Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 6: Bộ sưu tập ché cổ và những viên đá quý hơn vàng

01/05/2013 00:00 GMT+7

Bộ sưu tập mà hai nhà sưu tầm Phạm Hiền, Văn Đình Thành ở Tây nguyên đang sở hữu như một bảo tàng độc đáo về chiêng ché và công cụ thời đồ đá.

>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 5: “Gã khùng” thành Nam

Nói đến những cổ vật mà họ đang sở hữu, giới chơi đồ cổ ở Tây nguyên cũng như cả nước phải nể nang bởi số lượng phong phú lẫn giá trị lịch sử.

Nhiều ché quý nhất Tây nguyên

Ai bước chân đến nhà ông Phạm Hiền ở TP.Pleiku (Gia Lai) đều bất ngờ bởi kho cổ vật độc đáo. Đó là hàng chục loại đá cảnh, gỗ lũa quý mà nhiều người vẫn lùng mua với giá cao ngất ngưởng. Nhưng độc đáo nhất là bộ sưu tập ché cổ với hơn 100 cái, trong khi Bảo tàng tổng hợp Gia Lai chỉ mới sưu tầm được hơn 80 cái. Trong số này có những chiếc ché rất quý mà trong cộng đồng người bản địa vùng Tây nguyên hiện còn rất ít.

Bộ sưu tập đồ đá vô giá được ông Thành cất giữ cẩn thận
Bộ sưu tập đồ đá vô giá được ông Thành cất giữ cẩn thận - Ảnh: Trần Hiếu 

 

Những cổ vật này không giữ lại cho con cháu thì sau này không thể tìm được. Mình phải biết giá trị cũng như quý trọng từng cổ vật này bởi nó nói lên được rất nhiều điều về phong vị văn hóa bản địa

Nhà sưu tầm Phạm Hiền

Cách đây hơn chục năm, những nhà quản lý văn hóa ở Tây nguyên đau đầu với nạn chảy máu cổ vật khi hàng loạt chiêng, ché cổ, trống cổ… lần lượt rời khỏi các cộng đồng người bản địa thì ông Phạm Hiền đã dự tính trước điều đó. Ông nói rằng: “Những cổ vật này không giữ lại cho con cháu thì sau này không thể tìm được. Mình phải biết giá trị cũng như quý trọng từng cổ vật này bởi nó nói lên được rất nhiều điều về phong vị văn hóa bản địa”. Bởi vậy, hễ có người mách lối chỉ đường là ông lặn lội đến tận những buôn làng xa xôi để “rước” về, tránh rơi vào tay những người buôn cổ vật.

Với người bản địa Tây nguyên, chiếc ché là biểu tượng linh khí của từng cộng đồng làng. Vật thiêng này gắn với cuộc đời mỗi người từ khi sinh ra, bắt đầu bằng các nghi lễ, lễ hội và đến khi từ giã cõi đời. Ông Hiền kể, nhiều chiếc ché mà ông đang sở hữu, ngày trước phải đổi cả đàn bò 50 con. Từng chiếc ché cổ có niên đại hàng trăm năm như có linh hồn qua lời kiến giải say mê của ông.

Năm nay đã gần 70 tuổi, ông có niềm đam mê mãnh liệt với cổ vật bản địa khi sưu tầm ché cổ từ năm… 18 tuổi. Suốt chừng ấy năm gắn bó với ché cổ, buồn có, vui có và lắm khi rỗng túi nhưng ông bảo mình rất hạnh phúc khi sở hữu những chiếc ché cổ linh thiêng từ các cộng đồng làng này. Nhiều người sưu tầm đồ cổ ở trong nước lẫn nước ngoài tìm đến ông, trả giá rất cao cho những chiếc ché cổ nhưng ông đều từ chối. Hơn 100 chiếc ché của ông, mỗi chiếc là một câu chuyện độc đáo từ các cộng đồng làng có giá trị về văn hóa bản địa lẫn vật chất.

Mê đá hơn vàng

Còn ông Văn Đình Thành ở Kon Tum thì cũng đã có trên 20 năm sưu tầm các công cụ đồ đá với niên đại hàng ngàn năm. Thập niên 90 thế kỷ trước, ông Thành đang khai thác vàng sa khoáng ở làng Lung Leng, xã Sa Bình, H.Sa Thầy (Kon Tum) thì có người giúp việc vào báo cáo: chưa thấy vàng nhưng có một vài viên đá hình dáng lạ. Ông lật đật chạy ra xem thì thấy một vài viên đá tròn nhẵn, có một chiếc lỗ ở giữa trông lạ mắt. Ông bảo cứ đem tất cả vào lều, từ đó cái “nghiệp” sưu tầm đồ đá neo lại đến giờ. Ông nói: “Thôi thì nó đến với mình thì mình giữ lại”. Lung Leng chính là khu vực đồ đá lớn nhất Tây nguyên còn sót lại của người bản địa mà Viện Khảo cổ học Việt Nam sau đó mới khai quật (hiện khu vực này đã ngập trong lòng hồ thủy điện Ya Ly).

“Khi được thọ giáo từ PGS-TS Nguyễn Khắc Sử (Viện Khảo cổ học Việt Nam), tôi mới nhận ra rằng đây không phải là một cái thú đơn thuần nữa mà chính là tham gia vào công việc thu thập hiện vật thời kỳ đồ đá, là một ngành khoa học hẳn hoi, và từ đó mới cất công tìm hiểu kỹ về những món cổ vật mà tôi sở hữu. Người thân trong gia đình biết được như vậy, họ mới ủng hộ nhiệt tình…”, ông Thành cho hay.

Số cổ vật ông sưu tầm được từ hàng chục năm nay hiện cũng không nhỏ, lên tới gần 10.000 món. Toàn bộ đều bằng đá. Trong số này, nhiều cổ vật rất hiếm về số lượng cũng như giá trị ở Việt Nam hiện nay. Ông Thành cho biết: “Số cổ vật bằng đá của tôi có thể xác định được thời gian từ khoảng 3.000 đến 8.000 năm trước. Chúng chủ yếu là những công cụ dùng trong nông nghiệp như cuốc, mảnh tước..., hay dùng trong sinh hoạt, săn bắn. Tôi chỉ trưng bày trong gia đình được khoảng 2.000 cổ vật, số còn lại thì cất giữ vì không có không gian trưng bày”.

Bộ sưu tầm vô giá của ông Thành từ đó đến nay chỉ mới được trưng bày một lần cho công chúng thưởng lãm năm 2005 do Bảo tàng tỉnh Kon Tum tổ chức. Nhiều người sưu tầm đồ cổ, một số bảo tàng của Việt Nam đến hỏi nhượng lại cổ vật, ông đều lịch sự từ chối. Tâm nguyện của ông là muốn lập một bảo tàng tư nhân để trưng bày bài bản tất cả cổ vật mà ông đang sở hữu, giới thiệu rộng rãi với công chúng.

Trần Hiếu

>> Ngắm bộ sưu tập cổ vật phục vụ thú vui người xưa tại Huế
>> Chậm trục vớt, cổ vật “bốc hơi”
>> Ứng xử với cổ vật
>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 5: Những chiếc ấn mang dấu thời gian
>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 4: Nét hoa văn gợi nhớ một vương triều
>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 3: Chiếc ống sứ cổ và tình bạn vong niên
>> Kỳ thú cổ vật - Kỳ 2: Tượng 500 năm tuổi giữa đồng
>> Kỳ thú cổ vật - Tượng người châu Phi lõa thể ở Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.