Những đôi uyên ương trên sàn diễn: Lê Uyên - Phương và mối tình định mệnh

14/02/2011 22:06 GMT+7

Có dịp ngồi tâm sự cùng Lê Uyên và nghe chị kể mới hiểu hơn về một mối tình đẹp như thơ nhưng cũng thật nghiệt ngã của đôi song ca một thời.

Thật lòng sau khi nghe tâm sự của Lê Uyên, người viết không biết bắt đầu từ đâu trong chuyện tình vừa thơ mộng, vừa nghiệt ngã ấy. Với Lê Uyên, giờ đây mái tóc đã nhuốm sợi bạc và anh thì không còn trên cõi đời, nhưng chị vẫn nhớ như in cái ngày xưa định mệnh.  

Hai thế giới

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện từ ngày chị 16 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất đời người với cái tên Lâm Phúc Anh. Ngày ấy chị được cha đưa từ Sài Gòn lên Đà Lạt học và ở nội trú tại ngôi trường nổi tiếng Virgo Maria. Vừa xinh đẹp, vừa giàu có, Phúc Anh được nhiều chàng trai thầm thương trộm nhớ. Ấy vậy mà trời xui đất khiến thế nào nàng lại gặp và yêu đắm say chàng nhạc sĩ mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo không biết sẽ ra đi lúc nào.

Cuộc gặp gỡ của họ không làm nhiều người bất ngờ vì năm ấy chàng là thầy giáo dạy triết và nhạc ở một số trường Đà Lạt, nàng là bạn của em gái chàng. Nhưng bất ngờ là tại sao họ lại có thể yêu đắm say khi hai người thuộc “hai thế giới” khác nhau. Những khi nàng có chuyện dẫu vui, dẫu buồn là y như rằng chàng trở thành “cái thùng” để chứa nỗi lòng nàng rồi cố vấn cho nàng bằng tất cả những gì có thể. Thật ra việc anh trở thành “cố vấn” không mấy khó khăn vì anh hơn chị đến 11 tuổi. Và không biết từ lúc nào, họ đã trở thành người trong mộng của nhau. Không lâu sau, vào một ngày thật đẹp trên một ngọn đồi thơ mộng tại Đà Lạt, chàng đã ngỏ lời yêu nàng. “Tôi yêu bởi cái tài và con người hiền lành, đạo đức, rộng lượng của anh. Nhưng yêu tha thiết hơn chính là vì căn bệnh hiểm nghèo của anh. Cuộc tình chúng tôi lãng mạn, đau đớn cũng bởi không biết một ngày nào đó cả hai sẽ chia lìa nhau. Chúng tôi yêu nhau nồng nàn và như thành một khối từng ngày, từng giờ cũng bởi cái chết luôn ám ảnh”, Lê Uyên nhớ lại.

Vẫn nghĩ tình yêu của họ chỉ khắc khoải đến thế vì căn bệnh, nhưng điều đau đớn hơn là gia đình Lê Uyên không chấp nhận cho con gái đến với một người sống nay chết mai như Phương (tên thật trên giấy khai sinh là Lê Văn Lộc - PV). Vì thế, một lần nữa, họ lại không được thấy mặt nhau mỗi ngày.

Trong thời gian về lại Sài Gòn năm 1968, để được gặp mặt, họ phải ngồi suốt ngày trong nhà ga Sài Gòn. Có khi bụng đói rã rời, chỉ có mẩu bánh mì nhỏ trong bụng, ấy vậy mà họ vẫn không lìa nhau. Họ sống như thế một tháng trời. Những lúc nhớ thương người yêu da diết, anh dành hết cho âm nhạc và vì thế những bài hát nhung nhớ trong tập Khi loài thú xa nhau đã ra đời trong hoàn cảnh chia lìa như thế. 

Chia đôi cái tên

Khi người viết hỏi chị: ngày anh chọn cái tên Lê Uyên -Phương cho hai người, chị có nghĩ đến sự chia lìa mà không phải vì bệnh tật? Chị trầm ngâm: “Có thể là thế. Ban đầu tôi vẫn nghĩ đến sự chia ly đều nằm ở căn bệnh mà anh đang mang trong người. Cả hai từng nói với nhau rằng nếu không cần ăn, không cần ngủ thì chúng tôi cứ thế mà ngồi với nhau. Nhưng giờ đây nghĩ lại cũng thấy đúng khi cái tên chia làm đôi”.

Ngồi nhớ về anh, chị kể thêm: “Hãy quên một chút chuyện buồn để tôi kể về thời hoàng kim của Lê Uyên và Phương nhé. Chúng tôi may mắn được nhiều người ủng hộ chỉ sau đêm thứ hai đi hát chuyên nghiệp. Thật tình khi đến với nhau và hát cho nhau nghe, chúng tôi không nghĩ mình sẽ nổi tiếng. Cái tên Lê Uyên và Phương ra đời năm 1969 và đây cũng là năm mà tôi được anh “chia” cho nghệ danh Lê Uyên. Và một điểm nữa mà giờ tôi mới cảm nhận là cột mốc cuộc đời chúng tôi dường như gắn liền với con số 19. Sau đúng 19 đêm đi hát với 19 địa điểm, chúng tôi nổi tiếng ngay. Còn Phương (ông xã tôi) thì 19 ngày nằm trên giường bệnh, đã ra đi… ”.

Khi nhắc về những tình khúc Phương viết cho mình, Lê Uyên bảo dài lắm và kể phải mất một ngày mới hết. Tình yêu của họ dành cho nhau thật mãnh liệt: “Xin cho yêu em thật lòng/Xin cho yêu em thật lòng/Dù tháng năm buồn vui bàng hoàng...” hay:“Em ơi! xin em, xin em dấu trong cơn nghẹn ngào/Những chiều buồn mưa lẻ loi... /Em ơi! xin em xin em nói yêu đương đậm đà... để rồi ngày mai cách xa”...

Ngày anh ra đi vào năm 1999 tại Mỹ vì bệnh ung thư phổi (không như dự đoán ban đầu là ung thư xương - PV), chị như người chết rồi. “Lúc anh mất, tôi đã chuẩn bị thuốc ngủ để theo anh. Tôi khóc từ sáng đến đêm khuya, ngày nào cũng khóc và ngay khi tôi định tìm đến cái chết bởi quá tuyệt vọng thì tôi cảm nhận được có điều gì đó từ anh không muốn tôi như vậy. Có thể anh đã xui khiến một người bạn gọi đến cho tôi. Tôi còn nhớ rất rõ đó là ngày thứ 50 anh mất. Tôi không ngờ người bạn ấy có thể nói được những lời mà trước đây anh từng nói với tôi: “Nếu như nhạc của anh không có mình (anh không gọi tôi bằng em mà gọi là mình) thì không biết phải làm sao. Mình không thể khóc hoài như vậy, mình phải sống và có bổn phận gìn giữ, đưa âm nhạc của anh thăng hoa”.

Giờ đây, đã hơn 10 năm trôi qua kể từ ngày anh mất, Lê Uyên luôn ấp ủ một ngày chị sẽ về nước làm tour lưu diễn qua các vùng miền của quê hương. Ước nguyện này không phải chỉ của riêng chị mà còn là của anh lúc sinh thời.

Mong làm live Show xuyên Việt

Lê Uyên chính thức về nước biểu diễn vào năm 2008 trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 19 tại TP.HCM. Tiếp đến là tham gia live show Đàm Vĩnh Hưng và một số đêm nhạc riêng tại Phòng trà Văn Nghệ. Chị từng phát hành nhiều album, nhưng được biết đến nhiều nhất phải kể đến album Yêu nhau khi còn thơ, Tình như mây cõi lạ... Hiện tại, chị đang ấp ủ ước mơ sẽ thực hiện live show xuyên Việt để gặp gỡ đông đảo khán giả.

Dạ Ly 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.