Những kỷ lục Việt Nam - Kỳ 1: Người sở hữu một 'núi' tiền cổ

15/12/2014 05:23 GMT+7

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, một doanh nhân ở Hà Nội, là chủ nhân của bộ sưu tập tiền cổ (giấy và kim loại) đồ sộ, chỉ riêng tiền kim loại đã nặng hơn... 9 tấn. Ngoài ra, ông còn sở hữu bộ sưu tập các loại huân, huy chương của Quân đội Nhân dân VN.

Ông Nguyễn Ngọc Khôi, một doanh nhân ở Hà Nội, là chủ nhân của bộ sưu tập tiền cổ (giấy và kim loại) đồ sộ, chỉ riêng tiền kim loại đã nặng hơn... 9 tấn. Ngoài ra, ông còn sở hữu bộ sưu tập các loại huân, huy chương của Quân đội Nhân dân VN.

Thái Bình hưng bảo (thời Đinh) và Nguyên Phong thông bảo (thời Trần)Thái Bình hưng bảo (thời Đinh) và Nguyên Phong thông bảo (thời Trần)
 
9 tấn tiền từ xưa đến nay


Tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Khôi, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Hà Nội KAT - đơn vị được Trung tâm kỷ lục VN (Vietkings) xác nhận kỷ lục Đơn vị sở hữu số lượng tiền cổ VN và thế giới nhiều nhất, ở TP.HCM khi ông vào dự buổi lễ Hội ngộ Kỷ lục VN (cuối tháng 11.2014). Nghe giới thiệu ông đã sưu tầm được tất cả tiền kim loại của các triều đại phong kiến ở VN, tôi tỏ vẻ nghi ngờ hỏi lại, ông đáp chắc nịch: “Vâng, tôi đã sưu tầm được tất cả tiền kim loại của các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, Hồ, Tây Sơn, Nguyễn... Ngoài ra, tôi còn sở hữu tiền kim loại (và tiền giấy) của 185 nước trên thế giới...”. Lại hỏi: “Ông có đến... 9 tấn tiền kim loại cơ à?”, ông cười đáp: “Thì Tổ chức Vietkings phải đến tận nơi để cân đo, đong đếm mới công nhận kỷ lục được chứ!”. Rồi ông mở laptop, vào website baotangtiencokat.vn để tôi được “mục sở thị”. Quả thật, chưa bao giờ tôi thấy một lượng tiền cổ “khủng” như vậy: tiền đựng đầy trên những lu, khạp, ché, mâm... Có những khối tiền đã han gỉ dính chặt vào nhau nhưng cũng có rất nhiều đồng tiền rời. Những xâu tiền cổ khoanh thành nhiều vòng tròn trên mâm, vun cao như những con trường xà rất ấn tượng...

Ông Khôi sinh năm 1953, quê ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Từ thời niên thiếu đã thích sưu tầm một vài món cổ vật - trong đó có tiền xưa. Năm 1971, ông đi bộ đội. Xuất ngũ vào những năm đất nước khó khăn, ông phải đi làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo, rồi học hỏi để trở thành doanh nhân. Ông Khôi kể rằng khi làm  doanh nghiệp, có dịp gặp gỡ một số doanh nhân nước ngoài, họ muốn thăm những khu lưu giữ đồng tiền VN qua các thời kỳ, để tìm hiểu về văn hóa cũng như sự phát triển công thương của nước ta từ xưa đến nay, nhưng chưa từng có nơi nào như vậy. Sau những cuộc gặp gỡ như thế, ông quyết định đầu tư và lập kế hoạch sưu tầm toàn bộ những đồng tiền: Thái Bình hưng bảo (nhà Đinh); Thiên Phúc trân bảo (nhà Tiền Lê); Thuận Thiên đại bảo, Minh Đạo nguyên bảo, Thiên Cảm nguyên bảo... (nhà Lý);  Kiến Trung thông bảo, Chính Bình thông bảo, Nguyên Phong thông bảo, Thiệu Long thông bảo, Đại Trị thông bảo... (nhà Trần); Thành Nguyên thông bảo, Thiệu Nguyên thông bảo (nhà Hồ); Thuận Thiên nguyên bảo, Thiệu Bình thông bảo, Bảo Đại thông bảo,... (Lê sơ); Minh Đức thông bảo, Đại Chính thông bảo, Quang Hòa thông bảo, Nguyên Hòa thông bảo... (nhà Mạc); Vĩnh Thịnh thông bảo, Vĩnh Thọ thông bảo, Bảo Thái thông bảo và các loại tiền Cảnh Hưng... (Lê Trung hưng); Thái Đức thông bảo, Minh Đức thông bảo, Quang Trung thông bảo... (Tây Sơn); Gia Long thông bảo, Minh Mệnh thông bảo, Tự Đức thông bảo, Hàm Nghi thông bảo, Đồng Khánh thông bảo, Thánh Thái thông bảo, Duy Tân thông bảo, Khải Định thông bảo, Bảo Đại thông bảo… (nhà Nguyễn). Trong đó, có những đồng tiền rất quý như: Thuận Thiên đại bảo (thời Lê sơ), Thiên Cảm nguyên bảo (thời Lý, sau lưng có chữ “Càn vương”) theo ông Khôi, có giá trị đến 15.000 USD, đồng Nguyên Phong thông bảo (thời Trần, có nét hất kiểu đuôi ngựa) có giá tới 20.000 USD, đồng Cảnh Thịnh thông bảo đại tiền (thời Tây Sơn đúc bằng vàng)...

Riêng tiền nước ngoài, trong số tiền tệ của 185 quốc gia đã sưu tầm được, ông chú ý hơn đến các loại tiền của nhóm Đông Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…). Tiền đồng của Trung Quốc, ông có các triều đại: Đường, Tống, Hán, Nguyên, Minh, Thanh (trong đó có những đồng tiền cổ hơn 2.000 năm).

1.000 chiếc huân huy chương
 Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc KhôiVợ chồng ông Nguyễn Ngọc Khôi
Về bộ sưu tập huân huy chương, ông Khôi nói: “Tôi là người lính giải phóng, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong chiến tranh có những huân huy chương đã được trao tận tay, đeo tận ngực các chiến sĩ nhưng cũng có nhiều huân huy chương cấp trên chưa kịp trao thì người nhận đã hy sinh... Vì vậy, sau ngày giải phóng miền Nam, tôi đã đi sưu tầm và chỉ sưu tầm các loại huân huy chương của Quân đội Nhân dân VN để lưu giữ những di vật, hiện vật của đồng chí đồng đội. Hiện trong bộ sưu tập của tôi có 9.300 huân chương, huy chương, huy hiệu các loại, trong đó phần lớn là huân - huy chương, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu Giải phóng... Đối với tôi, tất cả các huân - huy chương này đều là bảo vật, vì đây là bằng chứng  ghi nhận công lao hy sinh của đồng chí - đồng đội tôi, nó đã gắn bó với bản thân tôi và các đồng chí - đồng đội của tôi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...”.

Hiện vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Khôi đang tiến hành các thủ tục để xin thành lập Bảo tàng tiền cổ VN.
Sau gần 20 năm lăn lộn trên thương trường, ông Nguyễn Ngọc Khôi đã được Hiệp hội Doanh nghiệp Đông Nam Á và Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ công nhận là “Doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất Đông Nam Á”. Ông hiện là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ VN, Chủ tịch Tập đoàn thương mại Hà Nội, Chủ tịch Công ty thương mại Hà Nội KAT.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.