Những người đàn bà

14/10/2012 03:00 GMT+7

Miếng đất toen hoẻn 22 m2, xây nhà ba tầng, mà mỗi tầng lại chia thành những hai phòng bởi cái cầu thang chiếm mất 4 m ở giữa. Hồi nhà mới xây xong, ai cũng dài môi bĩu mỏ chê ông già thiết kế nhà vụn vặt. Bây giờ lại thấy tươm! Một phòng bếp, một phòng khách, ba phòng ngủ, vừa xinh cho ba người đàn bà và một bé gái.

Vừa tống khứ được quả bom nổ chậm thứ hai ra khỏi nhà, thì cô chị cả quay về. Nàng ly dị chồng, mang về theo bé Ớt mười một tuổi, con Mèo lớn hơn ở với bố. Hai mẹ con nàng tiếp quản phòng ngủ tầng hai nơi cô Hai vừa dọn đi lấy chồng. Phòng ngủ bên cạnh, cũng tầng hai là của Ta - “đại tướng”, mẹ của ba ả tố nga. Còn Voi - cô út, chiếm cái tổ cúc cu trên tầng ba, bên cạnh cái sân thượng nhỏ trồng cây cảnh và phơi phóng.

- Mày là một con điên ngu dại. Cái nhà đó một tay mày xây, tốn vào đấy bao nhiêu tiền của. Thế mà bây giờ mày bỏ cả cho thằng đó. Mày phải đòi thằng chồng cũ chia cho mày hai tầng nhà mới phải!

- Con chả cần, đằng nào thì con Mèo nhà con cũng phải ở đấy với bố nó. Đòi được hai phòng, mà ở lại đó, mất tự do lắm!

- Rồi nó lấy vợ mới, chúng nó ung dung sung sướng sống trong ngôi nhà mày cặm cụi hơn chục năm trời xây nên. Tại sao tao lại đẻ ra một đứa ngu man rợ thế này.

Nàng bực mình gắt lên:

- Thôi đi mẹ, con chỉ cần tự do, thoải mái. Con còn làm ra tiền. Còn hơn trói đời mình ở cái nhà đó mãi, rồi mẹ cũng chẳng hưởng được cái gì ở con.

Ta cáu quá, vừa cắn giập cái tăm trong miệng, vừa nghĩ: "Ừ, cũng phải. Từ hồi con Cả lấy chồng, kiếm được, nhưng có bao nhiêu đồng nó lại đắp điếm lo đằng chồng nó hết. Bố mẹ đẻ chẳng được hưởng tí ti. Thôi thì con gái lấy chồng hưởng phúc phận đằng chồng, nó không bám gấu váy mình là may rồi. Nhưng… bà chỉ đẻ ba con vịt giời, ông thì bệnh mất rồi, Voi rồi cũng đi lấy chồng nốt thì bà biết ở với ai. Mẹ con nhà Cả nó về với bà cũng tốt. Nó có con rồi, thế là yên ổn, nó biết làm ăn, đứng thẳng đi thẳng giữa đời, cần gì những thằng đàn ông nhiễu nhương".

Ta cảm thấy yên lòng chút ít, kéo roẹt cửa xếp sơn nâu, bước ra. Ngõ  rộng chừng 2,5 mét, đổ bê tông, trưa đứng bóng thì cũng chỉ có một vệt nắng rộng chừng gang tay lọt xuống, do các dãy nhà hai bên đua nhau xây ban công, hoặc lao dầm ra hòng tăng thêm diện tích ở trên không, cơi nới cho bớt chật chội, vả lại cũng chẳng có luật nào cấm chiếm hữu khoảng không phía trên mặt đất. Anh chàng bán gạo đỡ một bao căng tròn như lợn béo từ xe máy xuống, đon đả mời Ta mua giùm. Ừ thì Ta mua cho năm cân, ăn đến đâu mua đến đấy. Không cần phải tích trữ như thời bao cấp. Anh hàng gạo dùng ca đong gạo vào thùng nhôm cho Ta, miệng buôn như tép nhảy, mỗi ca đúng một cân gạo, không thiếu, không thừa một hột nào. Vài hạt gạo văng xuống mặt ngõ. Lập tức dăm con se sẻ như chực sẵn, sà ngay xuống nhặt ngoăn ngoắt, hết rồi lại bay vọt lên cành xương rồng ở ban công tầng hai vừa chíu chít cãi cọ vừa hé mắt ngó xuống, chờ gạo văng ra tiếp.

Trưa nay, nhà có khách không mời, con Dứa bạn con Ớt đi học về theo. Ta nhìn nó nghi ngại, con này là chúa nghịch, để thả cửa cho chúng nó nghịch thì không khác gì B.52 tàn phá Hà Nội. Năm người đàn bà ngồi quanh mâm, trò chuyện rổn rảng, cười toe cả cơm ra mà chẳng phải ngại ngần, thì có mống đàn ông nào đâu mà phải ý tứ giữ gìn. Đàn ông chỉ tổ làm cho cuộc sống thêm phức tạp và thiếu thoải mái.

"Chứ lại không à? Ông nội chúng mày ở quê đấy, hơn 90 tuổi, sắp xuống lỗ đến nơi mà vẫn gây rối. Suốt đêm không ngủ, cũng chẳng cho ai ngủ, mò mẫm chửi bới loạn nhà, ỉa đái tung tóe, bôi đầy lên đồ đạc, khắm không chịu nổi. Đã thế chú nhà mày không chịu cho thuê người trông ông, lại cứ bắt chia ra mỗi người nuôi ông một tháng. Tao là tao không trông nom gì hết. Tao làm con dâu trưởng, hầu hạ ông hơn hai chục năm trời rồi, giờ tao phải hưởng tự do một tí, sắp hết đời rồi mà còn hành tao là không được. Khéo tao chết trước ông cụ, như bố chúng mày đấy!".

- Làm gì mà Ta bức xúc thế - Voi thủng thẳng nói - Ta không về quê trông nom ông thì cứ gửi tiền về thuê người là được. Ai bắt ép Ta đâu!

- Không bắt ép nhưng chúng nó nói ra nói vào, bực cả mình. Dư luận hàng xóm láng tỏi điếc cả đít!

Nàng xen vào:

- Ta có sống ở quê đâu mà lo dư luận. Trong tâm mình không cảm thấy day dứt là được rồi. Ta sáu chục tuổi đầu rồi, hãy biết sống vì Ta đi, đừng sống vì dư luận. Này, nếu Ta đau ốm nằm viện, hàng xóm có chăm Ta nổi một tuần không?

- Thì đấy! Vậy mà chúng nó thối mồm, cứ chõ vào việc nhà người khác.

- Chuyện rỗi hơi ấy, nghĩ làm gì cho mất thì giờ. Ta tìm xem có chuyến du lịch nước ngoài nào hợp túi tiền thì thu xếp để đi. Cả đời Ta mong được du lịch đây đó, giờ chân tay còn chưa nhức nhối thì tranh thủ mà đi.

Kết luận này kết thúc bữa trưa.

Voi leo lên tầng ba, nghe nhạc rồi ngủ. Chiều nay Voi sẽ phỏng vấn một ca sĩ, tối về thủng thẳng viết bài. Nàng thì quắp gối ôm, vừa nằm vừa đọc, cho đến khi mi mắt sụp xuống. Con Ớt và con Dứa ngồi đánh điện tử bên máy vi tính, cố kìm những tiếng thét kinh động. Trẻ con vốn chẳng thích ngủ trưa. Ta ngồi tầng một xem tiếp bộ phim Hàn Quốc nhiều tập. Những cuộc cãi cọ vặt vãnh không đâu của dân xứ kim chi ngày nay đang chiếm hầu hết thì giờ của các bà nội trợ Việt. Đàn bà Hàn ruột để ngoài da, có gì cứ tồng tộc tung hê ra bằng hết, chẳng như đàn bà Việt, bụng thì muốn mà miệng chẳng dám nói ra, đến khổ vì kìm nén, vì phải giấu đi ý nghĩ thật, nhu cầu thật của mình. Nói thật ra thì sợ dư luận đánh giá nọ kia. Ôi chao là mệt!

Hình như nàng chỉ chợp mắt được 15 phút buổi trưa. Rồi nàng ngồi thừ người, thấy mệt mỏi buồn bực chán ngán. Nàng thường trải qua cơn trầm cảm sau giấc ngủ trưa ngắn ngủn. Nàng sẽ chữa bằng một cây kem sô cô la ngay bây giờ. Ôi cuộc sống sao mà nhợt nhạt.

Nàng uể oải bước vào toilet và sựng lại. Bánh xà phòng thơm đã bị xắt nhỏ, vụn vãi lung tung khắp bồn rửa mặt, tấm gương phía trên bị những vệt xà phòng bôi ngoằn ngoèo như một bức tranh trừu tượng. Nàng bật trở ra phòng khách, thấy chùm chìa khóa nằm chỏng trên sàn. Con Ớt - thủ phạm những trò nghịch không bao giờ kết thúc - đã đi học bổ trợ buổi chiều rồi. Nàng cũng phải chuồn thôi, bãi chiến trường trong toilet để phần cho Ta, đằng nào thì Ta cũng có phải làm gì đâu. Chả bao giờ dọn dẹp nổi thế giới này.

Buổi chiều của nàng không đến nỗi nào, nhà sử học danh tiếng rất quen thuộc trong các talkshow và các cuộc thi kiến thức trên truyền hình đã đồng ý chia cho nàng nửa số tiền viết cuốn sách về một dòng họ. Đứa con giàu có nhất của dòng họ chi tiền, miễn là anh ta được những trang ưu ái nhất trong cuốn sách. Nàng viết là chính, sử gia kia chỉ biên tập và đứng tên. Số tiền ấy đủ chi dùng cho nàng trong nửa năm. Nàng chỉ cần tập trung viết trọn một tháng. Chẳng cần dụng công văn vẻ gì. Tốt!

- Con Voi đi đâu mà không về ăn tối? - Nàng hỏi.

- Chả biết! Nó có bảo gì Ta đâu! - Ta đáp.

Quanh mâm chỉ còn ba người đàn bà. Ba thế hệ. Ta vừa ăn vừa trợn mắt nhìn ti vi có vẻ như chẳng quan tâm lắm chuyện Voi không về nhà ăn tối.

Con Ớt bê cả bát thịt băm dồn vào bát cơm của nó đến đầy hự. Thịt băm trộn cơm, khoái khẩu của nó. Nó vừa ăn vừa nghĩ cách làm sao thuyết phục mẹ nó cho nó bật vi tính để cho Pet ăn.

"Học bài đi, vi tính vi teo vớ vẩn gì". Thế nào mẹ cũng ca lại điệp khúc ấy. Nản!

Có tiếng điện thoại cố định ré lên chói tai. Điện thoại Tàu có khác, nhức cả đầu.

- Con Ớt nghe máy đi. Chắc lại con Dứa gọi rồi. Con ấy chúa bỏ bom điện thoại lúc nhà người ta ăn cơm - Ta phàn nàn.

- Con Ớt nhấc máy đi! - Nàng giục chiếu lệ rồi lại vừa nhai cơm, vừa nghĩ đến cấu trúc cuốn gia phả nàng sẽ viết theo đơn hàng của nhà sử học.

Nhưng con Ớt mải ăn, không thèm đứng lên để nhấc máy điện thoại. Trẻ con ngày nay chẳng sai bảo được việc gì. Chúng thật là món đồ chơi quá xa xỉ, tốn kém trong thời đại này.

Cái điện thoại đành nhẫn nhục nín lặng.

Mười hai giờ đêm. Cho dù Voi chưa về, Ta cũng khóa hai lần cửa thật chắc và leo lên giường. Chắc chắn không ngủ nổi rồi. Con Ớt sau khi đã vào mạng cho Pet ăn no thì buông câu: "Dì Voi đi đâu hả mẹ? Dì hứa tối nay cho con nghe nhạc Hàn, điêu vãi!". Và rồi nó đã úp chăn lên mặt ngáy nhè nhẹ, trẻ con sướng nhất thế gian. Nàng leo lên giường, loay hoay với cuốn sách của Kundera và mớ triết lý hỗn độn của ông ta. "Con Voi đi đâu nhỉ?!". Mà lúc ăn cơm tối, ai đã gọi điện thoại? Bây giờ thì nàng hối tiếc lúc ấy mải ăn cơm, ỷ lại con Ớt mà không đứng dậy nghe điện thoại. Nhỡ Voi bị làm sao, gọi điện về nhà báo?

Hay là gọi điện hỏi mấy chỗ quen Voi? Nhưng giờ này có sợ làm phiền người ta không? Chẳng lẽ lại báo công an? Nhỡ đâu Voi ngủ lại nhà bạn? Mà sao không nói năng gì? Còn cuộc điện thoại kia? Ôi chao, quả thực nàng không biết làm gì lúc này. Nhưng cũng phải làm một việc gì đó chứ? Voi hãn hữu mới ngủ qua đêm ở nơi khác, và đều có thông báo trước. Vậy thì?...

- Mày gọi điện thoại cho con Voi xem nào? - Ta lẹt xẹt dép lê sang phòng nàng.

Ừ nhỉ, sao nàng ngu thế không biết. Nàng nhỏm phắt dậy, bấm số di động của Voi. Có tiếng nhạc í éo trên tầng ba. Ôi trời, Voi vứt di động ở nhà. Vô lý quá nhỉ.

Cả đêm lục xục. Có lần Ta xuống tầng trệt đi giải, xong Ta ra cửa, nhìn ra ngõ, con ngõ tối om, vắng tanh, có con chuột đi lù khù sát tường nhà đối diện, chắc là mót những hạt gạo do lũ sẻ bỏ sót lại ban ngày.

- Con này kỳ cục thật, hay là Ta đi báo công an?

- Từ từ đã - Ta trầm ngâm - Đợi nốt hôm nay xem nó về không?

Nàng lại xách túi ra khỏi nhà, giống như mọi buổi sáng. Ớt lấy xe đạp, kéo khăn quàng, đút mười ngàn đồng mẹ cho ăn sáng vào túi rồi đi học.

- Dì Voi về chưa Ta?

- Chưa! Thôi mày đi học đi không muộn bây giờ.

Chỉ còn mình Ta ở nhà. Miệng Ta nhạt thếch.

- Bà ơi! - Có tiếng đập cửa kéo sắt sơn nâu.

- Gì thế? - Ta miễn cưỡng mở cửa sắt.

- Bà mua gạo cho con đi. Hôm nay Bắc Hương xuống một giá.

- Xuống mười giá tao cũng không mua! Hôm qua tao vừa mua của nhà mày năm cân rồi còn gì? Mua thêm biết để vào đâu? Cho chuột nó sục à?

- Bà vẫn khỏe chứ? Hôm nay bà ở nhà một mình à? - Anh hàng gạo vừa mở miệng bao gạo, cố tình làm vung ra mấy hạt gạo. Lũ sẻ trên ban công nhà hàng xóm lại sà xuống mặt ngõ, chí chóe tranh nhau mấy hạt gạo vãi.

- Ơ cái thằng này, hỏi lạ nhỉ? Mày đi bán gạo hay đi dò la? - Ta bực bội định kéo cửa sắt lại.

- Ấy bà ơi, từ từ đã, cho cháu gửi chục cân gạo cho bà Huê bên cạnh nhà bà đây. Bà ấy dặn cháu thế.

- Phiền phức quá! - Ta đành đứng sang bên, cho anh bán gạo lặc lè ôm bao gạo vào nhà để nhờ. Anh ta lấm lét liếc mặt Ta rồi phủi tay đi ra.

- Con cảm ơn bà.

- Ừ, đi đi - Ta cau có đóng cửa.

Voi vẫn chưa về. Dù sao thì Ta vẫn phải nấu bữa trưa. Dù chuyện gì xảy ra thì con người vẫn không thể ngừng ăn được. Ăn để sống và sống để rồi chết. Nhưng mà tự dưng biến mất thì kiểu gì cũng không phải đạo. Bỗng dưng Ta nhận ra, từng giây từng phút lo lắng và nhớ Voi. Thực sự là nhớ Voi. Giá như hằng ngày, Ta không cáu gắt với Voi, mỗi khi nó quên, vứt lung tung đồ lót bẩn trên bồn rửa, trên nắp bệ xí hay để một cốc cà phê mốc xanh lè nơi chân giường tầng ba. Ta cũng sẽ không căn vặn nó khi nó ở lì trên phòng không chịu đi làm. Ta cũng sẽ không thờ ơ khi Voi thức suốt đêm xem phim, nghe nhạc và uống cà phê… Ta sẽ dịu dàng với nó, hỏi nó có đói không, và hâm nóng một cốc sữa mang lên tận phòng nó.

Câu đầu tiên nàng hỏi khi bước chân vào nhà.

- Voi về chưa Ta?

- Về đâu! Ta điên cả ruột đây! Sáng giờ mày tìm nó những đâu?

- Dì đi đâu hả mẹ? - Ớt hỏi.

- Mẹ mà biết thì đã…

Bữa cơm mất ngon.

Nàng lên phòng Voi, lấy điện thoại di động của nó, tra trong nhật ký điện thoại, những cuộc Voi mới gọi đi, những cuộc gọi đến và gọi nhỡ, nàng gọi cho họ, tự điều tra, xem có manh mối nào không, nhưng chịu chết, hai ngày qua họ không gặp Voi. Chẳng lẽ là một người đàn ông? Thì chỉ có dính vào giống đó mới nhiễu nhương vậy chứ! Bây giờ mà báo công an hay nhờ thám tử tư, nhỡ đâu tòi ra một thằng đàn ông thì đẹp mặt. Mà tại sao nàng phải quýnh quáng lo lắng như thế? Voi đủ tuổi công dân, trước hết nó phải tự chịu trách nhiệm về mình.

Điện thoại cố định réo điếc tai, nàng nhanh tay nhất, vồ lấy.

- A lô, ai đấy?

- Bà phải không ạ? - Giọng một đàn ông quê kệch.

- Không phải, anh là ai, tìm bà có việc gì?

- Tôi là người bán gạo, vẫn mang gạo đổ cho bà đấy. Cho tôi hỏi bà Huê hàng xóm đã lấy bao gạo tôi gửi ở đấy chưa?

- Ai hỏi Ta đấy? - Ta bồn chồn hỏi Nàng.

- Thằng bán gạo! - Nàng chán nản đưa máy điện thoại cho Ta - Ta nói chuyện với nó này.

- A lô, cu Lép đấy à? Sao mày biết số điện thoại nhà bà mà gọi?

- Bà Huê lấy bao gạo con gửi chưa ạ?

- Chưa đâu.

- Thế ạ? Bà ăn tối chưa ạ? Cả nhà ta vẫn ổn chứ ạ?

- Ăn rồi! Mà sao mày hỏi thế? Có chuyện gì không?

- À, không, con hỏi thăm chiếu lệ thôi mà, không bà lại bảo con không biết đường ăn nói. Thôi con chào bà.

Ta cúp máy, lẩm bẩm: "Cái thằng luyên thuyên, mất thì giờ!".

Nhưng Voi đi đâu? Đêm nay là đêm thứ hai rồi.

Sáng hôm sau, Ta đi bộ ra đồn công an phường, khai báo, anh công an trẻ măng đưa cho Ta mẫu tường trình. Ta ghi hết hai trang. Công an bảo Ta cứ về, mỗi ngày dù Voi có về hay không thì cũng phải gọi điện thoại một lần cho đồn thông báo. Ta đồng ý, nhưng chẳng mấy tin vào hệ thống quản lý thông tin lộn xộn và kém hiệu quả hiện nay. Voi làm thiết kế và viết báo tự do, mối quan hệ rộng nhưng rời rạc, rất khó điều tra. Tự do ở đây đồng nghĩa với phức tạp. Ta đẻ ra toàn những đứa con gái phức tạp. Nhưng bây giờ thì uốn nắn gì được nữa, bọn chúng đều đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của Ta rồi. Khi chúng dưới mười bốn tuổi, Ta còn có thể dùng thức ăn, roi vọt cùng những la mắng để điều khiển chúng, nắm giữ chúng trong bàn tay, để chúng là những đứa con gái ngoan, học giỏi. Còn bây giờ, thế giới của chúng rộng lớn và kỳ quặc. Ta không hiểu và tưởng tượng ra nổi. Đầu óc Ta chỉ có thể giải thích sự biến mất của Voi bằng những nỗi lo lắng tầm thường: một cái xác lập lờ giữa dòng nước, một cái thây be bét máu giữa đường, những mảnh vụn xác thịt nhồi trong bao tải, hay cảnh bị trói buộc và làm nhục thân xác, cú điện thoại đòi tiền như trong phim xã hội đen Hồng Kông… còn gì có thể khác hơn được sẽ ám ảnh Ta từng giây phút?

Voi ở đâu? Hay những gì còn lại của Voi, từng là Voi, giờ ở đâu?

Gần chục năm nay, kể từ cái đận dở chứng ấy, cả nhà đã tạm yên tâm về Voi, nghĩ rằng có lẽ Voi đã trưởng thành. Còn Ta thì vẫn tự đắc cho rằng, nếu Ta không mạnh tay trong cái lần có tính quyết định ấy, thì con Voi sẽ sớm phá đời theo bọn vô loài. Nuôi trẻ con, chẳng phải khó nhất là ở giai đoạn chúng mười hai, mười ba, muốn phá vỡ mọi thứ, kể cả quy tắc để khám phá bản thân và thế giới, rồi giai đoạn mười tám đến hăm hai, lúc chúng tới khúc quanh của cuộc đời, phải lựa chọn để trưởng thành. Nếu các bậc phụ huynh uốn nắn được con cái trong giai đoạn này, thì có thể yên tâm rằng cuộc đời chúng đã được định đoạt, theo ý mình, và có thể thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cơ sự té ra lại không thế. Con người sẽ phải lo cho đến lúc chết thì thôi. Ta chợt nhớ lại. Lần ấy, Voi bỏ theo đoàn kịch nói một tuần mới trở về nhà. Ta dùng thanh củi đập thẳng lên đầu Voi. Cái nón thủng toác, Voi lơ ngơ mất cả tháng.

Đôi khi Ta vẫn ám ảnh bởi cú đánh ấy, rất đột ngột, như đòn thù. Ta hy vọng là Voi sẽ quên, bọn trẻ thường dễ quên, để bận nạp thêm những cái mới. Nhưng tại sao Ta lại ra đòn ác với chính Voi? Bởi lý do không chỉ nằm ở việc muốn chặn ước mơ theo “bọn vô loài” của Voi.

Nhưng đó chỉ là kết luận của Ta. Voi sẽ có một kết luận khác. Có lẽ, Ta không còn cơ hội để biết. Bởi sau cú đánh ấy, thì Voi đã câm lặng trưng ra một vỏ bọc, một giáp sắt với Ta, với cả cuộc đời của nó. Ta đã đánh cắp giấc mơ của nó? Ý  nghĩ này như mũi tên thép lạnh ngắt xuyên qua Ta.

***

Nàng quyết định dành hẳn một ngày đi tìm Voi. Đây sẽ là cơ hội để nàng ngắm nghía những gì đương nhiên là ruột thịt của mình. Cái mối ràng ruột thịt ấy liệu có gắn với cảm giác ruột thịt chăng, nó vốn làm nàng hoang mang bấy lâu, bởi nàng đã luôn không dành đủ thời gian cho nó. Nếu đem thời lượng ra làm đơn vị đong đếm, thì nàng thực ra chỉ ruột thịt với công việc mà thôi. Làm, làm, làm, hầu hết thời gian để làm, tích tiền, tiền để làm gì? Có thể là cảm giác an toàn chăng? Ruột thịt có mang lại cảm giác an toàn? Nếu ba ngày nàng nằm lỳ ở nhà, ruột thịt sẽ hỏi: "Sao không đi làm hả?". Còn công việc thì không bao giờ phải hỏi.

Nàng vấp phải bao gạo lù lù gần cửa.

- Sao Ta lại để gạo ở đây?

Ta cằn nhằn:

- Tổ sư cái thằng bán gạo! Nó gửi cho bà Huê.

- Sao bà Huê không sang lấy về?

- Đấy, hai hôm rồi mà bà ấy có sang lấy đâu?

- Sao Ta không sang nhà bà Huê bảo bà ấy mang gạo về cho đỡ vướng?

Ta gắt gỏng, mày chau lại:

- Ta đang lo chuyện con Voi, thì giờ đâu mà hỏi bà Huê nữa, tự nhiên ôm rơm rặm bụng!

Nàng không nói nữa, đi sang nhà hàng xóm gặp bà Huê. Nàng phát hiện ra, bà Huê không dặn lấy gạo.

- Có thật là bà không nhắn thằng đó gửi gạo lại cho bà không?

- Không, nhà bà còn nhiều gạo, bà chưa phải mua. Hay thằng ấy ế gạo cố tình nhồi cho bà? - Bà Huê vừa di cái lau nhà sát chân nàng vừa nói.

Nàng quay về nhà, nhìn chằm chằm bao gạo. Nàng cố nhớ hình ảnh anh chàng nhà quê bán gạo với đôi găng tay vải bông trắng nhợt. Bỗng nhiên nàng nhớ lúc đong gạo, đôi bàn tay đeo găng vun cao ca gạo, rồi thả ra, những hạt gạo đua nhau trào xuống…

- Mày thử đi gặp mấy chỗ bạn con Voi hỏi han xem sao, quan tâm chuyện gạo nước làm gì? - Ta lại cằn nhằn.

- Liệu hôm nay thằng bán gạo có đến không Ta?

- Chắc nó sẽ đến đấy. Cứ ba ngày nó đến một lần, thằng ấy bán kém một giá nên cả xóm này lấy gạo của nó.

Nàng đăm chiêu, rồi trở lên phòng, cuộn tóc cao lên, đội mũ lưỡi trai, đeo cặp kính mát mắt lớn, nhét tiền vào túi quần, không quên nhét iPhone vào túi trái, rồi ra khỏi nhà.

Nàng ngồi uống nước chè trong quán nước tạm bợ đối diện ngõ nhà mình và đợi. Uống chầm chậm ba lần rót trà nguội trong cốc thủy tinh khía dọc thì nàng chợt tỉnh như sáo khi thấy thằng bán gạo lụng thụng trong bộ quần áo bộ đội cũ chở hai bao gạo to trên cái xe đạp cà tàng khó nhọc ngoặt vào ngõ nhà nàng. Nàng trả tiền trà nhưng vẫn ngồi lại quán, vẫy xe ôm chờ sẵn.

Chừng hơn tiếng đồng hồ sau, thằng bán gạo quay trở ra, trên xe chỉ còn một bao gạo. Nàng leo lên xe ôm, cho xe tà tà chạy theo sau thằng bán gạo. Vào một ngõ ngoằn ngoèo như mê lộ. Quẹo qua một đống rác to lù, nàng bóp mạnh vào eo người lái xe ôm khi thấy thằng bán gạo dừng lại trước một nhà cấp bốn thấp tè. Xe máy quay đầu chạy ngược, nàng nép người vào một ngách nhỏ xế bên, căng mắt nhìn. Thằng bán gạo mở cửa, tháo bao gạo bê vào trước rồi trở ra, dắt xe đạp vào nhà, khóa cửa.

Nàng dò dẫm đi tìm. May quá, ngay gần đó là một quán cóc. Nàng mua  cây Jingle rồi lân la hỏi bà chủ quán, đang đờ đẫn vì thiếu người buôn chuyện.

- Bà ơi, bà có biết tên cậu bán gạo ở nhà bên kia ngõ không?

- Ờ, thằng cu bán gạo ấy hả? Nó mới chuyển tới thuê nhà đó vài tháng nay thôi, kín như bưng.

Nàng vo tròn vỏ chiếc Jingle, mắt vẫn nhìn sang ngôi nhà cấp bốn bên đường, hỏi tiếp:

- Ngoài lúc đi bán gạo, thì anh ta ở tịt trong nhà, không thăm nom, chơi bời hàng xóm sao hở bà?

- Nó chả chơi với ai. Nhưng mà lạ lắm nhé - Bà chủ quán nước hạ giọng - Nó có con vợ xinh đáo để, chắc là diễn viên kịch cọt gì đó. Cứ sáu giờ chiều là cô vợ ra khỏi nhà, quần áo son phấn rực rỡ như lên sân khấu. Khác thường lắm, cô ấy đi qua ai cũng phải nhìn theo.

- Cô ấy có bao giờ nói chuyện với bà? Tại sao bà nghĩ cô ấy là diễn viên? Dáng cô ấy cao không? Cô ấy để tóc kiểu gì? - Nàng sốt ruột hỏi dồn, tim đập như vừa rớt hố.

- Già này chỉ nhìn trộm thôi, đâu dám bắt chuyện - Bà già chép miệng - Thật là cặp vợ chồng kỳ cục. Cô ta lẽ ra phải làm vợ đại gia mới phải. Già đoán chỉ thời gian nữa là cô ta đá đít anh cu bán gạo!

Nàng nghe tiếng thở dài nặng nhọc phía sau những chai nước, lọ chè, hộp bánh, kẹo. Bỗng tiếng kẹt cửa nhẹ vang lên từ căn nhà cấp bốn khiến nàng nhỏm người dậy, đeo vội cặp kính mát lên mắt dù trời đã nhập nhoạng tối. Tay rút vội tờ năm mươi ngàn đồng đưa cho bà bán nước, mắt nàng dán vào cửa ngôi nhà. Một cô gái trẻ mảnh mai trong bộ đầm dài đen sang trọng bước ra. Tay nàng bỗng run bắn: Chính là Voi!

Voi đi bộ qua trước cửa quán, nét mặt xinh đẹp đăm chiêu như đang mải suy nghĩ chuyện gì. Mùi nước hoa Jasmine quen thuộc của Voi thoảng qua mũi nàng khiến nàng trào nước mắt.

Nàng lặng lẽ theo Voi tới trước cửa Nhà hát trung tâm thành phố.

Nàng dừng lại trước cổng, nơi ánh sáng huy hoàng của dàn đèn nghệ thuật soi rọi tên một nữ nghệ sĩ, người đóng vai nữ chính trong một vở kịch trình diễn đêm nay. Nàng có biết người mang tên ấy.

Có thể đến bây giờ nàng mới biết. Trước đó vài giờ, nàng không hề biết, mẹ nàng không biết, Ớt cũng không.

Vì ở nhà, chỉ có Voi, cái vỏ của một cuộc đời. Và Voi đã tung cả nhà lên sân khấu bất đắc dĩ ấy.

- Sao bà Huê không sang lấy về?

- Đấy, hai hôm rồi mà bà ấy có sang lấy đâu?

- Sao Ta không sang nhà bà Huê bảo bà ấy mang gạo về cho đỡ vướng?

Ta gắt gỏng, mày chau lại:

- Ta đang lo chuyện con Voi, thì giờ đâu mà hỏi bà Huê nữa, tự nhiên ôm rơm rặm bụng!

Nàng không nói nữa, đi sang nhà hàng xóm gặp bà Huê. Nàng phát hiện ra, bà Huê không dặn lấy gạo.

- Có thật là bà không nhắn thằng đó gửi gạo lại cho bà không?

- Không, nhà bà còn nhiều gạo, bà chưa phải mua. Hay thằng ấy ế gạo cố tình nhồi cho bà? - Bà Huê vừa di cái lau nhà sát chân nàng vừa nói.

Nàng quay về nhà, nhìn chằm chằm bao gạo. Nàng cố nhớ hình ảnh anh chàng nhà quê bán gạo với đôi găng tay vải bông trắng nhợt. Bỗng nhiên nàng nhớ lúc đong gạo, đôi bàn tay đeo găng vun cao ca gạo, rồi thả ra, những hạt gạo đua nhau trào xuống…

- Mày thử đi gặp mấy chỗ bạn con Voi hỏi han xem sao, quan tâm chuyện gạo nước làm gì? - Ta lại cằn nhằn.

- Liệu hôm nay thằng bán gạo có đến không Ta?

- Chắc nó sẽ đến đấy. Cứ ba ngày nó đến một lần, thằng ấy bán kém một giá nên cả xóm này lấy gạo của nó.

Nàng đăm chiêu, rồi trở lên phòng, cuộn tóc cao lên, đội mũ lưỡi trai, đeo cặp kính mát mắt lớn, nhét tiền vào túi quần, không quên nhét iPhone vào túi trái, rồi ra khỏi nhà.

Nàng ngồi uống nước chè trong quán nước tạm bợ đối diện ngõ nhà mình và đợi. Uống chầm chậm ba lần rót trà nguội trong cốc thủy tinh khía dọc thì nàng chợt tỉnh như sáo khi thấy thằng bán gạo lụng thụng trong bộ quần áo bộ đội cũ chở hai bao gạo to trên cái xe đạp cà tàng khó nhọc ngoặt vào ngõ nhà nàng. Nàng trả tiền trà nhưng vẫn ngồi lại quán, vẫy xe ôm chờ sẵn.

Chừng hơn tiếng đồng hồ sau, thằng bán gạo quay trở ra, trên xe chỉ còn một bao gạo. Nàng leo lên xe ôm, cho xe tà tà chạy theo sau thằng bán gạo. Vào một ngõ ngoằn ngoèo như mê lộ. Quẹo qua một đống rác to lù, nàng bóp mạnh vào eo người lái xe ôm khi thấy thằng bán gạo dừng lại trước một nhà cấp bốn thấp tè. Xe máy quay đầu chạy ngược, nàng nép người vào một ngách nhỏ xế bên, căng mắt nhìn. Thằng bán gạo mở cửa, tháo bao gạo bê vào trước rồi trở ra, dắt xe đạp vào nhà, khóa cửa.

Nàng dò dẫm đi tìm. May quá, ngay gần đó là một quán cóc. Nàng mua  cây Jingle rồi lân la hỏi bà chủ quán, đang đờ đẫn vì thiếu người buôn chuyện.

- Bà ơi, bà có biết tên cậu bán gạo ở nhà bên kia ngõ không?

- Ờ, thằng cu bán gạo ấy hả? Nó mới chuyển tới thuê nhà đó vài tháng nay thôi, kín như bưng.

Nàng vo tròn vỏ chiếc Jingle, mắt vẫn nhìn sang ngôi nhà cấp bốn bên đường, hỏi tiếp:

- Ngoài lúc đi bán gạo, thì anh ta ở tịt trong nhà, không thăm nom, chơi bời hàng xóm sao hở bà?

- Nó chả chơi với ai. Nhưng mà lạ lắm nhé - Bà chủ quán nước hạ giọng - Nó có con vợ xinh đáo để, chắc là diễn viên kịch cọt gì đó. Cứ sáu giờ chiều là cô vợ ra khỏi nhà, quần áo son phấn rực rỡ như lên sân khấu. Khác thường lắm, cô ấy đi qua ai cũng phải nhìn theo.

- Cô ấy có bao giờ nói chuyện với bà? Tại sao bà nghĩ cô ấy là diễn viên? Dáng cô ấy cao không? Cô ấy để tóc kiểu gì? - Nàng sốt ruột hỏi dồn, tim đập như vừa rớt hố.

- Già này chỉ nhìn trộm thôi, đâu dám bắt chuyện - Bà già chép miệng - Thật là cặp vợ chồng kỳ cục. Cô ta lẽ ra phải làm vợ đại gia mới phải. Già đoán chỉ thời gian nữa là cô ta đá đít anh cu bán gạo!

Nàng nghe tiếng thở dài nặng nhọc phía sau những chai nước, lọ chè, hộp bánh, kẹo. Bỗng tiếng kẹt cửa nhẹ vang lên từ căn nhà cấp bốn khiến nàng nhỏm người dậy, đeo vội cặp kính mát lên mắt dù trời đã nhập nhoạng tối. Tay rút vội tờ năm mươi ngàn đồng đưa cho bà bán nước, mắt nàng dán vào cửa ngôi nhà. Một cô gái trẻ mảnh mai trong bộ đầm dài đen sang trọng bước ra. Tay nàng bỗng run bắn: Chính là Voi!

Voi đi bộ qua trước cửa quán, nét mặt xinh đẹp đăm chiêu như đang mải suy nghĩ chuyện gì. Mùi nước hoa Jasmine quen thuộc của Voi thoảng qua mũi nàng khiến nàng trào nước mắt.

Nàng lặng lẽ theo Voi tới trước cửa Nhà hát trung tâm thành phố.

Nàng dừng lại trước cổng, nơi ánh sáng huy hoàng của dàn đèn nghệ thuật soi rọi tên một nữ nghệ sĩ, người đóng vai nữ chính trong một vở kịch trình diễn đêm nay. Nàng có biết người mang tên ấy.

Có thể đến bây giờ nàng mới biết. Trước đó vài giờ, nàng không hề biết, mẹ nàng không biết, Ớt cũng không.

Vì ở nhà, chỉ có Voi, cái vỏ của một cuộc đời. Và Voi đã tung cả nhà lên sân khấu bất đắc dĩ ấy.

Truyện ngắn của Kiều Bích Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.