Những kỷ lục Việt Nam - Kỳ 4: Hợp xướng “khủng” từ những truyện thơ cổ

18/12/2014 05:35 GMT+7

Những truyện thơ cổ (có tác giả) trong kho tàng văn học VN luôn là đề tài hấp dẫn để nhạc sĩ Vũ Đình Ân soạn thành những tác phẩm hợp xướng “khủng” trong loại hình sáng tác âm nhạc. Làm việc lặng lẽ nhưng hiệu quả rất âm vang, đã đem lại cho ông danh hiệu “Tiến sĩ kỷ lục gia châu Á”.

Những truyện thơ cổ (có tác giả) trong kho tàng văn học VN luôn là đề tài hấp dẫn để nhạc sĩ Vũ Đình Ân soạn thành những tác phẩm hợp xướng “khủng” trong loại hình sáng tác âm nhạc. Làm việc lặng lẽ nhưng hiệu quả rất âm vang, đã đem lại cho ông danh hiệu “Tiến sĩ kỷ lục gia châu Á”.


Những kỷ lục Việt Nam - Kỳ 4: Hợp xướng “khủng” từ những truyện thơ cổHợp xướng Lục Vân Tiên, nhạc sĩ Vũ Đình Ân (áo dài đen) nhận bằng kỷ lục - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khoảng 10 năm trước, người viết đã được nghe GS - Viện trưởng Viện Y học dân tộc TP.HCM Trương Thìn phổ nhạc và hát nhiều trích đoạn từ Truyện Kiều, mà ông gọi là Kiều ca (với các chương Một xe trong cõi hồng trần, Mai sau dù có bao giờBến bờ khát vọng). Tuy nhiên, đó chỉ là cách phổ nhạc đơn giản, còn khi nhạc sĩ Vũ Đình Ân đem các truyện thơ VN viết thành bản hợp xướng thì đó là cả một công trình đồ sộ về hòa âm và hòa thanh (dàn nhạc và ban hát 4 bè) sao cho người nghe đạt được hiệu ứng cảm xúc nhất. Đó chính là sự sáng tạo thành công của người viết hợp xướng.
22 tháng cho Truyện Kiều và 4 năm cho Lục Vân Tiên
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân sinh năm 1956 trong một xứ đạo ở TP.Nha Trang. Cha ông vốn là một nghệ sĩ nghiệp dư chuyên thổi sáo, kéo đàn nhị trong phường bát âm của xứ đạo nên ảnh hưởng nhiều đến nghề nghiệp sau này của người con. Thời niên thiếu, Vũ Đình Ân được học nhạc trong trường dòng, rồi sinh hoạt ca đoàn nhà thờ, hát thánh ca mỗi ngày, hát hợp xướng trong những dịp đại lễ, qua đó nắm vững những quy tắc về hợp xướng và tập tành sáng tác.
Khi vào TP.HCM sinh sống, Vũ Đình Ân đã tìm tòi, học hỏi về thế giới nhạc giao hưởng và nhạc hợp xướng, rồi thâm nhập cộng đồng người yêu nhạc hợp xướng. Từ những đam mê này, ông bắt tay vào viết, dù biết một tác phẩm đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về thời gian và công sức. Thời trung học, Vũ Đình Ân đã thuộc lòng Truyện Kiều (trọn vẹn 3.254 câu) của đại thi hào Nguyễn Du, và thường nhủ lòng là sẽ làm một điều gì đó để Truyện Kiều đi vào lòng người hơn, bay xa hơn, cao hơn. Vũ Đình Ân đã bỏ ra 22 tháng để đọc, nghiên cứu và viết phần nhạc - hợp xướng, gồm 3 chương: Mối tình đầu, Hồng nhan bạc phậnTình chị duyên em. Tổng phổ với phần đệm piano dày đến 295 trang giấy A4. Trong quá trình thực hiện, ông đã được hai người thầy là GS - nhạc sĩ Ca Lê Thuần và GS - nhạc sĩ Thế Bảo tận tình góp ý. Bản hợp xướng Truyện Kiều được chính thức công diễn vào đêm 8.9.2008 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), được giới chuyên môn đánh giá là một vết son trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc của ông và được Tổ chức Kỷ lục VN (Vietkings) trao bằng kỷ lục Hợp xướng dài nhất VN (thời lượng biểu diễn 65 phút).
Năm 2009, hợp xướng Lục Vân Tiên (dựa theo tác phẩm cùng tên của Nguyễn Đình Chiểu) của ông cũng được công diễn tại Nhà hát TP.HCM (viết trong vòng 4 năm, dày 356 trang A4), thời lượng biểu diễn trên 100 phút (tự phá kỷ lục của chính mình), với gần 200 ca sĩ và diễn viên múa minh họa. Hợp xướng Lục Vân Tiên gồm 4 chương: Xem chuyện Tây Minh, Tình đời - tình người, Chữ tình chung thủy Trai tài gái sắc. Nếu ở hợp xướng Truyện Kiều, Vũ Đình Ân viết giai điệu dựa trên khúc thức dân ca miền Bắc thì trong hợp xướng Lục Vân Tiên tác giả lại sử dụng những khúc thức dân ca Nam bộ.
Năm 2013, hồ sơ về 2 hợp xướng này đã được Tổ chức Kỷ lục VN (Vietkings) dịch sang tiếng Anh và nộp làm luận án tiến sĩ tại Trường World Records University (WRU, Ấn Độ).
Trong thời gian này, Vũ Đình Ân và người bạn là Hàn Thư Sinh hợp soạn hợp xướng Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn Nôm) gồm 3 chương. Hai chương đầu Thời chiến tranh Phút tiễn biệt đã được giới thiệu trong đêm nhạc Sắc thu do Hội Âm nhạc TP.HCM phối hợp với Nhạc viện TP.HCM diễn ra tối 25.10.2013 tại khán phòng nhạc viện, với 70 ca viên hợp xướng 4 bè cùng dàn nhạc dân tộc do NSƯT Đinh Linh phối hợp thực hiện, đem lại cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc…
Ngày 22.11.2014, Vũ Đình Ân được đại diện Trường WRU trao bằng tiến sĩ (cùng 1 người Việt và 5 người Ấn) tại TP.HCM. Ông cho biết sẽ viết tiếp Cung oán ngâm khúc và nhiều truyện thơ khác của VN.
Đột phá táo bạo
“Hợp xướng Lục Vân Tiên là một tác phẩm dài hơi cả công sức lẫn thời gian, thể hiện sự sáng tạo công phu của nhạc sĩ Vũ Đình Ân. Công trình còn thể hiện sự đột phá táo bạo đáng hoan nghênh trong việc phá vỡ cấu trúc thơ lục bát để phục vụ cấu trúc âm nhạc. Đặc biệt, tác giả đã khai thác các làn điệu hò, vè, nói thơ Cửu Long rất phù hợp với đề tài. Nếu áp dụng thể loại này cho những tác phẩm kịch thơ và trường ca của thế kỷ 20, sẽ rộng đường và hứa hẹn nhiều tác phẩm hoành tráng thêm nữa”.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn
(thành viên Hội đồng nghệ thuật của Sở VH-TT TP.HCM)
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.