Nhạc sĩ bán tạp hóa ở chợ

03/05/2015 09:10 GMT+7

Trong hồ sơ xin vào Hội Nhạc sĩ VN, ở phần nghề nghiệp, ông ghi: chủ tiệm bán 'chạp phô'. Đó cũng là lý do khiến chúng tôi tìm đến ông, một người nhạc sĩ có hơn 200 ca khúc với một nghề mưu sinh 'không đụng hàng' đồng nghiệp nào tại Sài Gòn.

Trong hồ sơ xin vào Hội Nhạc sĩ VN, ở phần nghề nghiệp, ông ghi: chủ tiệm bán “chạp phô”. Đó cũng là lý do khiến chúng tôi tìm đến ông, một người nhạc sĩ có hơn 200 ca khúc với một nghề mưu sinh “không đụng hàng” đồng nghiệp nào tại Sài Gòn.

Nhạc sĩ Lê Trung Tín - Ảnh: Minh LêNhạc sĩ Lê Trung Tín - Ảnh: Minh Lê
Vừa sáng tác, vừa bán hàng
Gần 35 năm nay, tại một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Thiện Thuật (Q.3, TP.HCM) nằm lọt thỏm giữa chợ Bàn Cờ sôi động, tấp nập, nhạc sĩ Lê Trung Tín (hội viên Hội Nhạc sĩ VN, hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM) vẫn hằng ngày vừa tất bật bán hàng, vừa sáng tác nhạc.
Nhạc sĩ Lê Trung Tín tham gia sáng tác về lực lượng “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” của Công an TP.HCM và được trao giải khuyến khích. Gần đây, khi đề tài biển đảo được dư luận rất quan tâm, ông cũng đã thử sức và... thành công. Ca khúc: Trường Sa - Tổ quốc giữa trùng khơi (phổ thơ Trương Nam Hương) của ông vừa nhận giải C cuộc thi “Biển đảo quê hương” do Hội Nhạc sĩ VN tổ chức.
Khi chúng tôi đến, ông đang sắp sửa hoàn thành một tác phẩm mới phổ thơ Trương Nam Hương để tham dự cuộc thi về đề tài Quốc hội VN. Ông cho biết: “Thường người ta cần nơi yên tĩnh để cảm xúc lắng đọng mới thăng hoa thì với tôi lại trái ngược. Tôi rất yêu “góc sân và khoảng trời” ồn ào, xô bồ trước chợ của mình. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, không có khách, tôi lại ngồi vào bàn để viết, khách đến thì chạy ra bán, chẳng ảnh hưởng gì, có khi nhờ bị… đứt quãng như thế lại càng hay hơn. Ca khúc nào hoàn thành tôi cho thu âm ngay và mở suốt ngày tại tiệm tạp hóa để ngồi nghe, sửa chữa và nhờ khách hàng… góp ý”.
Ông may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, với tuổi thơ là những ngày tháng hồn nhiên chơi đùa với bạn bè tại góc phố Bà Triệu (Hà Nội) rợp mát bóng cây. Năm lên 8 tuổi, Lê Trung Tín thi đỗ vào Khoa Violon Trường Âm nhạc VN (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia VN). Năm 1971, ông đi bộ đội. Nhờ được phát hiện tài năng sớm, đơn vị đã đưa ông lên Đoàn văn công của Bộ Tư lệnh, rồi đi học lớp sáng tác ca khúc do Tổng cục Chính trị mở. Dưới sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của các nhạc sĩ tên tuổi: Huy Du, Huy Thục, Trọng Loan, Nguyễn Đức Toàn, Vũ Trọng Hối…, cậu học trò Lê Trung Tín trưởng thành nhanh chóng. Từ năm 22 tuổi đến nay, ông đã sáng tác hơn 200 ca khúc, trong đó có nhiều tác phẩm được khán giả yêu thích qua tiếng hát của ca sĩ Quang Minh, Diệu Hiền, Duy Linh, như: Thành phố tên Người - thành phố tôi yêu, Thiêng liêng biển đảo VN, Hà Nội một thời, Góc nhớ Hà Nội, Sông 17 tuổi, Chiều thu Hà Nội, Tôi yêu phố cổ, Quán nhớ… Các sáng tác của nhạc sĩ Lê Trung Tín đậm sắc màu của dòng nhạc thính phòng, cổ điển, mang âm hưởng phương Tây nhưng giai điệu vẫn nhẹ nhàng và sâu lắng.
Nhạc sĩ Lê Trung Tín tất bật che mưa cho tiệm tạp hóa khỏi bị ướt - Ảnh: Quỳnh Trân
Ông tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, 5 cửa ô yêu dấu với những kỷ niệm tuổi thơ sâu sắc không thể nào quên được. Vì vậy, khi gặp các bài thơ hay của Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha… là cảm xúc tự nhiên dâng trào. Sau này có thêm nhà thơ Trương Nam Hương đã làm cho “gia tài” âm nhạc của tôi về thủ đô được bổ sung nhiều ca khúc hay…”.
Nghề lượm bạc cắc, nhưng vui vì… vợ
Tôi rất yêu “góc sân và khoảng trời” ồn ào, xô bồ trước chợ của mình. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, không có khách, tôi lại ngồi vào bàn để viết, khách đến thì chạy ra bán, chẳng ảnh hưởng gì, có khi nhờ bị... đứt quãng như thế lại càng hay hơn. Ca khúc nào hoàn thành tôi cho thu âm ngay và mở suốt ngày tại tiệm tạp hóa để ngồi nghe, sửa chữa và nhờ khách hàng... góp ý
 
Vừa ngồi trò chuyện, nhạc sĩ Lê Trung Tín vừa lui cui bán hàng. Khách đông, khi thì mua một hộp kem đánh răng, lúc thì bịch cà phê hay mấy chai nước tương, nước mắm, dầu gội đầu… nhưng làm ông bận rộn lắm.
Gặp lúc trời mưa to quá, nhạc sĩ Lê Trung Tín lại chạy ra ngoài lấy bạt che tạm cho hàng hóa khỏi bị ướt. Ông kể: “Làm nghề lượm bạc cắc này vất vả lắm. 6 giờ sáng đã phải bật dậy mở cửa, bày biện hàng hóa cho tươm tất rồi ngồi bán cả ngày trời. Tối 22 giờ mới bắt đầu dọn dẹp, khi hàng hóa đâu vào đó thì đã khuya lơ khuya lắc. Vợ tôi có cửa hàng quần áo riêng gần đó nên không đụng chạm gì đến “thị phần” để tôi an tâm kinh doanh, viết lách”. Nói, rồi ông cười khà khà và “nịnh” vợ: “Để có ngày hôm nay, tôi phải cảm ơn người vợ hiền của tôi. Bà đã hy sinh cả những riêng tư của mình để lo cho chồng con. Hằng ngày, tôi chỉ lo bán hàng hóa ở tiệm và tập trung ngồi sáng tác nhạc. Bà luôn tôn trọng những giây phút thăng hoa của tôi, không bao giờ than phiền hay trách cứ điều gì. Đói thì chạy xuống bếp, bà luôn nấu sẵn cơm nóng và đồ ăn để đó cho cha con tôi rồi”.
Hai con ông, chỉ mỗi con trai út theo nghiệp bố học Nhạc viện TP.HCM, còn con gái làm thạc sĩ về công nghệ thông tin. “Tôi không bao giờ ép buộc tụi nó. Hãy để chúng phát triển tự nhiên theo ý thích của mình. Ngày trước, bố tôi có ép cũng có được đâu. Thôi thì, cái nghiệp nó vận vào mình, phải chịu”, nhạc sĩ Lê Trung Tín tâm sự.
Tuổi trẻ đi nhiều, xuôi ngược khắp chiều dài đất nước đã cho ông nhiều trải nghiệm cuộc sống ngồn ngộn và chính năm tháng ở phố là quãng thời gian bình yên nhất để những cảm xúc được lắng đọng, giúp nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về quê hương đất nước, nhất là tình yêu đối với Sài Gòn -TP.HCM…
Hai sáng tác mới nhất: Một chút đông Sài Gòn Sài Gòn có em vừa hoàn thành chào mừng 40 năm ngày giải phóng, thống nhất đất nước với những ca từ lúng liếng:“Dễ thương em với Sài Gòn/Khi vui òa nắng lúc hờn ập mưa”, hay “Cà phê góc phố hẹn hò/Hàng me xanh mát nghiêng ô đợi người”… như một món quà nhỏ mà nhạc sĩ Lê Trung Tín muốn dành  tặng riêng thành phố mang tên Bác, nơi đã cho ông có được hôm nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.