Ni cô tình báo Huyền Trang chuyện phim và đời thực

11/11/2015 05:30 GMT+7

Mấy năm nay, ngôi cổ tự Thất Bửu ở thị trấn An Châu (H.Châu Thành, An Giang) là chốn tu ẩn của sư cô Diệu Thông - nguyên mẫu của ni cô Huyền Trang trong bộ phim đình đám Biệt động Sài Gòn.

Mấy năm nay, ngôi cổ tự Thất Bửu ở thị trấn An Châu (H.Châu Thành, An Giang) là chốn tu ẩn của sư cô Diệu Thông - nguyên mẫu của ni cô Huyền Trang trong bộ phim đình đám Biệt động Sài Gòn.

Ni trưởng Diệu Thông hiện tại - Ảnh: T.DNi trưởng Diệu Thông hiện tại - Ảnh: T.D
Biệt động Sài Gòn gồm 4 tập, đã gây cơn sốt khi trình chiếu trong thập niên 1980 và đến nay vẫn là một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng VN.
Trong phim, nhân vật ni cô Huyền Trang với gương mặt xinh đẹp, ánh mắt u buồn và tính cách can trường đã lay động trái tim khán giả. Nhân vật này được xây dựng dựa trên cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Phạm Thị Bạch Liên, pháp danh Diệu Thông, sinh trưởng tại một làng nhỏ thuộc Lai Vung, Sa Đéc cũ (nay là Đồng Tháp).
Chính vì những thành tích chiến đấu mà ngày 18.9 vừa qua, bà được Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng tặng kỷ niệm chương do có nhiều cống hiến xây dựng ngành tình báo quốc phòng VN. Trước đó, tháng 7.1969, bà được tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng 3; tháng 3.1985 được tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
Ký ức không quên
Năm nay 84 tuổi, tuổi cao sức yếu hay bệnh khi trái gió trở trời, sư cô Diệu Thông vẫn minh mẫn khi nhắc lại chuyện xưa. Trong đội quân Biệt động Sài Gòn - Gia Định - đơn vị được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân với 16 chữ vàng “đoàn kết - một lòng - mưu trí - vô song - dũng cảm - tuyệt vời - trung kiên - bất khuất” ngày ấy có một nữ chiến sĩ không có tóc, y phục màu lam, đó chính là bà.
Ni sư Diệu Thông lúc trẻ (trái) và ni cô Huyền Trang (Thanh Loan đóng) trong 'Biệt động Sài Gòn' - Ảnh: nhân vật cung cấp, Tư liệu
Ni sư Diệu Thông lúc trẻ (trái) và ni cô Huyền Trang (Thanh Loan đóng) trong Biệt động Sài Gòn
- Ảnh: nhân vật cung cấp, Tư liệu
Bà tâm sự hồi mới 7 tuổi đã biết tụng kinh, niệm Phật, ăn chay. Lớn lên một chút, bà được song thân gửi vào chùa Phước Huệ (Sa Đéc) với pháp danh Diệu Thông. Sau đó, bà được gửi ra Huế tu đạo. Bà những tưởng mình sẽ mang lớp áo nâu sòng, tụng niệm từ bi lánh xa trần thế, nhưng thời chiến đã đưa bà trở lại với dân gian.
Đó là năm Huế bị lũ lụt nên dân chúng đói rét. Như bao tăng ni khác, Diệu Thông tháp tùng đoàn mang lương thực cứu đồng bào đang khổ nạn. Rồi nhà cầm quyền nghi ngờ theo dõi các sư cô ở chùa nên cùng một số tăng ni khác bà phải dời chùa. Vào Sài Gòn, nhìn đồng bào bị khổ nạn trong chiến tranh, bà quyết lòng vừa tu vừa theo cách mạng để mong đất nước hòa bình. Từ đó, bà trở thành chiến sĩ của lực lượng Biệt động Sài Gòn, đi bán nhang, đèn làm nhiệm vụ trinh sát lấy thông tin.
Những trận đánh đã qua lâu nhưng vẫn không phai mờ trong ký ức bà vì đã có bao đồng đội bị bắt, hy sinh. Sau các chiến công, địch chú ý theo dõi chùa Tam Bảo (Sài Gòn) và san bằng ngôi chùa. Bị địch bắt, rồi được tự do do không đủ chứng cứ buộc tội, bà sau đó chuyển về Lữ đoàn 316 tiếp tục chiến đấu đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
“Tình yêu” là hư cấu
Sư cô Diệu Thông tâm sự rằng trong tuổi xế chiều, bà về chùa Thất Bửu (An Giang) ẩn tu vì nơi đây đối với bà chất chứa bao kỷ niệm tuổi thơ và cũng là nơi cha bà từng tu hành. Bà bảo, bà đến với cách mạng từ con đường đạo hạnh nay đã đi trọn cả đôi đường. Chúng tôi hỏi vui bà về tình yêu nam nữ của nhân vật ni cô Huyền Trang với chiến sĩ Tư Chung trong phim Biệt động Sài Gòn, bà cười: “Đó là chi tiết hư cấu, tuy nhiên tôi không phàn nàn gì”.
Tháng 3.2015, bà được Giáo hội Phật giáo VN tấn phong ni lên hàng giáo phẩm Ni trưởng.
“Huyền Trang” rất vui khi nghe tin nguyên mẫu được tặng kỷ niệm chương
Đạo diễn phim Biệt động Sài Gòn - Long Vân (năm nay 80 tuổi) - cho biết: “Tôi chưa từng gặp ni sư Diệu Thông ngoài đời nhưng biết chắc rằng có nhân vật ấy. Nhiều người đã kể với tôi về ni sư trong những năm tháng chiến tranh đã hoạt động cách mạng như thế nào, tầm ảnh hưởng đến các công tác bí mật ra sao.
Tất nhiên khi đưa vào phim tôi phải sáng tạo thêm để ni cô Huyền Trang mang đậm chất điện ảnh hơn. Tôi đi tìm mãi diễn viên thể hiện vai ni cô Huyền Trang mà không gặp. Tình cờ phát hiện Thanh Loan ngày đó công tác tại Đoàn kịch nói Quân đội, tôi mừng lắm. Thanh Loan thể hiện rất trọn vẹn một ni cô trong phim với nhiều giằng xé nội tâm cũng như chịu đựng mất mát, hy sinh tình riêng vì nghĩa lớn”.
Diễn viên Thanh Loan hiện sống tại Hà Nội. Trước khi về hưu, bà là đại tá, Phó giám đốc Điện ảnh Công an Nhân dân. Bà rất vui khi nghe tin ni sư Diệu Thông được Tổng cục 2 - Bộ Quốc phòng tặng kỷ niệm chương. Bà nhớ lại vai diễn: “Hồi đóng phim tôi chỉ gặp những nguyên mẫu ngoài đời như ông Tư Chu - Tư lệnh Biệt động Sài Gòn - Gia Định, bà Ngọc Mai.
Tôi từng vào chùa Dược Sư ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), gặp ni sư Huỳnh Liên và sống ở chùa một thời gian. Ni sư Huỳnh Liên dạy tôi cách đi khất thực, tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông. Đặc biệt, khi đi khất thực phải toát lên được tinh thần của một nhà sư: chậm rãi, khoan thai, mắt luôn nhìn xuống bước chân của mình”.
Đỗ Tuấn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.