Nghệ sĩ mê...

11/02/2013 09:30 GMT+7

(TN Xuân) Thật thú vị khi biết thêm “cách chơi” cũng rất nghệ thuật của các nghệ sĩ, ngoài âm nhạc hay sau phim trường.

>> Ông Tây hát nhạc Trịnh" kể chuyện ăn tết Việt
>> Tết Việt trong mắt người nước ngoài: Thú vị, kỳ lạ!
>> Cùng Tây ăn Tết Việt
>> Ngày mùng 1 Tết đi lễ chùa làng
>> Ăn Tết theo kiểu “phủi”
>> Hỉ, nộ, ái, ố" với kịch tết
>> Ăn tết… Công Gô
>> Chợ Tết cuối năm ở Little Sài Gòn
>> Nhạc sĩ Miên Đức Thắng: "Không đâu bằng tết quê nhà
>> Sao Việt và sao châu Á tất bật chuẩn bị đón tết

Lê Quang mê đàn

 Nghệ sĩ mê...
Ảnh: nhân vật cung cấp

Một nhạc sĩ khác, người trông có vẻ phù hợp với thú vui mê rượu hơn (vì anh uống rất được) nhưng lại thích giải trí bằng “món” khác, không “nồng nàn” nhưng (nghe) lại cực kỳ lãng mạn: sưu tập đàn guitar, đó là Lê Quang. Do vài năm trở lại đây, anh “ít đi quá, chủ yếu làm giám khảo các cuộc thi âm nhạc và công việc chỉ đâu đó trong nước nên con số 64 trong bộ sưu tập đàn chưa thay đổi”, anh tâm sự.

Với Lê Quang, có thể ví những cây đàn như những mối tình vậy, bởi có chúng đã là một vấn đề, nhưng để giữ được “tình yêu” ấy càng khó hơn. Anh dành cả tầng lầu lưu giữ “tình yêu” của mình. Hiện nay, bên cạnh cây F-bass (5 dây) thường sử dụng, anh đặc biệt hứng thú với cây đàn tí hon De Armond Ashbory (dây silicon) được mua từ châu u - vì đấy có thể xem là hàng độc và là chiếc đàn anh chơi cho bài Tình em ngọn nến mà Mỹ Tâm hát 10 năm trước. Một cây khác, đắt nhất trong bộ sưu tập của anh - 12.000 USD, là Fodera, gỗ nu (rất hiếm và đắt), anh đặt ở Mỹ và phải chờ 3 năm mới sở hữu được nó.

Đức Trí mê vang

Nghệ sĩ mê... 2
Ảnh: nhân vật cung cấp

Dù không nhậu được (chỉ uống vài ly, chủ yếu là vang), nhạc sĩ Đức Trí vẫn có sở thích sưu tầm rượu. Anh không nhớ rõ từ khi nào mình thích - tìm hiểu - sưu tập loại thức uống có màu sắc và hương vị hấp dẫn này.

“Nói là sưu tầm nhưng tôi hứng thú với việc tìm hiểu hơn là uống. Nếu có uống thì cũng vừa đủ 2 ly/ngày, tốt cho sức khỏe thôi”, anh nói. Khác với nhiều người “chơi” rượu vang, mỗi lần đi nước ngoài, Đức Trí thường săn tìm những loại vang người ta chưa hoặc ít biết tới, thậm chí có người không thèm mua, chứ không chọn mua những chai đắt tiền. “Cũng có thể vì mình không nhiều tiền”, anh đùa. Nhưng “việc mang món đồ mới về và trải nghiệm cảm giác... thử lần đầu, vài tháng sau uống lần kế tiếp rồi tự đánh giá... trở thành cái thú, mà càng thú lại càng thích khám phá”.

Mỹ Linh mê cây

Nghệ sĩ mê...
Ảnh: samuel hoàng

Ca sĩ của Tóc ngắn thư giãn trong sở thích rất nữ tính: trồng hoa. Theo Mỹ Linh, hứng thú này bắt đầu từ khi gia đình chị chuyển ra Sóc Sơn. Thế là từ “vườn không”, đến nay chị có thể thưởng thức mùi hương, màu sắc của hàng chục loại hoa theo mùa, mà tất cả đều tự tay trồng, chăm bón, trừ 2 cây Osaka của nhạc sĩ Huy Tuấn và 2 cây cau ta của nhà hàng xóm tặng. Nào dạ hương, ngọc lan, quỳnh, lài, mộc, trà... để ngửi; đến chu đinh lan, lan Ý, hoa ban tím, loa kèn đỏ... để ngắm.

Mỗi sáng, chỉ cần mở tung các cửa sổ, “nhà mình cứ như được ướp hương hoa cỏ, thoang thoảng khắp các gian, rất dễ chịu”, chị nói. Đặc biệt, mỗi năm cứ vào khoảng 3 tháng trước tết, chị thường mua cây giống của hoa cúc, hồng, cẩm chướng, sao nhái về trồng để tết đến vừa tạo sắc màu rực rỡ cho khu vườn, vừa mang vào nhà chưng và cho vào chậu để làm quà biếu. Không chỉ vậy, để 20 gốc đào tươi tốt, nở hoa đúng ngày xuân, chị đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu cũng như học hỏi “bí kíp” của những chuyên gia chơi đào. Về thú vui tao nhã này, chị thổ lộ: “Cứ nghĩ đến việc chờ đợi một cái cây mình vun xới lớn lên, ra nụ, nở hoa... thì đúng là rất hay và ý nghĩa không gì bằng”.

Chánh Tín mê đá

Nghệ sĩ mê... 5
Ảnh: nhân vật cung cấp

Với các nghệ sĩ, thú chơi đá cảnh của Nguyễn Chánh Tín có lẽ thuộc dạng hiếm. Anh kể, từ hồi NSND Hồng Sến còn sống, anh hay đến nhà chơi và thấy ở đây có nhiều cổ vật bằng đá dưới suối, được sắp đặt rất hay, thế là bắt đầu quan tâm, học hỏi, nghiên cứu. Từ thử chơi thành đam mê lúc nào không hay. Chính công cuộc sưu tầm đá này đã “rủ rê” anh xây căn biệt thự bên cạnh dòng suối ở Madagui (Lâm Đồng), chỉ để... trưng bày. Riêng với ngôi nhà anh đang ở tại TP.HCM, đá nào có hình tượng đẹp, độc đáo anh mới mang về.

Chánh Tín cho biết, anh chỉ sưu tầm đá suối đen, tuổi trên 5.000 - 10.000 năm, và giữ nguyên hình dáng. “Thế mới quý, bởi nước chảy sau hàng trăm, ngàn năm mới tạo được những hình nét độc đáo, sống động và không thể nào lý giải được, từ hình đốm lửa, tia sáng, bàn chân, con vịt, hay thiếu nữ dưới trăng đến hình Phật bà, ông Địa...”, anh hào hứng khi nhắc về bộ sưu tập của mình.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.