yêu, kiểu rất “xì-tin”: “…Lỗ rốn mẹ vẫn tròn/ Để đựng vừa vặn ngón tay con gái mẹ…”.

Yêu lần nào cũng đau, nhưng trong mỗi lần đau ấy, người ta thấy một nụ cười bí ẩn chứ không phải dàn dụa nước mắt như nhiều người vẫn tưởng khi chưa đọc Phố! Mà cuộc sống, suy cho cùng, nụ cười vẫn là thứ người ta cần hơn nước mắt!

Rất đông người yêu thơ có mặt trong buổi ra mắt sách Yêu lần nào cũng đau tại TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.