Người tình cờ đến cõi nhạc Trịnh

01/04/2015 19:16 GMT+7

(TNO) Đã 14 năm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm, nhưng âm nhạc của ông luôn hiện hữu trong đời sống đương đại. Có một người nghệ sĩ không mệt mỏi trên con đường tìm về cội nguồn nhạc Trịnh.

(TNO) Đã 14 năm, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rời xa cõi tạm, nhưng âm nhạc của ông luôn hiện hữu trong đời sống đương đại. Có một người nghệ sĩ không mệt mỏi trên con đường tìm về cội nguồn nhạc Trịnh.

Giang Trang khiến người ta hoàn toàn bất ngờ với nhạc Trịnh kể từ chương trình Lênh đênh nhớ phố (2011). Lênh đênh nhớ phố dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ của người trong cuộc, nhưng đã báo trước một cách làm mới nhạc Trịnh không chỉ trong giọng hát mà trong tư duy âm nhạc của người nghệ sĩ. Nửa năm sau, Hạ Huyền 1 của Giang Trang ra mắt, cho thấy một sản phẩm âm nhạc đã có tư duy rõ ràng và lộ rõ con đường mà nghệ sĩ muốn theo đuổi. Trong hai năm, Trang muốn đi chậm lại, để bình thản hơn, biết chấp nhận cuộc sống tốt hơn, và cứ như thế, chị tự nhiên chạm đến âm nhạc của Trịnh Công Sơn gần hơn. Hạ Huyền 2 là không gian âm nhạc của giọng ca Giang Trang hòa điệu cùng tiếng guitar của Thanh Phương, tiếng đàn tranh của Văn Mai, tiếng flute của Thư Hương và tiếng piano của Trọng Kiều. Nghe Hạ Huyền 2 người ta thấy được sự tinh khôi, an nhiên trong nhạc Trịnh.

Giang-Trang
Giang Trang trong đêm nhạc Hạ Huyền 2 - Ảnh: NVCC
*Chị bước lên sân khấu chuyên nghiệp với âm nhạc của Trịnh Công Sơn khi đã 30 tuổi. Điều đó là sớm hay muộn, với chị?

Đó là cái duyên tình cờ của tôi. Tôi được gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất khi theo chân chị gái đến trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội. Hôm ấy, trên sân khấu, ông cầm cây đàn guitar và hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Tôi hỏi chị vị nhạc sĩ kia là ai và lúc đó mới biết ông là Trịnh Công Sơn. Năm 2001, một người bạn ở quán Nhạc Tranh muốn đêm nhạc kỷ niệm nhân 100 ngày mất của ông đã mời tôi tham gia. Tôi hát 2 - 3 bài của ông. Sau đó, người bạn ấy muốn tôi hát nhạc Trịnh ở quán anh nhiều hơn. Thế là thành nếp, cứ đến tối thứ 4 tôi lại đến quán hát nhạc Trịnh cho moi người nghe.

Quán Nhạc Tranh không còn nữa, còn tôi lập gia đình, sinh con, bận rộn với công việc tại quỹ đầu tư tài chính, không còn đi hát nữa. Tôi có cuộc sống vật chất ổn định với công việc, có giai đoạn tôi chán nản vì không còn nhận ra mình nữa, tôi muốn được hát trở lại. Tôi vào phòng thu hát nhạc Trịnh cùng một cây guitar và gửi tới Trung tâm Văn hóa Pháp bản thu âm và chia sẻ ý tưởng của tôi về một cuộc chơi nghiêm túc với nhạc Trịnh. Lênh đênh nhớ phố được bắt đầu sau đó.

*Chị tìm đến nhạc Trịnh vì muốn tìm sự đồng vọng trong tâm hồn và cũng bởi âm nhạc của ông mang nhiều tính thiền?

Tôi dành nhiều thời gian để đọc ca từ của ông như đọc sách của một vị triết gia để nhận ra một tư tưởng lớn. Nhưng để hiểu hết về tinh thần của Trịnh Công Sơn, tôi cũng như người Việt chưa ai có thể hiểu hết được. Hành trình của tôi với âm nhạc của Trịnh Công Sơn là mỗi một cuộc chơi là một lần được chạm gần hơn vào đời sống tinh thần trong ca khúc của ông. Với linh cảm riêng của mình, tôi thấy âm nhạc của ông có thiên về thân phận người đàn bà trong xã hội, họ mang vẻ đẹp mong manh. Cái đẹp cũng thường là mỏng manh như thế. Bản thân ta trong hành trình sống cần phải yên tĩnh, lắng nghe nhiều hơn để gạn cái đẹp trong cuộc sống.

Giang-Trang
Giang Trang và những cuộc chơi với nhạc Trịnh - Ảnh: NVCC
*Hát nhạc Trịnh cần sự chân thành, nhưng sự chân thành lại cũng rất mong manh trong cuộc sống. Chị sẽ làm gì để giữ sự chân thành với nhạc Trịnh?

Mình phải thật nhất với lòng mình. Khi hát ở Nhạc Tranh, tôi đã không biết cách làm mình màu mè, bảo tôi diễn tôi cũng không diễn được. Tôi muốn được chia sẻ những cảm nhận rất thật về âm nhạc của ông, mà phải đi một hành trình mới có thể hiểu chân dung âm nhạc của vị nhạc sĩ ấy. Trong cuộc đời hay chính nhạc Trịnh, cái vui luôn đi cùng cái buồn, có cả bản năng tốt đi cùng bản năng xấu. Những ca từ của ông luôn hướng đến cái đẹp, nhưng không có nghĩa phủ định hoặc lên gân lên cốt với những cái xấu. Chẳng hạn, như trong tình yêu, chúng ta không cho chấp nhận sự phản bội trong tình yêu thì ông chấp nhận. Người bao dung lắm, nhiều tình yêu với đời sống lắm mới hướng đến được thái độ sống như thế.

*Chị nghĩ sẽ mình sẽ đi đến đâu trong hành trình với âm nhạc Trịnh Công Sơn?

Bản thân tôi khi đến với cuộc chơi này là chơi với chính tôi đầu tiên, tôi có tính rất quyết liệt trong cuộc sống là thích điều gì là muốn tìm hiểu một cách sâu sắc và tôi muốn thử nghiệm những suy nghĩ của mình thể thỏa mãn cá nhân mình. Tôi nghĩ một sản phẩm âm nhạc, một chương trình hay một đĩa CD thì sẽ có đường đi và số phận của riêng nó.

Còn với tôi, trên hành trình dài của nhạc Trịnh mà tôi đang coi đó là đường đi của mình, tôi muốn để lại vết chân trên đó bằng những cuộc chơi. Tôi muốn chơi cuộc chơi bằng tất cả sự lao động trí óc, cùng sử may rủi của cuộc đời và cả sự tập luyện bình thản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.