Nhà rường giữa cố đô xuống cấp trầm trọng

25/05/2010 00:12 GMT+7

Một số nhà nghiên cứu văn hóa đã lên tiếng về việc ngôi nhà của Thượng thư Trần Đình Bá - ngôi nhà rường hiếm hoi còn sót lại giữa lòng cố đô, hiện tọa lạc tại số 114 (số 86 cũ) đường Mai Thúc Loan - TP Huế, nhiều năm nay bị biến thành nơi tụ tập buôn bán và xuống cấp trầm trọng.

Mong muốn biến nhà rường thành di sản văn hóa

Người thừa kế chính thức và hợp pháp là nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn mới đây cho biết, ông có ý định sẵn sàng trưng bày tại ngôi nhà này một số văn bản Hán - Nôm và tài liệu liên quan đến triều Nguyễn. Hiện gia đình ông vẫn còn lưu giữ khoảng 1.200 tập sách Hán - Nôm được in ấn và viết tay từ thời các chúa Nguyễn đến thời các vua Nguyễn (thế kỷ XVIII - giữa thế kỷ XX). Nội dung liên quan đến lịch sử, văn học, luật lệ, y học, tôn giáo, mỹ thuật kiến trúc... của Việt Nam, Trung Quốc. Cạnh đó là bộ sưu tập gốm sứ cổ, gồm 500 hiện vật của các thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn, 20 đạo sắc phong từ triều Gia Long đến Bảo Đại, hoành phi, câu đối, trướng liễn...

Ngoài ra, theo Trần Đình Sơn còn có “nhiều bộ triều phục, áo mão, vật dụng hằng ngày của các vị quan thời Nguyễn, tất cả di vật trên của tổ tiên chúng tôi trước đây được lưu giữ tại nhà cổ ở Huế trên đường Mai Thúc Loan. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, chúng tôi phải di chuyển vào Sài Gòn để bảo quản. Nay, nếu được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế xem xét giải quyết trao trả lại nhà từ đường thì chúng tôi sẽ chuyển tất cả trở về trưng bày, thờ phụng tại nhà cũ và biến ngôi nhà rường của cha ông chúng tôi thành một di sản Huế để mọi người có thể lui tới tham quan, nghiên cứu”.

Nhưng, đáng tiếc là...

Gần đây, một số nhà nghiên cứu và cán bộ làm công tác văn hóa tại TP Huế cũng đã lên tiếng. Như ông Nguyễn Duy Hiền, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, xác nhận: “Ông Trần Đình Sơn xin lại ngôi nhà của mình là hoàn toàn chính đáng, nhất là xin lại để rồi phục dựng nơi đây thành một địa chỉ văn hóa, một ngôi nhà chất chứa những giá trị di sản là một ý tưởng rất đáng trân trọng. Tôi được biết, tỉnh đã nhiều lần họp bàn nhưng không hiểu sao cho đến nay vẫn tắc”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân và nhà báo Huy Khánh đều nói rõ cụ Thượng thư bộ hình Trần Đình Bá là danh thần triều Nguyễn, làm quan trải  qua nhiều đời vua Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và đầu thời Bảo Đại. Và ông Trần Đình Sơn là “con cháu của cụ Trần Đình Bá, nếu xin lại được ngôi nhà đường Mai Thúc Loan, anh Sơn sẽ mang tất cả những gì quý giá nhất mà anh hiện giữ để trưng bày. Như thế, đường Mai Thúc Loan ở Huế với nhà lưu niệm Bác Hồ, nhà của gia tộc Đặng Thùy Trâm - cùng nhà của Thượng thư Trần Đình Bá sẽ là một con đường văn hóa...”. Nhưng rất tiếc, ngôi nhà rường trên vẫn chưa được giao lại cho người thừa kế, mặc dù “đến nay sau 15 năm khiếu nại, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra Quyết định số 404 ngày 26.2.2010 xác nhận chủ quyền của gia đình chúng tôi, nhưng lại giao cho Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch quản lý và khó hiểu là đã hướng dẫn gia đình chúng tôi làm đơn khiếu nại đến... ông Bộ trưởng Bộ Xây dựng tận Hà Nội!” - ông Trần Đình Sơn đã cho chúng tôi biết qua cuộc tiếp xúc gần đây nhất.

Chờ... sụp đổ

Còn hiện trạng của ngôi nhà rường thì sao? Về môi trường vệ sinh quanh ngôi nhà cổ thì hết sức dơ bẩn, sinh hoạt ồn ào phức tạp. Nhìn từ ngoài vào người ta thấy cửa chính tuy vẫn đóng, nhưng ai đó được giao kinh doanh đã mở cổng bên hông và tự tiện bày biện buôn bán ở nhà trong. Mọi người đều thấy cảnh xuống cấp trầm trọng của nhà cổ, nhất là những ngày mưa to gió lớn, nắng nóng bất thường, chỉ chờ sụp đổ hoàn toàn.

Theo dõi thông tin về các hoạt động văn hóa tại TP Huế, công luận cũng như những nhà nghiên cứu nói với chúng tôi rằng chính quyền địa phương đã vận động tài trợ cho những chủ sở hữu để giữ gìn, trùng tu các căn nhà cổ tại Gia Hội, Bao Vinh, Kim Long... Địa phương có thể chi ngân sách hàng tỉ đồng để phục chế lại 2 chiếc long thuyền nhằm phục vụ Festival Huế kỳ trước. Nay đến Festival 2010, thực đáng buồn, căn nhà cổ 114 Mai Thúc Loan mà, báo chí lên tiếng suốt mấy năm nay vẫn tiếp tục xuống cấp trầm trọng, không biết vì lý do gì! 

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.