Nguyễn Phi Phi Anh: Phải có gì trong đầu để chuyển tải qua nghệ thuật

11/12/2012 05:30 GMT+7

Vở nhạc kịch dựng thần tốc với diễn viên gom từ nhiều câu lạc bộ cấp trường bỗng hút được tài trợ của các thương hiệu văn hóa, thời trang rồi đùng đùng cháy vé. Tổng chỉ huy vở diễn Góc phố danh vọng đó là một tên tuổi lạ hoắc lạ huơ - Nguyễn Phi Phi Anh - một du học sinh ngành sân khấu tại Mỹ.

Từ lối rẽ trên đường làng Khương Trung, phải rẽ thêm hai lần nữa mỗi khi có mốc tiệm tạp hóa mới tới điểm hẹn của Góc phố danh vọng. Rồi dàn dây phải trèo lên một cái bàn làm việc văn phòng mới kê được ghế để ngồi đệm cho vở diễn. Diễn viên múa xin đến muộn vì đang casting cho Thử thách cùng bước nhảy. Giọng nữ chính chấp nhận trừ lương công việc bán thời gian của một sinh viên để có thời gian ghép vở thêm. “Bộ mặt thật” của Góc phố danh vọng lúc khởi điểm là như vậy.

Nhưng dù thiếu thốn, vở diễn về cô gái tìm thấy tình yêu đích thực sau thăng trầm danh vọng ấy cũng có một khuôn mặt tân kỳ đúng điệu nhất mà một vở nhạc kịch ở đất Hà Nội từng có. Vở diễn có một trang web riêng, có trailer riêng một cách chuyên nghiệp. Trong trailer đầu tiên, người ta thấy cặp chân thon dài hở hết mức có thể dưới chiếc váy ngắn đi ngược ánh sáng hắt ra từ chiếc ô tô sang trọng - ẩn dụ hình ảnh gợi đến tiền, rất nhiều tiền. Đấy là Roxanne Trinh vừa thách thức tò mò, vừa gợi nhớ đến cô nàng Trinh khác yêu thích khoe thân và sống nhờ của showbiz Việt. “Sở thích của tôi ấy à? Mỗi ngày, tôi dành đến 30 phút trước gương (mỉm cười, hất tóc) chỉ để cười thôi” là câu thoại trứ danh của nàng trong vở diễn. Khi ấy Roxanne điên cuồng tìm kiếm một người giàu có và yêu nàng đủ để sẵn sàng chia sẻ sự giàu có ấy với mình, còn một cô Trinh khác lại nổi tiếng vì câu nói trước khi đi ngủ đều soi gương và mỉm cười…

Roxanne có “cái” nhiều nghệ sĩ sân khấu trứ danh, kể cả nữ hoàng thanh lịch của sân khấu kịch là NSND Lê Khanh cũng chưa từng có. Nàng có hình ảnh riêng qua tranh vẽ, được quảng bá bài bản từ khi mới chỉ là nhân vật trong kịch bản, trước khi từng bước hình thành qua nhiều buổi tập trong căn nhà sâu tít trong một ngõ dài. Góc phố danh vọng đã có một nhóm truyền thông riêng của mình - Le Bros bên cạnh nhà tài trợ nổi danh khác là Kelly Bùi với hơn 70 bộ trang phục trong vở diễn.

 

Những tác phẩm bây giờ, dù có hay đến đâu đi nữa mà không hướng đến các tầng lớp khán giả trẻ hơn thì chắc chắn sẽ không có đất diễn

“Tôi thực sự ngạc nhiên vì sức sáng tạo của Phi Anh. Anh cũng nhận được sự ủng hộ nghề nghiệp của nhiều nghệ sĩ kỹ tính trong nghề, chẳng hạn biên đạo múa Lê Vũ Long”, ông Nguyễn Đình Thành - Giám đốc marketing của Le Bros - đơn vị bảo trợ cho Góc phố danh vọng nói. Sau đó, vở diễn cháy vé và phải diễn thêm một xuất vào buổi trưa để đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Góc phố danh vọng là dự án đầu tiên tại Việt Nam nhưng không phải lần đầu tiên Phi Anh ghi danh mình trên cương vị đạo diễn. Trước đó, game show Greek show đã được dàn dựng tại trường cấp 3 tại Singapore - nơi Phi Anh theo học. “Một game show tri thức, nhưng tôi xây dựng như một vở kịch 3 màn. Có phù thủy, có 18 người chơi phải loại nhau cho tới khi chỉ còn 1 người chiến thắng. Luật được mô phỏng từ Đường lên đỉnh Olympia nhưng không khí rất lạ, vì các câu hỏi đều hài hước và mang màu sắc ma quái, cổ tích”, Phi Anh nhớ lại. Sự ma quái, cổ tích này đều đã cùng lặp lại tại Góc phố danh vọng với nhiều ám chỉ mang câu chuyện thời sự mà Roxanne Trinh chỉ là một ví dụ.

Về sân khấu Việt, Phi Anh nói: “Tôi chưa xem đủ nhiều sân khấu ở Việt Nam để phán xét. Nhưng nghệ thuật thì nên hướng tới khán giả. Những tác phẩm của những năm 80, 90 rồi cũng sẽ già đi và không thể đi xem được nữa. Vì thế, những tác phẩm bây giờ, dù có hay đến đâu đi nữa mà không hướng đến các tầng lớp khán giả trẻ hơn thì chắc chắn sẽ không có đất diễn”.

Bên cạnh đó Phi Anh cũng nói nhiều đến hình thức vở diễn. “Việt Nam mình có quá nhiều tác phẩm kinh điển, nhưng dường như chưa đầu tư nhiều về hình thức. Đôi khi chỉ cần một poster ấn tượng thôi cũng đủ khiến người ta bỏ tiền ra mua vé rồi. Nhiều chương trình đèn sân khấu trắng sáng trưng từ đầu đến cuối thì làm sao diễn viên tìm được cảm xúc. Diễn viên vừa diễn vừa phải cầm một cái mic to đùng thì coi như mất đi một cánh tay rồi còn gì...”.

Về môi trường mình đang theo học, Phi Anh cho biết: “Nhìn chung người Mỹ coi sân khấu kịch là loại hình đáng được tôn trọng. Có một nỗ lực ghê gớm của những người làm sân khấu (dù chỉ ở trong nhà trường) để đưa tác phẩm đến công chúng. Nó phải đáng tiền, đáng công mà vẫn thể hiện cái tôi. Mà cái tôi ấy không phải chỉ của đạo diễn. Nó còn phải là cái tôi của nhà biên kịch, từng nhà thiết kế ánh sáng, âm thanh, trang phục, hóa trang… Nó cũng là cái tôi của từng diễn viên - thể hiện rõ nhất của việc họ tìm thấy nhân vật trong tâm hồn mình. “Đó là một quá trình hợp tác công phu”, Phi Anh nói.

“Một điều nữa mà tôi rất thích về môi trường học hiện tại - đó là họ rất coi trọng kiến thức ngoài ngành. Có nghĩa là tôi sang đây để học kiến thức chứ không chỉ để học ngón nghề. Nếu không học về xã hội, về văn hóa thì tôi sẽ không có cái gì trong đầu để mà chuyển tải qua nghệ thuật”, Phi Anh phân tích. Điều cậu nói có lẽ cũng là mơ ước của nhiều nghệ sĩ, bởi tại nước ta hiện nay điểm văn hóa đầu vào của các trường nghệ thuật tương đối thấp so với mặt bằng chung.

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.