Những người làm phim "Ván bài lật ngửa" - Kỳ 8: Chuyện hậu trường chưa kể

08/10/2011 00:14 GMT+7

Thời gian không làm phôi pha nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng những người làm nên Ván bài lật ngửa.

>> Kỳ 7: Bộ phim thay đổi số phận vị đạo diễn

Tìm mọi cách để gặp lại những người của xí nghiệp phim năm xưa (Hãng phim Giải phóng trước là Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM) gần như vô vọng vì thông tin về họ quá ít. Rồi một ngày, người đàn ông trạc 65 tuổi tìm đến Báo Thanh Niên tự xưng là Hồ Cầm - Chủ nhiệm đoàn phim Ván bài lật ngửa năm xưa. “Tôi đọc loạt bài trên báo đến hôm nay bỗng dưng không ăn ngủ được. Ký ức của một thời sống lại trong lòng”, ông nói giọng nghẹn ngào.

Gặp lại người “cầm trịch dạ dày” đoàn phim

Ông Hồ Cầm, nguyên Chủ nhiệm đoàn phim, người “cầm trịch dạ dày” của toàn bộ anh em nghệ sĩ.

“Mong muốn bây giờ chỉ là gặp lại anh em nghệ sĩ ngày trước, những người cùng tôi bôn ba khắp mọi miền đất nước làm phim Ván bài lật ngửa. Tuổi già chỉ còn biết sống với kỷ niệm”, Hồ Cầm thổ lộ. Ông cũng từng đóng vai đại úy Tình trong tập 4 Cơn hồng thủy và bản tango số 3.

Rồi Hồ Cầm kể thời bao cấp làm một tập phim chỉ khoảng 300.000 đồng. Chi nhiều hơn là không thể vì ngân sách nhà nước chỉ có thế. Giữ vai chính như Nguyễn Chánh Tín, Thanh Lan hay Thúy An chẳng dư dả gì, thường tìm ông năn nỉ xin ứng trước chút đỉnh tiền cát-sê để tiêu xài. “Ngày đó ai cũng nghèo khó cả nhưng kỳ lạ là chẳng người nào buồn hay lo vì chấp nhận với hoàn cảnh chung của đất nước”, Hồ Cầm nhớ lại.

Ngày phim Ván bài lật ngửa ra rạp tập đầu tiên năm 1982, thời đó là sự kiện lớn. Khán giả xếp hàng mua vé đông kịt. Diễn viên đoàn phim gọi tìm ông mỗi giờ để xin thêm vé dù lúc đó tiêu chuẩn mỗi người được 5 đến 10 chiếc dành mời bạn bè, người thân nhưng nào có đủ. “Nhìn khán giả đến xem phim, tôi mừng rơi nước mắt vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Doanh thu bán vé cao đồng nghĩa với việc xí nghiệp thu đồng lời, anh em cũng đỡ khổ. Trước mỗi tập phim, tôi và đạo diễn Lê Hoàng Hoa đều đến nhà của tác giả Trần Bạch Đằng để tham khảo ý kiến, bàn bạc phương án làm phim sao cho hiệu quả nhất. Ngay cả vai diễn trong phim, Trần Bạch Đằng cũng đề nghị ai vào từng vị trí cho phù hợp. Ông quả có con mắt tinh đời”.

Dời ngày quay vì...khán giả

“Tôi nhớ mãi lần quay đại cảnh trên cầu chữ Y (TP.HCM). Hàng mấy chục chiếc xe tăng tiến lên giữa 3 đầu cầu. Thời đó muốn xe tăng vào thành phố  phải xin phép Bộ Tư lệnh và Sở Công an để điều động lực lượng đến giữ trật tự. 9 giờ sáng, công chúng nghe tin đoàn phim chuẩn bị bấm máy đã kéo đến chật kín 3 nhánh cầu chữ Y. Đúng 10 giờ khi đại tá Nguyễn Thành Luân (Nguyễn Chánh Tín) xuất hiện trên xe tăng, hàng ngàn người đã len lỏi lên được cầu để tận mắt nhìn thấy ngôi sao điện ảnh. Tình hình lúc đó bắt đầu không thể kiểm soát. Lượng người quá đông cộng thêm xe tăng có thể làm sập cầu bất cứ lúc nào, mặt khác không thể nào quay được do công chúng chen lẫn với nghệ sĩ. Thế là cả đoàn phim buộc phải ngưng diễn”, Hồ Cầm kể.

 
Nguyên Chủ nhiệm phim Ván bài lật ngửa Hồ Cầm - Ảnh: Đ.T

Ngày kế tiếp thời tiết không thuận lợi, phải vài hôm sau mới quay lại. Lần này, Sở Công an TP.HCM tăng cường lực lượng hàng trăm cảnh sát giữ trật tự ở 3 đầu cầu, cảnh quay mới thực hiện được.

Những lần đoàn phim đi xa, xí nghiệp luôn cử thêm “chị nuôi” lo cơm nước cho anh em nghệ sĩ, chuyên viên kỹ thuật. Cơm nấu cả thùng to, hai người vô còn lọt. Thức ăn có gì mua nấy nhưng không thể vượt quá tiêu chuẩn nên chỉ vài con khô hay khứa cá kho, chén canh rau toàn nước. Trà đá vô can 20 lít mang ra trường quay rồi chiết ra từng ấm nhỏ. Mọi người uống chung trong chiếc ly nhựa cho dù đó là Nguyễn Chánh Tín, Thúy An hay Thanh Lan.

Hồ Cầm nói ông và anh em đoàn phim nhớ mãi lần tổ chức đám cưới cho đạo diễn Lê Hoàng Hoa năm 1986, đúng vào thời gian quay tập 6 Lời cảnh cáo cuối cùng. Lê Hoàng Hoa lập gia đình lần hai với ca sĩ Trúc Quỳnh. “Một tay tôi lo đám cưới. Lúc đó, Lê Hoàng Hoa nghèo lắm. Xe hoa thì lấy xe của đoàn phim về trang trí thêm hoa vải cho có chút màu mè. Tiệc cưới tổ chức giản dị nhưng rất vui. Toàn bộ anh em nghệ sĩ đều đến dự, chúc mừng cho đạo diễn. Vậy mà thấm thoát đã 25 năm rồi”.

Dáng ông lững thững giữa nắng Sài Gòn trong bộ đồng phục bảo vệ một nhà hàng. Từng này tuổi, ông nói mình còn may mắn khi còn có việc làm tìm đôi ba triệu nuôi con. Trong căn phòng trọ trên đường Nguyễn Cư Trinh, Q.1, TP.HCM, mắt Hồ Cầm chợt ngấn nước khi nhắc lại những ngày tuổi trẻ của mình.

Làm Chủ nhiệm phim tại Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM từ năm 1978 đến 1998 Hồ Cầm xin nghỉ về chăm lo vợ bệnh ung thư giai đoạn cuối. Ông nói đời mình quá hẩm hiu. Vì quá mê nghệ thuật nên năm 42 tuổi mới lấy vợ. Bảy năm sau (1998) vợ ông qua đời vì bạo bệnh để lại cho ông đứa con trai nay đã 19 tuổi. Ông ở vậy chăm lo cho con đến từng này tuổi, gần như quên hẳn mọi thú vui dành cho riêng mình.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.