Nhiều hơn một mùa xuân

31/01/2011 10:45 GMT+7

(TN Xuân Tân Mão) Có một mùa xuân trong tâm linh mỗi người Việt khi họ tìm về những giá trị văn hóa - tinh thần đã tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm trong đời sống dân tộc. Tôi đã có mùa xuân diệu kỳ ấy khi được chiêm bái những vẻ đẹp linh thiêng trên khắp đất nước thân yêu.

Từ ải Chi Lăng...

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh...

Câu ca ấy đã theo tôi suốt chặng đường dài đi lên xứ Lạng, Lạng Sơn mà tôi chỉ biết qua ca dao và nhất là qua lịch sử của hơn 30 năm trước.

Quốc lộ 1 từ Hà Nội đi Lạng Sơn quãng cuối rất vắng xe. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe gắn máy từ hướng bắc phóng ngược. Màn mưa nặng hạt màu xám khiến cảnh vật hai bên đường trở nên mờ mờ ảo ảo. Và chính sự mờ ảo ấy đã khiến chúng tôi phải kêu lên kinh ngạc khi nhìn ra và trông thấy cả một trường thành núi đá chập chùng suốt dọc 20 cây số đường đi, với mây trắng phủ mờ trên ngọn, trông không khác gì chốn bồng lai tiên cảnh. Thì ra, ải Chi Lăng lẫy lừng bao chiến thắng không hề có vẻ ngoài dữ dội của chiến tranh mà lại giống hệt chốn non bồng nước nhược, nơi các bậc thánh thần giáng hạ. Hùng vĩ, đồ sộ, hiểm trở, đồng thời thơ mộng một cách kỳ lạ, ải Chi Lăng sẽ vĩnh viễn muôn đời là chiến lũy mà đất trời dựng lên để bảo vệ bờ cõi Việt Nam trước bất cứ kẻ thù nào.

Những cái tên lẫy lừng công trạng đã gắn liền với địa danh Chi Lăng trong sử Việt: Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Quang Trung…, cùng tên những tướng giặc Tống - Nguyên - Minh - Thanh đã từng bỏ mạng nơi đây sau thảm bại ê chề trong mưu toan xâm lược: Nghê Nhuận, Liễu Thăng… Cụm tượng đài và khu di tích Chi Lăng đã được xây dựng từ năm 1982, nhân kỷ niệm 555 năm chiến thắng của Lê Lợi đánh đuổi hơn 10 vạn quân Minh và chém đầu Liễu Thăng nơi ải Chi Lăng.  

Thành phố Lạng Sơn - thị xã trong tầm tay, giờ đây nhà cửa khá khang trang trong dáng dấp một đô thị trẻ. Màu ngói đỏ nổi bật dưới màu xanh lá. Còn chùa Tam Thanh với động Tam Thanh nổi tiếng vẫn giữ nguyên vẻ linh thiêng huyền ảo qua làn ánh sáng mờ từ bên ngoài rọi vào, trên những tượng thờ bằng đá và những bài thơ khắc trên vách đá.

Đứng trên núi Tam Thanh nhìn xuống, thành phố nép mình trong màu lá xanh thật yên bình sau ba thập niên xây dựng lại từ đống tro tàn. Khi xuống tới những khu phố, đi qua những con đường nhựa còn vắng người, qua những khách sạn mới xây và những cửa hàng bán từ quần áo thời trang, mỹ phẩm cho tới đặc sản Lạng Sơn, người ta sẽ nhận ra Lạng Sơn ngày nay đã biết khai thác thế mạnh du lịch của mình, tuy chỉ mới ở bước đầu. Ngoài chợ Kỳ Lừa bán các thứ hàng Việt khá đa dạng, Lạng Sơn còn có chợ Đông Kinh khá lớn, hầu như chỉ bán toàn hàng Trung Quốc.

Con sông Kỳ Cùng rất quen tên của Lạng Sơn, nhìn từ xa có màu nước đỏ, là con sông duy nhất ở Việt Nam có hướng chảy ngược về phương bắc. Là một chi lưu của sông Tây Giang - Trung Quốc, sau nhiều lần uốn lượn để thay dòng chảy trên địa phận Việt Nam, cuối cùng sông đã đổ vào Tây Giang. Thành phố Lạng Sơn soi bóng trên sông Kỳ Cùng đẹp rực rỡ như một bức tranh.

...đến chùa Bút Tháp


Một góc chùa Bút Tháp - Ảnh: T.Đ

Ngay từ năm 1976, khi hai miền đất nước vừa thống nhất, tôi đã có dịp viếng chùa Thầy, chùa Tây Phương, chùa Phật Tích… của xứ Bắc. Đọng lại trong tôi lúc ấy, một nữ sinh viên mới rời trường đại học, chưa được đi nhiều biết nhiều về văn hóa truyền thống, là những cảm xúc dồn dập, gần như choáng ngợp. 18 vị La hán chùa Tây Phương như những biểu tượng xuất thần của trạng thái lắng đọng cao nhất nơi con người, đỉnh điểm của cái đẹp và sự tài hoa tuyệt vời của nghệ thuật tượng gỗ Việt Nam. Ở chùa Thầy, người hướng dẫn bất đắc dĩ cho đoàn khách miền Nam là một cụ già, có thể chỉ là người trông coi chùa. Rất nồng nhiệt với đoàn khách từ miền Nam nên cụ đã hào hứng quá mức với bài “thuyết minh” của mình, khi cho thiền sư Từ Đạo Hạnh “hội ý chi bộ” trong những câu chuyện mà cụ đem kể với khách. 

Giờ đã là năm 2011. Trong nhu cầu muốn biết người Việt đang gìn giữ thế nào những tài sản văn hóa vô giá mà cha ông đã để lại, tôi lại tìm về thăm những ngôi chùa cổ xứ Bắc.

Một số không gian bị xâm phạm bởi những quán hàng bán buôn nhộn nhạo nhưng may mắn sao, phần lớn những quần thể kiến trúc thờ tự vẫn đang phô mình trong nắng gió, và bên trong các bức tường, những pho tượng quý đã xuống cấp vẫn đang chờ bàn tay người thời nay phục hồi một cách có trách nhiệm.

Tháp Hòa Phong - chùa Dâu (Bắc Ninh) vẫn sừng sững trong khuôn viên giữa chùa, sau gần 700 năm đương đầu với bao nhiêu biến cố lịch sử. Ngôi tháp vuông xây bằng gạch nung khổ lớn sẫm màu vại sành với chiều rộng chân tháp gần 7m, trông rất vững vàng như có thể tồn tại thêm cả ngàn năm nữa. Và dù chỉ còn có 3 tầng so với 9 tầng khi Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đứng ra khởi công tu bổ dưới thời vua Trần Anh Tông (năm 1313), tháp vẫn đạt chiều cao 17m. Ta có thể hình dung chiều cao nguyên thủy của tháp “ngất ngưởng” thế nào khi còn đủ 9 tầng. Chùa Dâu là ngôi cổ tự có niên đại cao nhất trong hệ thống chùa cổ Việt Nam, được xây dựng lần đầu vào thời Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Châu (thế kỷ thứ 2), là một trung tâm tôn giáo của đô thị cổ Luy Lâu từng có rất nhiều thành quách, đền đài, phố chợ… mà nay không còn nữa. Chùa Dâu là nơi thờ Bà Dâu tức Phật Pháp Vân (trong Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), là trung tâm Thiền phái đầu tiên của Phật giáo Việt Nam: thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi.

Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) với tượng Quán Thế m nghìn mắt nghìn tay tuyệt mỹ cho người ta sự tĩnh tâm khi vừa bước qua cổng tam quan, sau gác chuông hai tầng, lập tức lọt vào một không gian hoàn toàn khép kín, thoát hẳn sự phiền toái cõi tục. Bút Tháp là ngôi chùa còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc hoàn chỉnh đã có từ năm 1647, do Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc cho trùng tu ngôi chùa cũ đã hư nát, khi bà về đây tu hành. Chùa được xây dựng lần đầu từ thời vua Trần Thánh Tông, khi thiền sư Huyền Quang (đỗ trạng nguyên năm 1297) đã về đây trụ trì, và cho xây ngọn tháp đá 9 tầng mà nay không còn nữa. Ngọn tháp Bảo Nghiêm năm tầng tám mặt bằng đá xanh cao 13,05m hiện nay, là nơi đặt xá lợi hòa thượng Chuyết Chuyết, người đã trụ trì sau khi cùng bà Ngọc Trúc xây chùa, và viên tịch vào năm 1644. Ngoài tượng Quán Thế m nghìn mắt nghìn tay, chùa còn nhiều tượng gỗ rất đẹp rất quý, và những phù điêu bằng đá chạm khắc hết sức tinh xảo.

Mùa xuân, còn gì dễ chịu hơn khi người ta biết tìm về chốn thiền tự, thắp một tuần nhang và để khói hương thanh lọc thân tâm mình, để bắt đầu một năm mới nhẹ nhàng, an lạc... 

Ngô Thị Kim Cúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.