Ngơ ngác Cánh diều vàng !

19/03/2006 23:12 GMT+7

* Khán giả chưa biết mặt mũi phim thế nào... * Ý kiến bạn đọc: Phim phải được chiếu rộng rãi trong công chúng Trong 12 phim truyện nhựa tham gia tranh giải Cánh diều vàng lần thứ 4, có đến hơn một nửa chưa hề công chiếu tại rạp. Tỷ lệ này còn lớn hơn rất nhiều ở các thể loại khác như phim truyền hình dài tập, truyền hình ngắn tập, phim tài liệu, phim hoạt hình... Ngay trong "ngôi nhà" điện ảnh Việt Nam với hơn 500 nghệ sĩ là hội viên Hội Điện ảnh Việt Nam, số người trả lời "chưa xem" cũng phải lên đến hàng trăm. Vậy nên, khi tôn vinh giải thưởng Cánh diều vàng, người trong nhà còn "ngơ ngác" bởi có phim lần đầu tiên mới được nghe tên, trách chi hàng triệu công chúng còn "ngơ ngác" hơn mấy lần !

Vậy là diều mới bay ngơ ngác trong ngôi nhà điện ảnh Việt Nam, chứ chưa ra được trời cao đất rộng, chưa có cơ hội biết được nắng gió cuộc đời, biết được tình cảm của đông đảo công chúng dành cho mình là thế nào, ngoại trừ 2 phim được công chiếu rộng rãi với một chiến dịch tiếp thị chuyên nghiệp của giới tư nhân làm điện ảnh là Đẻ mướn và 2 trong 1. Những bất cập này, chính lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam cũng biết nhưng cũng đang lúng túng tìm cách giải quyết. Một năm, riêng phim truyện nhựa, Nhà nước và tư nhân sản xuất được 17 phim, trong đó không ít phim vừa qua được "cửa" duyệt của Cục Điện ảnh thì đã chuyển ngay sang Hội Điện ảnh để tham dự giải như Hải quỳ, Đi trong giấc ngủ, Chuyện của Pao, Có một chuyến đi... Vậy nếu loại hết những phim chưa "cọ xát" với công chúng thì con số tham dự còn lại cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả Chuyện của Pao, theo kế hoạch đến cuối tháng 4 này mới được trình chiếu tại Hà Nội. Những phim có tiến độ sản xuất chậm đã là một lẽ nhưng ngay cả những phim đã "nguội" như: Giải phóng Sài Gòn, Đường thư, Cầu ông Tượng... thì cũng chẳng có một chiến dịch "hâm nóng" cụ thể trước những ngày tranh giải. Điều đó đâu chỉ đơn thuần là do thiếu tiền, thiếu kinh phí thực hiện.

Nhìn sâu xa, chính từ lý do trên nên lễ trao giải Cánh diều vàng vừa diễn ra, dù được chuẩn bị công phu đến đâu cũng không thể nào hấp dẫn như mong muốn đối với đại đa số khán giả và giới nghệ sĩ điện ảnh.


Đỗ Hải Yến, giải Nữ diễn viên chính xuất sắc trong Chuyện của Pao -  ảnh: Trần Hùng

Kịch bản buổi lễ vừa thừa vừa thiếu, đều đều và dàn trải. Có quá nhiều bài hát cắt vụn chương trình, quá nhiều những lời cảm ơn dài dòng, khuôn mẫu của các nghệ sĩ. Lại thiếu những đề cử cho các giải âm nhạc, âm thanh, thiết kế mỹ thuật của phim truyện nhựa. Đơn giản chỉ là xướng tên và trao giải. Trong khi đó, nếu hiểu tường tận thì trong một đoàn làm phim, 3 thành phần quan trọng nhất làm nên sự thành công của bộ phim chính là đạo diễn, quay phim và họa sĩ thiết kế. Diễn viên trong phim, khi cần có thể đổi, nhưng đạo diễn, quay phim, họa sĩ mà không ăn ý với nhau, không cùng dốc hết tâm lực bàn bạc với nhau thì phim chưa quay, khả năng "đổ" là rất lớn. Những người thực hiện kịch bản buổi lễ dường như chỉ cho rằng đây là những giải không quan trọng của phim nên không cần đề cử. Có lẽ chính vì vậy mà nhạc sĩ Trọng Đài, người được giải âm nhạc phim truyện nhựa xuất sắc nhất lại không có mặt mà Ban tổ chức cũng không hề biết trước.

"Ai cũng tôn trọng sự thẩm định có tính nghề nghiệp của Ban giám khảo. Nhưng nếu chỉ là sự tôn vinh nghề nghiệp đơn thuần thì không nhất thiết phải tổ chức hoành tráng đến thế. Còn nếu đã là sự kiện văn hóa được đông đảo công chúng quan tâm thì công chúng phải được biết phim đó là phim gì, hay dở thế nào. Hãy nhìn sang giải Sao Mai xem, khán giả biết mặt, nhớ tên, nhớ từng bài hát mà các ca sĩ đã thể hiện. Sự thẩm định khi ấy là của hàng triệu khán giả".
Còn với những trích đoạn đề cử phim truyện nhựa, thấy rõ sự vội vàng, cẩu thả của những người thực hiện. Sự lặp đi lặp lại chỉ một trích đoạn trong phim cho dù đó là đề cử cho đạo diễn, diễn viên hay quay phim. Phần khác, có lẽ vì không xem phim cũng như không có ai làm cố vấn nội dung cho phim thật đầy đủ, thật tốt nên những lời bình cho các phim đề cử vừa hời hợt, vừa thiếu thông tin.

Vì nhiều lý do chủ quan, lễ trao giải Cánh diều vàng lần thứ 4 đã không thực sự ấn tượng, đủ độ "nóng" cần thiết cho một nền điện ảnh Việt Nam đang chậm chạp chuyển mình. Một Cánh diều vàng đã dần tạo được thương hiệu trong 4 năm qua có lẽ cần phải tự ý thức "làm mới mình" hơn nữa để những năm sau sẽ không còn những cánh diều ngơ ngác trong cả giới nghệ sĩ điện ảnh và đông đảo công chúng. Hai giải thưởng: một cho phim xuất sắc nhất do khán giả bình chọn, một cho phim xuất sắc nhất do chính hơn 500 hội viên Hội Điện ảnh bỏ phiếu bình chọn, đó chính là những gợi ý tốt để những cánh diều vàng thực sự được xã hội hóa, được đông đảo công chúng "tâm phục, khẩu phục".

Khán giả chưa biết mặt mũi phim thế nào...

Đạo diễn NSƯT Đào Bá Sơn: “Vấn đề ở đây là điều  lệ của giải. Theo cá nhân tôi, ban tổ chức nên có một giải thưởng của khán giả hằng năm. Có thể tổ chức cho khán giả bầu chọn bằng nhiều cách. Một trong những cách đó là trong những ngày diễn ra liên hoan phim hay giải thưởng, ban tổ chức sẽ cho chiếu tất cả các phim tại các rạp, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng cho khán giả biết và đến xem. Khi khán giả đến xem sẽ nhận được phiếu bình chọn phim mà họ thích nhất. Ban tổ chức sẽ kiểm phiếu công khai dưới sự giám sát của báo chí. Ở nước ta có ít phim được sản xuất, nên không cần số lượng giám khảo vài ngàn người như giải Oscar. Nhưng nếu ban giám khảo chỉ 5-7 vị như hiện nay thì tôi e rằng kết quả sẽ khó thuyết phục. Hơn nữa, thành phần ban giám khảo cũng cần được xem xét kỹ lưỡng. Theo tôi, ban tổ chức nên chọn những người mà sự đóng góp cho điện ảnh của họ đủ sức để tạo độ tin cậy về mặt chuyên môn. Tôi thiết nghĩ, Hội Điện ảnh nên xem xét lại rõ ràng hơn về cách thức tổ chức giải, các điều lệ cụ thể, thành phần ban giám khảo”.

Nghệ sĩ Thành Lộc: “Tôi cảm thấy có điều bất ổn trong thể lệ chọn giải. Ban giám khảo, ban tổ chức muốn chọn giải thưởng phim hay nhất của năm mà phim lại chưa được chiếu cho khán giả xem, chưa được sự kiểm chứng của công chúng là không đúng. Giải thưởng trong năm tức là thành tựu trong năm. Gọi là thành tựu nhưng khán giả chưa biết mặt mũi phim thế nào. Cũng giống như một em bé còn trong bụng mẹ, anh có thể nói với mọi người là con tôi đẹp lắm được không? Một điều khó chịu nữa là việc đọc nhầm tên nhà sản xuất. Phim 2 trong 1  là của hãng Thiên Ngân nhưng lại bị đọc nhầm của hãng Phước Sang đến vài lần. Điều đó chứng tỏ sự luộm thuộm và không tôn trọng các đoàn làm phim của ban tổ chức. Giải thưởng năm nay cũng không có chuyển động gì mới mẻ, dòng phim của Nhà nước (những phim chưa trình chiếu) vẫn chiếm thế thượng phong trong việc được trao giải. Phim tư nhân vẫn chưa được thừa nhận đúng vai trò của nó”.

Vinh Nguyễn (ghi)

Ý kiến bạn đọc: Phim phải được chiếu rộng rãi trong công chúng

Tôi, một khán giả có dịp xem chương trình trao giải Cánh diều vàng vào tối 18.3, xem xong lòng cứ trĩu nặng. Về Cánh diều vàng phim truyện nhựa trao cho Chuyện của Pao, tôi không dám bàn về nội dung vì tôn trọng quyết định của ban giám khảo. Nhưng nghĩ cũng lạ, chắc cũng chỉ ở xứ sở quen với sự "xin-cho" thông tin nên quý vị trong giới điện ảnh cứ điềm nhiên sản xuất, ngồi xem, chấm giải cho nhau, cho những bộ phim mà  dân đen như chúng tôi chẳng hề được quyền biết, quyền xem trước ngày phim vào tranh giải!

Chính vì thế, tôi chỉ còn trông mong vào giới báo chí, vào cầu nối thông tin. Lần đầu tiên, trong cơ cấu lễ trao giải Cánh diều vàng có thêm giải của báo chí dành cho phim truyện nhựa hay nhất trong năm. Tôi xin nói rõ hơn vì sao tôi đặt hy vọng vào báo chí. Nếu như những giải này nọ thuộc về thẩm quyền của giới chuyên môn, có thể xa cách với khán giả, nhưng ở giải của báo chí - dưới cái nhìn của nhà báo thì ắt phải là "đo" được hiệu quả phim đi vào khán giả ra sao để cân nhắc về giải thưởng...

Lần này, giới báo chí bình chọn phim Sống trong sợ hãi. Tôi cũng xin không lạm bàn về giá trị  của tác phẩm. Bộ phim cũng chỉ chiếu ra mắt chớp nhoáng mà thôi. Tôi chưng hửng. Lẽ ra, giới báo chí phải chọn lựa trong số những phim công chiếu rộng rãi dành cho công chúng. 

Tôi, một khán giả, mong muốn xiết bao sự xuất hiện một giải thưởng mà tiêu chí hàng đầu là phim phải được khán giả xem trong năm, trước thời điểm công bố kết quả. Giải như thế, ấm lòng biết mấy đối với khán giả!

Huỳnh Phúc Hải (TP.HCM)

Không giống ai!

Giải thưởng Cánh diều vàng, thành thật mà nói, là giải không giống ai! Ở thế giới, hình thức liên hoan phim như Cannes kéo dài trong một thời gian nhất định, ở đó chấp nhận sự có mặt của những bộ phim lần đầu trình làng (nhưng sẽ được trình chiếu rộng rãi cho khán giả trong thời gian diễn ra liên hoan, chứ không khoanh lại chỉ trong ban giám khảo). Cánh diều vàng Việt Nam không thuộc dạng liên hoan (vì  không đưa phim ra chiếu cho công chúng trong thời gian chấm thi), dù vậy vẫn cho phép những phim mới xuất xưởng (chưa hề có ai xem trước thời điểm diễn ra chấm thi) tham gia, như lần này có phim Chuyện của Pao, Dưới cờ đại nghĩa. Ở thế giới, còn có một hình thức tranh tài khác nữa, đó là chấm giải như Oscar - các phim tranh giải  đều phải bắt buộc trình chiếu cho công chúng xem một thời gian nào đó trong năm. Cánh diều vàng Việt Nam có theo kiểu chấm như Oscar? Lại càng không giống! Vì có những phim trước ngày 18.3.2006 có tìm đỏ con mắt thì cũng không tài nào xem được!

Dĩ nhiên, không vì giải Cánh diều vàng "không giống ai" mà các bộ phim Chuyện của Pao, Dưới cờ đại nghĩa bị ảnh hưởng chất lượng. Nhưng bản thân Cánh diều vàng chưa tạo được uy tín sâu rộng, trước hết là vì nó có một khoảng cách "lạ lùng" với công chúng. Ở các giải thưởng văn học nghệ thuật khác, giải định kỳ hằng năm, người ta xét đến những tác phẩm trong năm "sống" trong cộng đồng xã hội như thế nào bên cạnh việc đánh giá chất lượng. Thế thì, vì sao Cánh diều vàng tự tước mất diễm phúc được đưa phim sống trong xã hội, thay vì biểu diễn những màn "úp mở"?

Lê Việt

Phạm Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.