Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 5: Kiến thiết 'ốc đảo' sạch và xanh

28/03/2015 07:02 GMT+7

Chỉ trong 30 năm, Singapore lột xác thành một 'ốc đảo' thịnh vượng hàng đầu thế giới, nơi người dân sống trong an toàn, sạch và xanh theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Chỉ trong 30 năm, Singapore lột xác thành một “ốc đảo” thịnh vượng hàng đầu thế giới, nơi người dân sống trong an toàn, sạch và xanh theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

>> Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 4: Tiến lên kinh tế kỹ thuật cao
>> Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 3: Trải thảm đãi người tài

>> Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 2: Bảo vệ nền cộng hòa non trẻ
>> Người đưa Singapore lên 'Thế giới thứ nhất' - Kỳ 1: Khát vọng tuổi trẻ

Người dân Singapore trả lại dù miễn phí, vốn được chính quyền bố trí cho những người xếp hàng chờ vào viếng ông Lý Quang Diệu - Ảnh: AFP
Người dân Singapore trả lại dù miễn phí, vốn được chính quyền bố trí cho những người xếp hàng
chờ vào viếng ông Lý Quang Diệu - Ảnh: AFP
Những năm đầu thập niên 1960, “bộ mặt con người đằng sau những con số thất nghiệp” của xã hội Singapore - như cách ông Lý Quang Diệu nói - thật thảm hại. Hàng ngàn người xếp hàng tại các cuộc tiếp dân của các bộ trưởng, nghị sĩ quốc hội để xin việc làm. Nạn taxi dù, buôn bán vỉa hè tràn lan khiến đường phố hôi hám, lộn xộn, mất an ninh, đặc biệt là sau 2 cuộc bạo động năm 1964 trong thời gian Singapore sáp nhập vào Malaysia.
Sau khi tuyên bố độc lập năm 1965, ông Lý quyết tâm xóa sổ tình trạng này và biến Singapore thành một “ốc đảo Thế giới thứ nhất” để thu hút đầu tư cho một nền kinh tế kỹ thuật cao thịnh vượng. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất chẳng có gì khó, nhưng xây dựng kỷ cương, trật tự xã hội và cải tạo những tập quán của người dân thuộc thế giới thứ ba gian nan gấp ngàn lần, ông nói.
Ai cũng có nhà
Việc đầu tiên Lý Quang Diệu nghĩ đến là làm sao “mỗi gia đình sở hữu được một căn nhà, thì đất nước sẽ ổn định hơn”. Ông triển khai mục tiêu này thông qua Cục Phát triển nhà ở (HDB) và Quỹ lương hưu (CPF). CPF ra đời năm 1955 với mục tiêu tích lũy lương cho tuổi già với mức đóng 5% lương tháng của người lao động và 5% từ người sử dụng lao động, và được rút ở tuổi 55.
Năm 1968, ông Lý cho tăng tỷ lệ lương đóng CPF theo mức tăng tiền lương và tăng trưởng kinh tế, có lúc lên đến 50% lương, đồng thời cho phép người lao động dùng CPF để trả 20% tiền phải đóng mua nhà HDB ban đầu và trả nợ tiền nhà hằng tháng trong 20 năm. Về sau, CPF còn được dùng cho trả viện phí, đầu tư chứng khoán... Việc tăng mức đóng CPF hoàn toàn không dễ chịu đối với người lao động nhưng nhờ đó mà nhiều người mua được nhà, trong khi chính phủ hạn chế được lạm phát đồng thời dùng nguồn này để đầu tư hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thay vì đi vay nước ngoài.
Việc đưa người dân quen sống trong những căn nhà lá có vườn tược vào những khu chung cư HDB là một câu chuyện gian nan dài tập ở giai đoạn đầu. Về sau, đáp ứng đúng hạn nhu cầu mua nhà HDB trong bối cảnh vật liệu, nhân công tăng giá lại là bài toán đau đầu khác. Nhưng đến năm 1996, Singapore có 725.000 căn hộ HDB. Theo thống kê của Quỹ tài chính nhà ở quốc tế năm 2012, Singapore là quốc gia có tỷ lệ sở hữu nhà ở cao nhất trong số các nước phát triển, trên 90%.
Bên đó, Singapore cũng lập các quỹ phù hợp đối với mỗi đối tượng thu nhập như Medisave, MediShield, và MediFund để đảm bảo mọi người đều được chăm sóc khi ốm đau. Tuy nhiên, Singapore không chọn đi theo mô hình bảo hiểm y tế 100% mà buộc bệnh nhân phải cùng chi trả (khoảng 2%) chi phí khám chữa bệnh, để tránh lạm dụng. Ông Lý quan niệm rất thực dụng: “Hệ thống phúc lợi xã hội như phương Tây khiến người dân mất đi tính tự lập”.
Người cười cuối cùng
Chiến lược biến hòn đảo khô khan thành một “thành phố công viên” được ông Lý ấp ủ từ rất sớm và vận động người người trồng cây xanh, trong đó ông là người tích cực nhất. Ông trồng cây ở mọi ngóc ngách dân cư mỗi dịp đến thăm và yêu cầu các bộ trưởng, nghị viên chấp hành theo.
Còn cái “sạch” đầu tiên mà ông Lý Quang Diệu thực hiện là xây dựng một chính quyền sạch tham nhũng bởi ông đã thấy tệ nạn này phá hoại các nước láng giềng ra sao. Từ năm 1960, khi còn là một thực thể tự trị dưới sự bảo hộ của Anh, ông Lý đã cho sửa đổi luật chống tham nhũng, cho phép Văn phòng Điều tra tham nhũng (CPIB) có thể điều tra cả bộ trưởng lẫn thủ tướng. Chưa hết, luật mới còn cho phép coi việc quan chức sở hữu tài sản hay chi tiêu xa hoa quá mức thu nhập là bằng chứng tham nhũng gián tiếp. Và để không đẩy người nhà nước vào con đường tham nhũng, ông Lý áp dụng chính sách trả lương cao cho khu vực công, ngang ngửa với thu nhập họ có thể kiếm được ở khu vực tư nhân.
Để thiết lập trật tự xã hội, ông Lý bãi bỏ hệ thống xử án giết người bằng một nhóm bồi thẩm đoàn, vốn dễ dãi và hầu như “tha bổng 99%” do sợ “quả báo”. Ông tái áp dụng luật đánh roi với các tội hiếp dâm, ma túy, mang vũ khí trái phép, phá hoại tài sản công... bởi ông tin “đánh roi có tác dụng răn đe hơn án tù dài hạn”. Ông cấm đốt pháo, cấm hút thuốc nơi công cộng từ năm 1971...
Nhờ những biện pháp này mà Viện Phát triển quản lý thế giới năm 1997 đã xếp Singapore số 1 về trật tự an ninh bởi “ở đây con người hoàn toàn có thể an tâm về tính mạng và tài sản của họ”.
Trong hồi ký của mình, ông Lý cũng nói rằng báo chí phương Tây không có gì để đưa tin về Singapore nên thường lấy những biện pháp khắt khe của nước này ra làm trò cười. “Nhưng tôi tin rằng Singapore mới là người cười cuối cùng”, ông viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.