Nhiều ưu tư về văn hóa dân tộc

11/12/2011 01:00 GMT+7

Hội thảo Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) được tổ chức tại TP.HCM trong 2 ngày 9, 10.12.

Hội thảo Mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa và văn học, nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) được tổ chức tại TP.HCM trong 2 ngày 9, 10.12.

Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư chủ trì với sự tham dự của ông Lê Khả Phiêu (nguyên Tổng bí thư BCH T.Ư Đảng), Nguyễn Đức Bình (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương), Vũ Ngọc Hoàng (Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư), Nguyễn Khoa Điềm (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư), Trần Trọng Tân (nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa T.Ư)… cùng rất nhiều vị lãnh đạo từ T.Ư đến địa phương và các văn nghệ sĩ, giáo sư đầu ngành tại Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh đưa ra mục tiêu để các đại biểu thảo luận liên quan đến lý luận, thực tiễn, trên cơ sở đánh giá và phân tích thực trạng, đề xuất các kiến nghị, giải pháp cụ thể, thiết thực cho từng lĩnh vực, tư vấn cho Đảng và Nhà nước hoàn thiện chủ trương, chính sách để giải quyết tốt mối quan hệ này trong thời kỳ CNH-HĐH.

Sau 25 năm đổi mới, đất nước đã đạt những thành tựu đáng kể về mọi mặt từ kinh tế đến xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế… Những thành quả đó, theo nhận định của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư là: nền chính trị - xã hội ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất của nhân dân được cải thiện, tăng nhu cầu thưởng thức văn hóa; Chủ trương xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa tiếp tục phát triển đúng hướng và đa dạng; Công tác bảo tồn phát huy các di sản văn hóa trong đó có cả văn hóa các dân tộc thiểu số được quan tâm hơn; Giao lưu văn hóa với quốc tế được chú trọng, các hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực văn học nghệ thuật có bước phát triển mới; Nhà nước có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để thể chế hóa, gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa.

Văn hóa phát triển không cân xứng với kinh tế

Nhiều đại biểu đưa ý kiến nhìn thẳng vào sự thật về thực trạng văn hóa của đất nước hiện nay. Tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều, văn hóa phát triển không cân xứng với kinh tế, tư duy văn hóa chậm đổi mới so với tư duy kinh tế. Các lĩnh vực xã hội, đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa xã hội, môi trường sinh thái… còn yếu kém gây bức xúc xã hội. Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, trái thuần phong mỹ tục; Các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập văn hóa độc hại làm suy đồi đạo đức trong một bộ phận thanh thiếu niên. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa giao thông còn yếu kém, gây bất bình dư luận…

 Đất nước phát triển kinh tế mà văn hóa thụt lùi, nghệ thuật dân tộc xuống cấp, mất bản sắc thì không thể gọi là đất nước ổn định và phát triển kinh tế được. Còn văn hóa là còn đất nước, mất văn hóa là mất tất cả

GS Hoàng Chương
(Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc)

Bốn nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bất cập, theo PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh: “Quan niệm giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật chưa được giải quyết một cách xác hợp, cụ thể. Tư duy đổi mới kinh tế còn xem nhẹ tư duy đổi mới về văn hóa. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tuy có phát triển rộng nhưng còn thiếu chiều sâu. Quản lý nhà nước về văn hóa đã có tiến bộ nhưng nhìn chung cơ chế, chính sách vẫn còn bất cập; hoạt động giao lưu văn hóa, văn học nghệ thuật với nước ngoài dù có chú ý bước đầu nhưng vẫn còn khá nhiều tác phẩm có nội dung tốt về tư tưởng nghệ thuật chưa được giới thiệu với thế giới”.

GS Nguyễn Đức Bình đưa ý kiến: “Mặt trái của nền kinh tế thị trường là hiện tượng suy thoái đạo đức, đặc biệt là nạn tham nhũng, hối lộ, buôn lậu, gian lận thương mại, mua bằng, bán điểm, mua bán chức quyền trước sự tấn công của thói lừa đảo, chủ nghĩa cá nhân, lối sống tiêu dùng, sức mạnh đồng tiền và chủ nghĩa thực dụng. Đó là trạng thái dao động, hoài nghi, giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng của một bộ phận đảng viên, cán bộ, kể cả một số cán bộ trung, cao cấp”.

Trong khi đó, GS-TS Trần Văn Bính (Học viện Chính trị, hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đưa nhận xét: “Hệ thống pháp luật của nước ta chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, nghĩa là chưa theo kịp sự phát triển đầy phức tạp của nền kinh tế thị trường. Thêm vào đó, sự buông lỏng quản lý, hời hợt trong kiểm tra xử lý các vụ việc, sự ràng buộc lợi ích nhóm… càng làm cho nền kinh tế xa dần mục tiêu mà chúng ta hướng đến… Không xã hội nào có thể tồn tại và thịnh vượng nếu người dân chỉ biết theo đuổi sự giàu có về vật chất”.

Một nhận xét của GS Hoàng Chương (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc) đáng để chúng ta suy ngẫm: “Đất nước phát triển kinh tế mà văn hóa thụt lùi, nghệ thuật dân tộc xuống cấp, mất bản sắc thì không thể gọi là đất nước ổn định và phát triển kinh tế được. Còn văn hóa là còn đất nước, mất văn hóa là mất tất cả”.

Giải pháp

PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh đưa ra các giải pháp trong hội thảo: “Tiếp tục giáo dục quán triệt sâu sắc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò vị trí quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật trong quá trình phát triển của đất nước. Xây dựng nền chính trị, tư tưởng, đạt đến lối sống lành mạnh trong các tổ chức Đảng, Nhà nước. Xây dựng, bổ sung hoàn thiện chiến lược phát triển văn hóa, văn học-nghệ thuật. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước trong hoạt động văn hóa, văn học-nghệ thuật. Khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm sáng tạo của đội ngũ làm công tác văn hóa, văn học-nghệ thuật; đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm của nghệ sĩ. Có biện pháp khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng những tài năng văn hóa. Đề ra những chính sách kinh tế trong văn hóa và chính sách văn hóa trong kinh tế. Gắn kết nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-nghệ thuật, làm sao cho toàn bộ chủ nghĩa nhân văn, tinh thần dân chủ thể hiện trong các tác phẩm văn hóa-nghệ thuật phải thấm sâu vào đời sống xã hội. Chú trọng đến chế độ đãi ngộ cho văn nghệ sĩ…”. 

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.