Những người làm phim "Ván bài lật ngửa - Kỳ 5: Ngồi xe lăn vẫn đóng phim

04/10/2011 23:46 GMT+7

Trong số những người tham gia phim Ván bài lật ngửa, có thể nói Nguyễn Đình Thơ là một trong những diễn viên có số phận chìm nổi nhất.

>> Kỳ 4: Gặp lại “Clark Gable Việt Nam”

Đổ đèo với tốc độ 80 km/giờ

Năm nay 66 tuổi, từng đóng 45 phim nhựa và 378 phim truyền hình, video, nhưng Nguyễn Đình Thơ vẫn nhớ rất nhiều kỷ niệm về Ván bài lật ngửa. Ông hào hứng nói về những ngày ông cùng đoàn phim Ván bài lật ngửa lặn lội lên Đà Lạt để ghi hình. “Tôi vào vai đại úy Trưởng phòng Phản gián Nha An ninh quân đội Sài Gòn nhận nhiệm vụ ám sát đại tá Nguyễn Thành Luân (do Nguyễn Chánh Tín đóng). Trong số những diễn viên ngày ấy, ngoài lý do hợp vai, tôi còn biết lái xe hơi nên được đạo diễn Lê Hoàng Hoa giao vai này”.

 
Diễn viên Nguyễn Đình Thơ ngồi xe lăn trong phim Cuộc gọi lúc không giờ - Ảnh: nhân vật cung cấp

Cảnh quay trong Ván bài lật ngửa đòi hỏi Nguyễn Đình Thơ phải lái chiếc jeep đua theo xe Traction Citroen do Nguyễn Thành Luân điều khiển đổ đèo Ngoạn Mục với vận tốc trên 50 km/giờ. “Tài xế chuyên nghiệp thời đó còn không dám chạy với tốc độ cao như thế nói chi tôi. Đường sá 30 năm trước đâu được như bây giờ. Đổ đèo tối đa 30 km/giờ là đã mệt mỏi lắm rồi”, ông thú nhận. Tuy nhiên khi bắt đầu diễn, Lê Hoàng Hoa buộc ông phải tăng tốc lên 70, 80 km/giờ để cảnh rượt đuổi thêm phần gay cấn. Ông bấm bụng lái xe mà ruột gan lên mây, tinh thần căng thẳng tột độ.

Ván bài lật ngửa không là phim đầu tay nhưng để lại trong ông nhiều kỷ niệm. Tình bạn bè, nghĩa đồng nghiệp đã giúp ông chống chọi với những nghiệt ngã cuộc đời mà bây giờ, 30 năm sau, mỗi lần nhắc lại đôi mắt Nguyễn Đình Thơ chợt đỏ.

 
Cảnh quay Nguyễn Đình Thơ đổ đèo Ngoạn Mục trong phim Ván bài lật ngửa - Ảnh: chụp từ phim

Mối thâm tình với “Lý Kai” nơi xứ người

Nguyễn Đình Thơ vừa trở về quê nhà Phan Thiết sau vài ngày nán lại TP.HCM vì công việc. “Tôi sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nghèo, xuất thân trong một gia đình nông dân. Mới 10 tuổi, tôi buộc phải tha hương, theo người cô vào tận Sài Gòn để tìm kế sinh nhai và ăn học. Ban ngày đến trường, ban đêm từ 2 đến 4 giờ tôi đi gánh nước mướn được vài xu trang trải mọi chi phí. Đám bạn cùng lớp nhà giàu sáng nào cũng mua cho tôi quà bánh, đổi lại tôi chỉ bọn nó làm bài tập về nhà. Nhọc nhằn, cơ cực đã giúp tôi đủ cứng rắn, mạnh mẽ để sống và tồn tại đến hôm nay”, ông kể bằng giọng tỉnh queo, chẳng than thân hay trách phận.

Con người bên ngoài hung tợn là thế nhưng cái tâm ông lại hiền lành và thật thà hiếm thấy. “Sống vậy nên trời thương, tai qua nạn khỏi”, ông kết luận. Tháng 4.2005, ông được gia đình bên vợ bảo lãnh sang Mỹ sau thời gian mắc bệnh thoát vị đĩa đệm và liệt không chữa trị được. Nhưng 2 vị bác sĩ Mỹ sau khi xem xét bệnh tình cũng lắc đầu từ chối điều trị. Lúc đó ông vừa quay xong phần 1 phim Hướng nghiệp của đạo diễn Châu Huế, tiếp tục tham dự phần 2 của phim này. “Nhiều phân đoạn tôi ngồi xe lăn diễn xuất, đạo diễn quay cận cảnh phần trên nên khán giả không hề biết tôi đang bệnh”.

Ông kể, suốt đời mang ơn James Đức, bác sĩ Mỹ gốc Việt chỉ độ 30 tuổi, người tình nguyện khám và phẫu thuật cho ông sau khi hội đồng y khoa của Bệnh viện California đánh giá bệnh của ông chỉ 12% chữa khỏi, đến 88% chịu tật nguyền. “Tôi suy sụp lắm. Vì sang xứ người mà bị liệt thì chẳng ai lo được cho mình, ăn bám gia đình tôi lại không muốn. Bác sĩ Đức nói một câu làm tôi xúc động lắm: Cháu sẽ mổ cho chú vì nếu chú bị liệt, gia đình và bản thân chú đều rất khổ. Lúc đó tôi mới biết tình đồng bào là như thế nào”.

Vài tháng sau phẫu thuật, Nguyễn Đình Thơ kiên trì tập luyện để có thể đi lại được nhưng ông phải chịu đựng sự lạnh nhạt của ngay cả những người thân trong gia đình. “Quá buồn tủi, tôi đăng báo tìm bạn bè ở Mỹ. Rồi một ngày nọ, tôi nhận cú phôn. Đầu dây bên kia là Cai Văn Mỹ (người đóng vai Lý Kai trong phim Ván bài lật ngửa - PV). Giọng nó run lên vì mừng. Gần 25 năm dài từ khi đóng chung phim, giờ tôi với nó mới có dịp trùng phùng”, ông nghẹn ngào.

Thế rồi mỗi tuần vài lần, Cai Văn Mỹ đến mobile home (nhà ở di động), nơi Nguyễn Đình Thơ tá túc, ẵm ông đưa lên xe hơi chở đến bệnh viện tập vật lý trị liệu. “Nó nhỏ con, ốm yếu mà bồng tôi như thế, có sắt đá mới không mủi lòng. Thỉnh thoảng còn dấm dúi cho tôi lúc 50 lúc 100 USD xài vặt dù nó chẳng giàu có gì”. Hết bệnh là thời điểm ông quyết định ly dị vợ để trở về Việt Nam sống cùng hai con gái. “Ngày trở về ai cũng nói tôi khùng, dở hơi, sang được đây mà lại lội ngược về. Mặc kệ, tôi sống cho đam mê của đời mình là đủ”, ông tâm sự.

Bạn bè ở quê nhà biết tin ông hồi hương đã giúp sức, tìm cơ hội để ông quay lại phim trường. Điện ảnh trở thành cái nghiệp của đời ông khi hơn 30 năm trước trong một buổi chiều tà đạp xe lọc cọc từ Sông Bé về Sài Gòn ngang qua đường Lê Quý Đôn, trước xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM ông nghe bạn gọi và giới thiệu với đạo diễn - NSND Huy Thành. Thấy dáng vẻ bề ngoài của ông, đạo diễn mời vào vai một sĩ quan chế độ cũ trong phim Như thế là tội ác quay năm 1979. Điện ảnh đón ông bằng một sự tình cờ như thế. “Nếu không, chắc giờ đây tôi đã là lão nông rồi”.

Tai họa vẫn không buông tha cho Nguyễn Đình Thơ. Tháng 5.2011, lúc đang chạy bộ tập thể dục buổi sáng gần nhà, ông bị một chiếc xe máy chở nước đá đụng phải. Cú va đập làm ông chấn thương nặng, nằm viện hơn tháng trời và tiếp tục… ngồi xe lăn suốt mấy tháng dài. “Bạn bè nói thôi thằng Thơ đã hết số! Vậy mà tôi vẫn sống, thật lạ kỳ”, ông cười ha hả sau khi khoe đang tham gia phim Món nợ miền Đông của đạo diễn Trần Vịnh.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.