Những người làm phim "Ván bài lật ngửa"- Kỳ 1: Đại tá Nguyễn Thành Luân bây giờ

30/09/2011 23:08 GMT+7

30 năm trôi qua kể từ ngày bấm máy, chúng tôi tìm gặp những nghệ sĩ đã góp phần làm nên một trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt - Ván bài lật ngửa, thì trong đó có người đã mất, người tha hương.

Vai diễn để đời của một nghệ sĩ

Tôi bắt tay diễn viên Nguyễn Chánh Tín trong ngôi nhà có những sợi dây xanh quấn quanh ban-công ở Q.10, TP.HCM. Gương mặt vẫn còn lưu lại nét phong trần, hào hoa, lịch lãm của một điệp viên tình báo siêu hạng. Thời gian điểm bạc trên mái tóc nhưng nhắc lại những ngày làm phim Ván bài lật ngửa, đôi mắt anh bỗng sáng.

Khán giả Việt, đặc biệt người Sài Gòn tuổi trung niên khó lòng quên được dáng cao gầy của Nguyễn Chánh Tín trong vai Robert Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa. Nguyễn Thành Luân bước ra khỏi chiếc xe Traction Citroen chậm rãi hút thuốc, chiếc áo choàng đen cùng bóng anh trải dài trên con đường rừng cao su đầy lá đổ là cảnh quay khó phai trong ký ức người yêu điện ảnh Sài Gòn.

 
Nguyễn Chánh Tín (Nguyễn Thành Luân) và Thương Tín (thiếu tá Lê Như Vọng) trong phim Ván bài lật ngửa - Ảnh: NV cung cấp

“Rất xúc động khi nhìn lại những hình ảnh đó. 30 năm đã qua, một đoạn đời không hề ngắn ngủi, để lại trong tôi nhiều kỷ niệm có cả vui lẫn buồn”, bên chén trà xanh, Nguyễn Chánh Tín nói rặt giọng Cà Mau, đậm chất Nam Bộ. “Đời nghệ sĩ không gì vui và hạnh phúc cho bằng khi tham gia vào một tác phẩm nghệ thuật được công chúng yêu mến. Đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều người nhắc, đến thăm hỏi “đại tá Nguyễn Thành Luân”. Tôi là người may mắn khi được đạo diễn Lê Hoàng Hoa và chú Trần Bạch Đằng mời vào vai chính khi còn rất trẻ”.

Đời nghệ sĩ không gì vui và hạnh phúc cho bằng khi tham gia vào một tác phẩm nghệ thuật được công chúng yêu mến. Đến tận bây giờ, vẫn còn nhiều người nhắc, đến thăm hỏi “đại tá Nguyễn Thành Luân.

 NSƯT Nguyễn Chánh Tín

Rồi anh bật cười khi kể lại cái áo choàng đen trên phim, vật gắn liền với vai diễn Nguyễn Thành Luân, là chiếc áo mưa cũ của quân đội Mỹ. “May mà thời đó làm phim đen trắng chứ quay màu như bây giờ là “bể” hết! Còn cái nón nỉ, tôi phải đi thuê chứ làm gì có”.

Cuộn phim đời đậm ký ức chợt quay lại. Anh kể bằng giọng trầm ấm chẳng trách móc cũng không hề xưng tụng: “Sáu tháng trời quay một tập phim nhận được 300 đồng. Số tiền đó ăn còn không đủ lấy đâu mua áo choàng hay nón nỉ. Thời đó diễn viên nhà nước hạng A hay ngôi sao lĩnh 70 đồng/tháng cộng thêm nhu yếu phẩm. Tôi là diễn viên tự do nên chỉ có 300 đồng mà thôi”.

Nguyễn Chánh Tín nhớ lại những nhọc nhằn anh em nghệ sĩ phải chịu đựng để có những thước phim mà mãi 30 năm sau, nhiều khán giả vẫn nhớ: “Cơm nước ăn như bộ đội. Diễn viên, đạo diễn, chuyên viên kỹ thuật chỉ “độc” nhất mấy món: rau luộc, tô canh toàn nước và chén mắm kho hay chút cá khô mặn. Nước mắm không có mà ăn, phải lấy nước muối pha màu”.

Hơn sáu năm làm 8 tập phim Ván bài lật ngửa là ngần ấy thời gian anh đưa vợ con rong ruổi theo đoàn phim. Thời đó, Nguyễn Chánh Tín, vợ anh ca sĩ Bích Trâm và ca sĩ Thanh Lan (vai Thùy Dung, vợ Nguyễn Thành Luân) là những tên tuổi lớn nên đi đến đâu cũng có thể kiếm sống được bằng nghề hát. “Tôi nhớ lần đoàn phim đến Bến Tre, ký hợp đồng với rạp hát để tối đó vợ chồng tôi và chị Thanh Lan biểu diễn ca nhạc, kiếm thêm chút thu nhập, cải thiện bữa cơm cho anh em nghệ sĩ. Lý Hùng (vai cậu bé quăng lựu đạn trong phim) chừng 12 hay 13 tuổi gì đó được phân công đứng soát vé. Tối đến, mặt mày tái xanh, Lý Hùng chạy vô nói với tôi: Chú ơi khán giả đông quá, đạp con té nhào tràn vào rạp rồi! Tôi cười nói thôi để khán giả vào xem càng đông càng vui. Ban ngày diễn, ban đêm hát, tiền thu từ bán vé chúng tôi đóng góp cho Hội Điện ảnh TP.HCM”.

Nhớ lắm những đồng nghiệp

Ván bài lật ngửa là bộ phim đen trắng về đề tài tình báo do Xí nghiệp phim tổng hợp TP.HCM sản xuất, Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) đạo diễn dựa theo kịch bản của Nguyễn Trương Thiên Lý (nhà văn Trần Bạch Đằng). Phim khởi chiếu từ năm 1982 đến 1987 gồm 8 tập: Đứa con nuôi vị giám mục, Quân cờ di động, Phát súng trên cao nguyên, Cơn hồng thủy và bản tango số 3, Trời xanh qua kẽ lá, Lời cảnh cáo cuối cùng, Cao áp và nước lũ, Vòng hoa trước mộ. Thành phần diễn viên: Nguyễn Chánh Tín (vai Nguyễn Thành Luân), Thúy An và Thanh Lan (Thùy Dung), Lâm Bình Chi (Ngô Đình Nhu), Thu Hồng (Trần Lệ Xuân), Đỗ Văn Nghiêm (Ngô Đình Thục), Lan Chi (Hélène Fanfani), Thương Tín (thiếu tá Vọng), Cai Văn Mỹ (Lý Kai), Khương Mễ, Nguyễn Đình Thơ, Hoàng Sơn, Lê Cung Bắc, Trần Quang, Lý Hùng, Trần Quang Đại...  

Phim đang được chiếu lại trên Đài PTTH Bình Dương (BTV1) vào lúc 6 giờ 40 và 20 giờ.

Tôi hỏi anh có thông tin gì về những đồng nghiệp năm xưa, Nguyễn Chánh Tín chợt buồn. Diễn viên Nguyễn Đình Thơ (vai đại úy) vừa đỡ bệnh sau thời gian dài ngồi xe lăn. “Anh Thơ từng là huấn luyện viên tam đẳng judo cũng không thể chống lại quy luật của thời gian. Chú Khương Mễ, chú Đỗ Văn Nghiêm (vai Ngô Đình Thục) đã mất. Anh Xuân Hoàng, phó đạo diễn phim cũng qua đời vì điện giật”.

Đa phần diễn viên trong phim Ván bài lật ngửa không được đào tạo chính quy. Ngay như Nguyễn Chánh Tín cũng là “tay ngang” bước vào điện ảnh như lời anh thú nhận. “Nhân vật Ngô Đình Nhu do Lâm Bình Chi thể hiện rất hay trong phim, ngoài đời chỉ là anh chàng bán quần jeans ở chợ Tạ Thu Thâu. Tình cờ đạo diễn Lê Hoàng Hoa phát hiện do anh có ngoại hình quá giống ông Nhu nên mời vào phim. Đạo diễn Lê Hoàng Hoa phải tập trung sức lực truyền hết kỹ năng diễn xuất để anh có thể đấu trí với tôi trong phim. Anh Chi giờ đang sống tại Mỹ. Cai Văn Mỹ (Lý Kai), đạo diễn Lê Hoàng Hoa cũng thế, thỉnh thoảng về VN anh em gọi nhau đi nhậu, ôn lại ngày xưa. Chị Thanh Lan ở Mỹ cùng gia đình, xa quê đã 20 năm”, Nguyễn Chánh Tín kể.

Rồi anh nói thêm về chị Thu Hồng (vai Trần Lệ Xuân) lúc đó là nhân viên Công ty du lịch TP.HCM, tướng cướp Phạm Văn Bền do họa sĩ Lê Chánh thủ diễn...

Nhắc chuyện xưa để nhìn lại điện ảnh hôm nay, Nguyễn Chánh Tín chia sẻ: “Thế hệ làm phim bây giờ đầy đủ hơn thời chúng tôi nhiều, từ vật chất đến cả kiến thức. Ngày trước làm phim vì niềm vui, vì yêu thích nên không mấy đắn đo chuyện cơm áo, gạo tiền, gia đình đã có vợ lo liệu. Bây giờ mọi thứ đều khác. Tất cả đều đong đếm bằng lợi nhuận, doanh thu. Ván bài lật ngửa được Nhà nước hỗ trợ rất nhiều từ nhân lực đến vũ khí, đạn dược. Lần đóng phim ở cù lao tận Bến Tre sử dụng đến vài ngàn tấn thuốc nổ. Đất trời rung rinh như chiến tranh thật sự, mấy chục chiếc xe bọc thép M113, hàng ngàn lính giao tranh, đâu thua gì Hollywood”.

Mỗi cảnh quay, từng thước phim chậm rãi chảy trong ký ức người diễn viên bước vào tuổi 60. NSƯT Nguyễn Chánh Tín chỉ mong mỏi khán giả mãi nhớ về những nghệ sĩ năm xưa, những người từng ăn cơm độn bo bo, củ mì để làm nên những thước phim kinh điển cho điện ảnh Việt.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.