Người về dòng sông tuổi thơ

10/01/2013 04:05 GMT+7

Thế là sau những ngày tháng dài bạo bệnh, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã xuôi tay để Trở về dòng sông tuổi thơ - dòng sông của Đất Mẹ...

Thế là sau những ngày tháng dài bạo bệnh, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã xuôi tay để Trở về dòng sông tuổi thơ - dòng sông của Đất Mẹ...

Cách đây 3 năm, do tiên liệu ngày ra đi của người nhạc sĩ tài hoa này đã rất gần nên một chương trình ca nhạc mang tên Hoàng Hiệp - Nơi gặp gỡ tình yêu đã được tổ chức trang trọng ở Nhà hát TP.HCM ngay trong dịp Noel (25.12.2009).

Cũng trong dịp này, ca khúc Trở về dòng sông tuổi thơ của ông qua sự thể hiện của ca sĩ Mỹ Linh trong Duyên Dáng Việt Nam lần 21 do Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên và Báo Thanh Niên tổ chức đã trở thành một trong những điểm nhấn của chương trình. Tất cả đều nhằm tôn vinh và ghi nhận những cống hiến của nhạc sĩ Hoàng Hiệp với nền âm nhạc Việt Nam nói chung và âm nhạc cách mạng nói riêng.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, sinh ngày 1.10.1931 tại xã Mỹ Hiệp, H.Chợ Mới (An Giang). Vốn có năng khiếu văn nghệ từ nhỏ, năm 14 tuổi ông tham gia Đoàn tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau đó chuyển về Đoàn văn công Long Châu Hà. Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác vào khoảng năm 1948, nhưng theo giới chuyên môn thì phải đến năm 1957 (sau khi tập kết ra Bắc, khi đang là sinh viên năm đầu Khoa Sáng tác của Trường m nhạc Việt Nam), với việc sáng tác ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương (thơ Đằng Giao) được coi là cột mốc của một nhạc sĩ Hoàng Hiệp - tài hoa phát tiết...

Sự tài hoa này thể hiện ở chỗ dù là dân Nam bộ chính gốc nhưng Hoàng Hiệp đã phả được cái hơi nhạc đặc trưng của người dân Khu 4 vào ca khúc, bài hát mang âm hưởng dân ca Bình Trị Thiên đong đầy nỗi nhớ thương chất ngất của đôi vợ chồng - kẻ ở bờ bắc, người ở bờ nam con sông Bến Hải, chỉ cách mấy nhịp cầu Hiền Lương mà như dải Ngân Hà phân đôi Ngưu Lang - Chức Nữ. Lồng trong Câu hò bên bờ Hiền Lương chứa chan tình yêu đôi lứa là những cung bậc nặng tình nước non… Từ đó, Hoàng Hiệp như khơi được mạch sáng tác, chỉ trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội ông đã sáng tác trên 100 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ như Lá đỏ, Trường Sơn đông - Trường Sơn tây (thơ Phạm Tiến Duật), Cô gái vót chông, Ngọn đèn đứng gác (thơ Chính Hữu)…

Sau năm 1975, Hoàng Hiệp trở về miền Nam công tác tại NXB m nhạc TP.HCM. Sau đó, chuyển sang Hội m nhạc TP.HCM và có một thời gian làm Tổng thư ký Hội. Giai đoạn này, hướng sáng tác của Hoàng Hiệp chuyển sang những bản tình ca với những Con đường có lá me bay, Đàn chim én bay (thơ Diệp Minh Tuyền), Em vẫn đợi anh về (thơ Ximônốp - Lê Giang dịch), Nơi anh gặp em (bài hát trong phim Nơi gặp gỡ của tình yêu)... Riêng với ca khúc Trở về dòng sông tuổi thơ, nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng tâm sự: “Đó là ca khúc tôi viết vào những năm đầu thập niên 1980. Sau một thời gian dài xa quê, xa dòng sông mà cả quãng tuổi thơ của tôi gắn bó. Khi được trở về ngắm dòng sông Tiền lặng lờ trôi (chuyến đi còn có nhà văn Nguyễn Quang Sáng và một người bạn khác), với trào tràn niềm xúc cảm tôi đã viết nên ca khúc này...”.

Hoàng Hiệp rất thành công trong những ca khúc phổ thơ, ngoài các ca khúc kể trên còn có: Đất quê ta mênh mông (thơ Dương Hương Ly), Tiểu đội xe không kính (thơ Phạm Tiến Duật), Như lá (thơ Lâm Thị Mỹ Dạ), Viếng lăng Bác (thơ Viễn Phương)...

Nhắc đến Hoàng Hiệp không thể không nói đến sự thủy chung son sắt của ông với người bạn đời: nghệ sĩ sân khấu Diễm Lan. Trong hơn 100 tác phẩm của ông luôn thấp thoáng hình ảnh của người vợ hiền, như ông có lần đã từng tự nhận: “Những người con gái tôi yêu đều có bóng dáng trong cô gái Hà Nội bên cạnh”. Nhớ về Hà Nội chính là một ca khúc Hoàng Hiệp viết cho tình yêu cả một thế hệ lồng trong kỷ niệm tình yêu của chính mình: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội… Nhớ phố Khâm Thiên đường Nguyễn Du, những đêm hoa sữa thơm nồng...”. 

Người nhạc sĩ lớn ấy - một nhân cách lớn ấy vừa vĩnh biệt chúng ta để Trở về dòng sông tuổi thơ...

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời lúc 13 giờ ngày 9.1. Linh cữu ông quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM (25 Lê Quý Đôn, Q.3). Lễ viếng đến hết ngày 10.1. Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 12.1. Lễ động quan lúc 7 giờ ngày 12.1. An táng tại Nghĩa trang TP.HCM.

Hà Đình Nguyên

>> Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời
>> Nhạc sĩ Lưu Thiên Hương làm giám khảo "Cặp đôi hoàn hảo
>> Hương Lan luôn mang ơn các nhạc sĩ!
>> Lễ tưởng niệm nhạc sĩ Duy Quang tại phòng trà H&M
>> Đêm nhạc tri ân nhạc sĩ Phạm Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.