Người đưa Singapore lên “Thế giới thứ nhất” - Kỳ 6: Làm bạn với lợi ích

29/03/2015 07:00 GMT+7

Bất chấp quá khứ hay khác biệt ý thức hệ, vào một thời điểm nào đó, nước nào có thể mang lại lợi ích cho Singapore là ông Lý Quang Diệu hướng đến.

Bất chấp quá khứ hay khác biệt ý thức hệ, vào một thời điểm nào đó, nước nào có thể mang lại lợi ích cho Singapore là ông Lý Quang Diệu hướng đến.
Cũng như nhiều nước châu Á khác, Singapore trải qua hơn 3 năm rưỡi đen tối dưới sự chiếm đóng của quân đội Nhật hoàng, từ ngày 15.2.1942. Hàng chục ngàn người Singapore gốc Hoa đã bỏ mạng, đặc biệt là trong cuộc thảm sát kéo dài từ 18.2 - 4.3.1942. Bản thân ông Lý khi ấy đã bị cuộc chiếm đóng dập tắt ước mơ giành học bổng Nữ hoàng để du học Anh quốc và suýt chết dưới họng súng của lính Nhật, ông kể trong hồi ký Câu chuyện Singapore: 1923 - 1965.
Nhưng, vào giữa thập niên 1965, khi Singapore đối mặt nghiêm trọng với nạn thất nghiệp làm xã hội rối ren, ông Lý đã nhìn nhận chính trong giai đoạn bị Nhật chiếm đóng Singapore lại khá trật tự, nạn trộm cắp không hề xảy ra, người dân có thể ngủ mà không cần đóng cửa. Mặt khác, sự trỗi dậy và phát triển thần kỳ của kinh tế Nhật Bản sau Thế chiến 2 đã thôi thúc ông Lý tìm đến Tokyo.
Giảng viên John Curtis Perry dạy lịch sử ngành hàng hải tại Trường Luật và ngoại giao Fletcher của Đại học Tufts (Mỹ) viết trên tờ Wall Street Journal ngay sau khi ông Lý qua đời: “Singapore dưới thời Lý Quang Diệu đã bỏ qua những ký ức cay đắng trong quá khứ để hướng tới những lợi ích tốt đẹp hơn trong hiện tại... Ông Lý đã tìm đến Nhật Bản để tìm hỗ trợ cho ngành đóng tàu và điện tử, và đã thành công trong việc thu hút đầu tư từ nước này để tạo ra nền kinh tế chế tạo có nhiều việc làm”.
“Bình thường hóa” với Bắc Kinh
Trong hồi ký Câu chuyện Singapore: 1965 - 2000, ông Lý viết: “Mối quan hệ Singapore - Trung Quốc rất dài, phức tạp và không bình đẳng”, và ông đã từng không phản hồi thư mời thăm Bắc Kinh của Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1975. Cựu phóng viên chiến trường người Singapore Chin Kah Chong nói với Thanh Niên ông Lý đã 4 lần từ chối các lời mời của Chu Ân Lai trước khi quyết định thăm Bắc Kinh tháng 5.1976, khi biết ông Chu bệnh rất nặng. Chuyến thăm đó chẳng mấy vui vẻ, theo lời kể của cô con gái Lý Vỹ Linh tháp tùng cha trên tờ Straits Times năm 2010.
Tuy nhiên, sau khi gặp ông Đặng Tiểu Bình trong cương vị Phó thủ tướng Trung Quốc thăm Singapore vào tháng 11.1978, thái độ của ông Lý đổi khác khi nhận ra ông Đặng là người có tư tưởng cải cách. Cùng 1978, ông Lý mở cuộc vận động người dân Singapore nói tiếng Hoa phổ thông (Mandarin) thay vì dùng cả 7 phương ngữ khác nhau của miền nam Trung Quốc. Mandarin được dạy trong nhà trường với tư cách là “tiếng mẹ đẻ đầu tiên” (bên cạnh tiếng Anh là ngôn ngữ hành chính), thay vì chỉ là “ngôn ngữ thứ hai” như hồi 1965. Các cháu nội của ông Lý sinh vào thập niên 1980 về sau đều mang họ “Li” (phiên âm theo Mandarin) thay vì “Lee” (phiên âm Phúc Kiến) như ông, các con ông và các thế hệ trước. Thật ra, việc mở cửa nền kinh tế dưới thời Đặng Tiểu Bình mở ra nhiều cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp Singapore tại Trung Quốc, “đã tạo nên sự thay đổi quyết định trong thái độ của người Hoa Singapore trong việc học Mandarin”, ông Lý lý giải.
Sau chuyến thăm của ông Đặng, các tập đoàn kinh tế lớn của Singapore lần lượt đến Trung Quốc. Nhiều khu công nghiệp, khu đô thị mang thương hiệu Singapore mọc lên ở khắp Hoa lục. Thương mại song phương cũng tăng ngoạn mục. Theo số liệu của Cục Doanh nghiệp quốc tế Singapore (IE), năm 2013 Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore với kim ngạch song phương đạt khoảng 90 tỉ USD, trong khi Singapore là quốc gia đầu tư lớn nhất ở Trung Quốc với tổng vốn 7,23 tỉ USD.
Đối tác chiến lược với Hà Nội
Cựu nhà báo Chin Kah Chong cũng hồi tưởng với Thanh Niên một giai đoạn không mấy hài hòa trong quan hệ giữa Singapore với VN cho tới cuối thập niên 1980. Hồi ký của ông Lý Quang Diệu cũng nhắc đến điều này. Nhưng quan hệ hai nước hoàn toàn thay đổi sau khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Singapore vào tháng 11.1991. Ông Lý đáp lại bằng chuyến thăm VN vào tháng 4.1992, và liên tục trở lại vào tháng 11.1993, 3.1995, và 11.1997... Đối lại, các lãnh đạo VN cũng liên tục thăm Singapore, như Tổng bí thư Đỗ Mười (10.1993), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5.1994), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (9.1995), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (4.1998)...
Chỉ 1 năm sau chuyến thăm đầu tiên của ông Lý, “trong năm 1992, Singapore là bạn hàng buôn bán lớn nhất của VN với tổng khối lượng hàng hóa lên đến 1,4 tỉ USD”, Báo Thanh Niên đưa tin ngày 18.11.1993 nhân chuyến thăm VN lần thứ hai của ông Lý Quang Diệu. Rồi 5 khu công nghiệp VN - Singapore (VSIP) lần lượt ra đời trên dải đất hình chữ S. Hợp tác song phương trên nhiều mặt qua một thập niên đã đưa hai nước đến quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 9.2013. Tính đến tháng 6.2014, Singapore là nước đầu tư lớn thứ 3 ở VN với tổng vốn 30,5 tỉ USD, thương mại song phương năm 2013 đạt 13,9 tỉ USD.
Nhận định về chính sách ngoại giao “thực tiễn và thực dụng” mà ông Lý chủ trương, ông Chin nói: “Lý Quang Diệu không tôn thờ chủ nghĩa nào, không ngả hẳn theo bên nào. Vào một thời điểm nào đó, nước nào có thể mang lại lợi ích cho Singapore là ông ấy hướng đến thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.