Những vị Bộ trưởng đầu tiên của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Kỳ 5: Vũ Trọng Khánh - người chuộng lẽ phải

02/09/2015 06:01 GMT+7

Ngày 1.12.1945, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh ký Nghị định số 37, đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp. Tuy chỉ giữ chức vụ bộ trưởng trong 181 ngày nhưng luật sư Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ.

Ngày 1.12.1945, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh ký Nghị định số 37, đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp. Tuy chỉ giữ chức vụ bộ trưởng trong 181 ngày nhưng luật sư Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ.

Năm 1936, Vũ Trọng Khánh tốt nghiệp cử nhân luật. Từ ngày 7.2.1938, ông làm Thư ký Văn phòng luật sư Laubies. Ngày 20.12.1941, ông tuyên thệ luật sư trước Tòa Thượng thẩm Hà Nội. Một thời gian ngắn sau đó, Vũ Trọng Khánh về Hải Phòng làm luật sư, “danh tiếng là một luật sư người Việt giỏi lan lên Tòa Thượng thẩm Hà Nội, được các đồng nghiệp người Pháp trọng nể vì là người Việt cãi bằng tiếng Pháp thành thạo”.
Tháng 7.1945, luật sư Vũ Trọng Khánh làm Thị trưởng Hải Phòng trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Về việc này, hồi ký của ông ghi: “Tháng 7.1945, hai bạn tôi là Vũ Văn Hiền và Phan Anh là hai bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim rủ tôi ra làm Thị trưởng Hải Phòng. Tôi lên Hà Nội hỏi ý kiến anh Vũ Đình Huỳnh, cán bộ Việt Minh... Tôi nhận làm Thị trưởng Hải Phòng của Chính phủ Trần Trọng Kim từ ngày 25.7.1945 với dụng tâm giúp đỡ cách mạng, bảo vệ Việt Minh”.
“Nền đá đầu tiên”
Sau Tổng khởi nghĩa thành công, ngày 28.8.1945 tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước VN mới. Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, nhiều ủy viên của Việt Minh đã rút lui để các nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ lâm thời. Luật sư Vũ Trọng Khánh giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Ngày 20.9.1945, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh được cử tham gia Ủy ban Dự thảo Hiến pháp và là một trong 7 thành viên (Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy - tức Bảo Đại, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu - tức Trường Chinh).
Ngày 1.12.1945, Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh ký Nghị định số 37 đặt cơ sở đầu tiên cho việc tổ chức Bộ Tư pháp. Tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp lúc đó gồm Phòng Sự vụ nội bộ, Phòng Viên chức và kế toán, Phòng Giám đốc hộ vụ, Phòng Giám đốc hình vụ, Phòng Giám đốc việc quản trị các nhà lao và giáo dục tù nhân.
Để mở rộng hơn nữa đại đoàn kết dân tộc và nhu cầu của ngoại giao, Chính phủ T.Ư đã được mở rộng thành Chính phủ liên hiệp lâm thời. Ngày 1.1.1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời ra mắt quốc dân, có thêm các gương mặt đại biểu cho các lực lượng, đảng phái, kể cả đảng phái đối lập như Việt cách, Việt quốc. Ông Vũ Trọng Khánh tiếp tục giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Tuy chỉ giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong 181 ngày nhưng luật sư Vũ Trọng Khánh đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn cơ sở, cán bộ cũng như xây dựng hệ thống tư pháp cho nền cộng hòa non trẻ.
Trong tập hồi ký của mình, luật sư Vũ Trọng Khánh viết: “Tôi đã xây dựng bốn sắc lệnh tổ chức tư pháp được Hồ Chủ tịch ký và tôi tiếp ký. Dựa vào kinh nghiệm tổ chức nhà nước của Pháp và khoa học pháp lý, bốn sắc lệnh đã được cấu tạo nhằm dựng lên một chính quyền mới thành lập mà có điều kiện để tự duy trì và phát triển... Bốn sắc lệnh kể trên và bản Hiến pháp là nền đá đầu tiên xây dựng Nhà nước VN độc lập, tự chủ một cách thiết thực, cụ thể”.
“Từ nhỏ tôi đã chuộng lẽ phải”
Sau khi chuyển giao chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho người bạn chí thân Vũ Đình Hòe, cựu Bộ trưởng Vũ Trọng Khánh chuyển sang làm Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc bộ.
Ngày 30.4.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đến dự buổi lễ tuyên thệ của những thẩm phán đầu tiên của chế độ dân chủ nhân dân. Tại buổi lễ, đã có 38 thẩm phán được Hội đồng tuyển lựa đề nghị. Bộ Tư pháp duyệt y, hai ông Chánh nhất (Nguyễn Huy Mẫn) và Chưởng lý (Vũ Trọng Khánh) của Tòa Thượng thẩm được Chủ tịch Chính phủ bổ nhiệm, tuyên thệ.
Trong hồi ký cuối đời, luật sư Vũ Trọng Khánh bộc bạch: “Từ nhỏ tôi đã chuộng lẽ phải... Tôi lấy làm hạnh phúc được sống trong thời đại có những chủ nghĩa, những phong trào mưu cầu chính nghĩa...”. Tình yêu công lý, lẽ phải và chính nghĩa đó cũng chính là lý do đã thôi thúc ông nhận chức Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc bộ. Hồi ký viết: “Về sau tôi nhận làm Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc bộ với dụng tâm sẽ bắt tay trực tiếp xây dựng cụ thể các tòa án theo Sắc lệnh 13 của tôi”.
Kháng chiến bùng nổ, từ tháng 12.1946 đến tháng 12.1948, luật sư Vũ Trọng Khánh nhận chức Giám đốc Tư pháp Chiến khu 10 gồm 6 tỉnh: Vĩnh Yên, Phúc Yên, Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái. Từ năm 1949 đến tháng 12.1951, ông là Trưởng ban Nghiên cứu pháp lý và từ năm 1951 - 1954 làm Giám đốc Vụ Hành chính tư pháp...
Luật sư Vũ Trọng Khánh sinh năm 1912, nguyên quán: thôn Cự Đà, xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội); qua đời tại Hải Phòng năm 1996. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng nhất...
Trong điện chia buồn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi gia đình luật sư Vũ Trọng Khánh ngày 25.1.1996 viết: “Anh là một trí thức yêu nước, có tâm huyết đối với vận mệnh của Tổ quốc, đã từng có đóng góp xứng đáng trong Chính phủ lâm thời đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong suốt những thập kỷ kháng chiến và những năm tiếp theo, anh đã hết lòng phục vụ nhân dân, có cống hiến xứng đáng đối với sự nghiệp đoàn kết toàn dân và xây dựng nền luật học của nước ta”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.