Những bài vọng cổ vang bóng - Kỳ 3: Trương Chi Mỵ Nương

03/05/2015 05:55 GMT+7

Bài vọng cổ Trương Chi Mỵ Nương với nỗi buồn thê thiết đã rung động biết bao trái tim khán giả. Tiếng tiêu sầu của anh lái đò trên sông vắng đâu chỉ hớp hồn nàng tiểu thư khuê các, mà còn hớp hồn người mê vọng cổ suốt mấy thập niên.

Bài vọng cổ Trương Chi Mỵ Nương với nỗi buồn thê thiết đã rung động biết bao trái tim khán giả. Tiếng tiêu sầu của anh lái đò trên sông vắng đâu chỉ hớp hồn nàng tiểu thư khuê các, mà còn hớp hồn người mê vọng cổ suốt mấy thập niên.

Bài vọng cổ từ ly cà phê đen
Đúng hơn, đây là bài tân cổ giao duyên. Chuyện tình buồn của Trương Chi Mỵ Nương đã được tác giả Mai Thiết Lĩnh viết thành bài tân nhạc rất hay, nhưng đến tay tác giả Quế Anh một lần nữa thì phần vọng cổ phối hợp vào tạo ra một “kịch bản” lung linh hơn.
Trương Chi: Thưa tiểu thơ! Tôi là kẻ đêm đêm trỗi khúc tiêu buồn trên sông lạnh, lòng chỉ muốn gợi nỗi niềm riêng cho áng mây xa, cho vầng trăng sáng. Không ngờ khúc nhạc kia vọng đến cung son khiến cho tiểu thơ buồn thảm, dập đầu xin ơn trên tha thứ tội vô… tình.
Mỵ Nương: Người đây là kẻ từng đêm trên sông sâu trỗi khúc nhạc buồn?
Trương Chi: Vâng! Tôi là kẻ nghèo nàn cô độc, một con thuyền trôi dạt giữa sông trăng. Chỉ có khúc tiêu sầu bậu bạn gửi gắm tâm tình cho bãi gió ghềnh trăng. Đâu ngờ rằng, tiếng trúc bi thương vang vọng đến lầu vàng, làm não lòng người khuê các.
NSƯT Thanh Tuấn và NSƯT Mỹ Châu cùng có chất giọng trầm, khi cùng hát với nhau đã tạo nên một hòa âm thật tuyệt, cộng với phần hát đệm của nghệ sĩ Chí Tâm cũng trầm buồn rung rung làm nên một kịch bản ngắn gọn mà ngọt ngào không thể tả.
Thật ra Quế Anh chính là bút danh khác của soạn giả Loan Thảo, một bậc kỳ tài mà giới sân khấu cho rằng ông chỉ đứng sau soạn giả Viễn Châu. NSƯT Thanh Tuấn kể: “Lúc tôi hát bài này là năm 1973, khoảng 23 - 24 tuổi. Tôi được mời tới Hãng đĩa Việt Nam của cô Sáu Liên để hát thu âm. Nhưng bài hát thì… chưa có. Loan Thảo nói với tôi: “Mầy chờ một lát, tao đưa liền”. Thế là ông ra quán cà phê kêu một ly đen và đốt thuốc lá liên tục. Ông thường sáng tác như vậy đó. Cứ cà phê đen và thuốc lá một hồi là ra bài ca. Lát sau ông bước vô đưa tôi hai câu vọng cổ bài Trương Chi Mỵ Nương, bảo mầy ca trước đi, lát sau tao đưa hai câu cuối. Tôi với Mỹ Châu dợt đờn, rồi ca, xong Loan Thảo đưa tiếp hai câu nữa. Kinh khiếp cho sức sáng tạo của Loan Thảo”. Giới sân khấu cũng hay nói như vậy, “kinh khiếp”, nhưng quả là tài năng đáng nể.
Khối tình Trương Chi chưa dễ tan
Thanh Tuấn và Mỹ Châu dợt đờn chừng 2 lần là ca được ngay. Hai nghệ sĩ này nổi tiếng trong làng cải lương là hát chắc nhịp, riêng Mỹ Châu có thể gọi luôn là “siêu nhịp”. Cho nên Loan Thảo không cần cho dợt trước là vậy. Nhưng ông đã đo ni đóng giày cho Thanh Tuấn - Mỹ Châu từ lâu rồi, đã “nuôi” bài Trương Chi Mỵ Nương từ hồi nào, giờ chỉ cần bật ra. Giọng Thanh Tuấn trầm buồn, đôi khi ngân nga như sóng nước dễ liên tưởng đến không gian của Trương Chi với sông dài - trăng sáng - thuyền lênh đênh - tiếng tiêu bay quấn quít… Và khi gặp nàng tiểu thư thì anh lái đò không còn vô tư như trước nữa, mà choáng váng vì tiếng sét ái tình. Tiếng tiêu sầu càng thêm sầu, cho đến khi chàng gục chết. Nhiều khán giả nói với Thanh Tuấn: “Trong câu chuyện huyền thoại thì Mỵ Nương chết vì tiếng tiêu của Trương Chi, nhưng trong bài vọng cổ thì khán giả “chết” vì giọng ca Thanh Tuấn!”. Thật sự khó ai có thể thay thế giọng ca này để làm một Trương Chi bạc phận. Nhưng Thanh Tuấn thì không bạc phận tí nào, anh cứ ca bài này suốt mấy chục năm nay, lấy không biết bao nhiêu tràng pháo tay của khán giả.
Nghệ sĩ Mỹ Châu đóng vai nàng Mỵ Nương mê tiếng sáo, mê nghệ thuật, nhưng không vượt qua được thói đời thường tình khi nhìn thấy gương mặt của Trương Chi. Nàng không chết vì thất tình, mà chết vì sự cầu toàn của chính bản thân mình. Một chút yếu đuối, một chút mơ màng, một chút sầu mộng, não lòng của cô tiểu thư mong manh dễ vỡ, được giọng ca Mỹ Châu truyền tải thật hay. Mỹ Châu vốn có đôi mắt buồn, hình như cũng giống nàng Mỵ Nương, cho nên Loan Thảo mới đo ni đóng giày. Nhưng Mỹ Châu từng nói: “Ngoài đời tôi không yếu đuối như Mỵ Nương đâu. Thật ra câu chuyện chỉ là ước lệ nhắc người ta nên tỉnh táo nhìn rõ những cái gọi là “đời thường” của người nghệ sĩ. Đừng thần thánh họ, tội nghiệp họ. Nghệ thuật là nơi họ phát tiết tinh hoa, nhưng khi trở lại đời thường thì họ cũng có những thói xấu, nếu yêu nghệ sĩ thì phải yêu họ trong nghệ thuật lẫn đời thường”.
Thanh Tuấn bảo: “Hình như chỉ có Mỹ Châu là hát vai Mỵ Nương với tôi phù hợp nhất. Sau này không có Mỹ Châu, tôi vẫn hát chung với các cô đào trẻ, nhưng nói thật là chất giọng không hợp lắm, trừ Cẩm Tiên, giọng hơi trầm, có độ ngân đầy đặn, tôi thấy ăn ý”. Giờ mà nghe Trương Chi cất giọng mộc không cần đờn, không cần micro, mới hiểu tại sao người ta mê mẩn anh lái đò này đến vậy. Giọng Thanh Tuấn còn rất khỏe, ngân vang, như bay trên sóng nước. Khối tình Trương Chi chưa dễ tan trong lòng khán giả…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.