Những di tích kỳ bí - Kỳ 2: Chuyện ông Đỏ, ông Đen

22/10/2013 03:20 GMT+7

Chùa Nhạn Sơn (thôn Nhạn Tháp, xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn, Bình Định) có 2 pho tượng đá cổ, cao khoảng 2,8 m, được người dân địa phương cho rằng rất linh thiêng.

Hai pho tượng ông Đỏ, ông Đen trong chùa Nhạn Sơn - d
Hai pho tượng ông Đỏ, ông Đen trong chùa Nhạn Sơn - Ảnh: Hoàng Trọng 

Truyền thuyết Song nghĩa tự

Theo hòa thượng Thích Thị Hoàng, trụ trì chùa Nhạn Sơn, hai pho tượng cổ này có từ thời người Chiêm Thành (người Chăm) còn đóng đô ở thành Đồ Bàn (thuộc xã Nhơn Hậu). Do chiến tranh, hai pho tượng đã bị chôn vùi trong lòng đất hàng trăm năm. Sau đó, mưa nắng xói mòn nên hai búi tóc của các pho tượng lộ dần lên khỏi mặt đất. Trẻ con chăn bò thấy lạ đào bới, phát hiện tai, mũi, mắt, miệng, rồi dân làng đào lên được 2 pho tượng liền lập chùa để thờ lấy tên là Thạch tự công, nghĩa là chùa thờ ông Đá. Thời gian sau, người dân biết câu chuyện lý giải về 2 pho tượng đá này nên đổi tên chùa thành Song nghĩa tự, tức là chùa thờ hai anh em kết nghĩa.

Đến thế kỷ 16, vùng An Nhơn bị hạn hán kéo dài, Tuần phủ địa phương cho dân lập đàn tràng cầu mưa. Hòa thượng Chí Mẫn được người dân giới thiệu đứng ra chủ trì việc lập đàn cầu mưa và kết quả đã có mưa giải hạn. Hòa thượng Chí Mẫn được quan Tuần phủ mời ở lại lập chùa và ông đã chọn Song nghĩa tự. Tên chùa được hòa thượng Chí Mẫn đổi thành Nhạn Sơn Linh Tự vẫn còn đến ngày nay, nhưng người dân địa phương thường gọi là chùa Ông Đỏ Ông Đen.

Hòa thượng Thích Thị Hoàng kể: Hai anh em kết nghĩa là ông Đỏ, ông Đen trong câu chuyện được dân gian và nhà chùa lưu truyền có tên là Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền, sống vào đời nhà Trần ở nước Việt. Huỳnh Tấn Công (pho tượng có màu sơn đỏ) là con một nhà nho nghèo ở Quảng Nam. Trên đường ra Thăng Long thi, khi đi ngang qua tỉnh Quảng Bình thì bị bệnh, ngất xỉu giữa đường. Một vị điền chủ giàu nổi tiếng ở Quảng Bình đi thăm ruộng vào sáng sớm phát hiện và đưa Huỳnh Tấn Công về nhà chữa trị. Con của vị điền chủ tên là Lý Xuân Điền (pho tượng sơn màu đen) cũng ra Thăng Long thi nên hai người cùng lên đường.

Trên đường đi, hai người thấy tâm ý hợp nhau nên kết nghĩa làm anh em. Cả hai đều thi đỗ và được làm quan to. “Huỳnh Tấn Công làm quan văn nên tay cầm cây giản (là một cây lịnh), có nghĩa là ra vào trong triều không ai gạn hỏi. Ông Lý Xuân Điền cầm cây kiếm lệnh tức là làm quan võ, được quyền tiền trảm hậu tấu. Điều này chứng tỏ hai ông đều làm quan rất có uy tín trong triều, được nhà vua tin cẩn”, hòa thượng Thích Thị Hoàng phân tích. 

Hai ông có thân quen với vua nước Chiêm Thành nên vào thăm. Gặp lúc vua Chiêm Thành bị bệnh, các danh y trong nước không chữa được nên ông Huỳnh Tấn Công và Lý Xuân Điền dùng thuốc nam chữa khỏi. Lại gặp lúc Xiêm La (Thái Lan ngày nay) đem quân xâm lấn biên giới nước Chiêm Thành, hai ông xin cầm quân đánh giặc. Dù đánh đuổi được giặc nhưng tướng Lý Xuân Điền lại bị Xiêm La bắt. Sau đó, Hoàng tử Xiêm La cầu hôn em gái ông Huỳnh Tấn Công nên ông yêu cầu dùng Lý Xuân Điền làm lễ vật cầu hôn. Hai người gặp lại nhau và cùng trở về nước Việt. Vua Chiêm Thành thương nhớ, biết ơn hai ông nên tạc hai pho tượng để thờ.

Việt hóa tượng Chăm

Câu chuyện về hai pho tượng trong chùa Nhạn Sơn này được cụ Bùi Văn Lang ghi chép trong sách Địa dư mông học tỉnh Bình Định (xuất bản năm 1933 và tái bản năm 1935). Tuy có vài khác biệt về địa danh và một số tình tiết trong câu chuyện nhưng các dị bản này cũng nhằm mục đích lý giải về nguồn gốc hai pho tượng cổ ở chùa Nhạn Sơn.

Chuyện hai pho tượng ở chùa Nhạn Sơn bị Việt hóa, Phật giáo hóa cũng là đặc điểm chung của rất nhiều tượng Chăm cổ còn sót lại ở Việt Nam. Cũng như tượng vị tu sĩ ở làng Hải Giang (được đề cập ở bài trước) bị người dân “biến” thành tượng bồ tát, hai pho tượng chùa Nhạn Sơn được người dân và nhà chùa mặc áo màu vàng và thờ cúng cùng với các vị Phật, bồ tát.

Trong tín ngưỡng của người dân địa phương, hai pho tượng này rất linh nên họ thường đến cúng bái, cầu tài lộc, bình an, học hành đỗ đạt… Những gia đình có con khó nuôi, bị bệnh tật hay thường khóc đêm đều đem đến chùa Nhạn Sơn “gửi bán Phật và hai ngài”. “Năm 1977, đoàn khảo sát từ Hà Nội vào, sau khi nghiên cứu hoa văn ở thắt lưng tượng và nhiều sử liệu khác đã xác định hai pho tượng này có từ thế kỷ 13, thời nước Chiêm Thành còn đóng đô ở thành Đồ Bàn”, hòa thượng Thích Thị Hoàng nói.

Hoàng Trọng

>> Những di tích kỳ bí - Làng chài được yểm bùa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.