Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 30: Người giữ tiếng tơ, cung đàn

27/05/2013 00:05 GMT+7

NSND Xuân Hoạch ôm cây đàn đáy trong lòng, gảy một điệu cổ nhạc. Tiếng đàn của ông vang lên trầm đục, tựa như tiếng người đang tâm tình, thủ thỉ. Tiếng đàn ấy là tiếng tơ!

Tìm lại tiếng tơ xưa

Đã từ lâu, người ta không còn biết đến tiếng tơ của cây đàn cổ truyền. Chỉ mãi sau này khi NSND Xuân Hoạch phục hồi, tiếng tơ mới lại ngân lên.

Người xưa chơi đàn bằng dây tơ, đến thời Pháp thuộc dây tơ không còn nữa, bị thay bằng dây ni lông. Tiếng đàn bằng dây ni lông nghe vang hơn nhưng chói gắt và nhất là nghe cứ là lạ, không gần gũi. Thuở sinh thời, nghệ nhân Đinh Khắc Ban mãi hoài nhớ về tiếng tơ năm xưa nhưng cũng đành lực bất tòng tâm. Khi ấy, cậu học trò Xuân Hoạch dù chỉ được biết tiếng tơ qua những lời kể của thầy đã nuôi ý định tìm lại cho kỳ được.

Nhưng, hành trình đi tìm tiếng tơ cứ long đong mãi, ông tìm về Vạn Phúc nhưng không ai còn nhớ cách xe tơ dây đàn. Đã có lúc ông cảm thấy việc tìm dây tơ là vô vọng. Cho đến khi một người bạn từ Pháp trở về nói với Xuân Hoạch: “Tôi có tơ rồi, anh có xe được dây tơ không?”, ông như được khích lệ: “Tôi sẽ thử”.

 

Đàn bầu trong gánh xẩm xưa trông khác với đàn bầu bây giờ lắm. Nếu không phục dựng lại chắc người ta sẽ không còn biết đến đàn bầu xưa trông thế nào

NSND Xuân Hoạch

 Tơ làm dây đàn phải là tơ sống vừa kéo từ con tằm, vẫn còn nằm trong kén và còn lớp nhựa dính. Nhờ lớp nhựa này, dây tơ xe xong mới cuộn lại, bện vào với nhau. Có tơ rồi, NSND Xuân Hoạch tự dựng khung xe tơ. Ông vừa xe vừa tính, xe mỏng quá thì không thành tiếng, mà xe dày quá cũng mất hay, phải tính bao nhiêu sợi tơ nhỏ, mỏng manh chặp lại mới được một dây tơ. Vừa xe được một đoạn dây tơ mới, Xuân Hoạch lại thử lắp ngay vào đàn. Cả năm trời bền bỉ, ông mới tìm được độ dày thích hợp cho dây tơ. Trước ngày cuối cùng thử dây tơ cho đàn, cả đêm ông không thể chợp mắt. Bữa đó, nghệ nhân Kim Đức đến tận nhà ông để được nghe thử tiếng đàn. Tất thảy mọi người có mặt đều nín lặng dõi theo, rồi vỡ òa khi cụ run run nhận ra: “Đúng rồi. Đúng rồi. Đúng tiếng tơ đây rồi!”.

Dây tơ mỏng nên dễ đứt, chỉ chơi được một bản nhạc đã phải thay dây mới. Sau này, NSND Xuân Hoạch nghĩ ra cách bôi sáp ong lên dây tơ tăng độ dai. Một bộ dây tơ giờ đã chơi được 5-7 bản nhạc. Dù xe tơ có kỳ công, người chơi cũng vất vả hơn, phải chăm chú, tinh tế hơn, nhưng tiếng tơ lại đáp thỏa tất cả. Tiếng tơ như tiếng người, người buồn, người vui, người khóc, người cười. Và chỉ có người hiểu tiếng đàn như tiếng lòng mình mới có thể tìm lại được tiếng tơ!

Cung đàn xưa và nay

Trước khi đi xa, người thầy Đinh Khắc Ban để lại cho cậu học trò Xuân Hoạch một cây đàn quý - vật gia bảo của nhà họ Đinh. Cụ thân sinh của nghệ nhân Đinh Khắc Ban cũng theo nghiệp kép đàn. Khi thấy Đinh Khắc Ban đã đủ lông đủ cánh, ông tặng con trai mình một cây đàn đáy. Thuở ấy, đàn không có sẵn, kép đàn thường tự mình hoặc thuê thợ làm đàn rất kỳ công. Mỗi phần của cây đàn lại làm bằng những loại gỗ khác nhau: trắc, mật, nghiến. Những miếng gỗ đã mua từ lâu, phải phơi nắng, gió, sương, mưa hàng tháng trời sau mới được dùng đóng đàn. Trước khi làm đàn, người ta còn làm lễ dựng đàn. Vì vậy, cây đàn vẫn được ví như linh hồn của người chơi đàn và mang đủ những tiếng hỉ nộ ái ố của trần ai. Nghệ nhân Đinh Khắc Ban đã cùng cây đàn đáy mà cha tặng đi khắp các giáo phường. Đến lúc cuối đời, ông muốn trao lại cây đàn cho người đủ tâm, đủ tài nối nghiệp mình, như người cha đã dựng cây đàn này tặng ông. Và người được tin tưởng gửi gắm là NSND Xuân Hoạch. Cây đàn đáy ấy đã “sống” với hai đời kép đàn, ngót nghét gần một thế kỷ. Các nhà nghiên cứu âm nhạc nhận định đây là cây đàn đáy cổ nhất Hà thành cho đến giờ.

 
NSND Xuân Hoạch cùng chiếc đàn đáy cổ của người thầy Đinh Khắc Ban - Ảnh: Ngọc an

NSND Xuân Hoạch còn đang giữ một cây đàn bầu cổ. Điều đặc biệt là nghệ sĩ đã phục dựng lại cây đàn cổ này, nhân lần được mời tham gia khôi phục loại hình nghệ xẩm. “Đàn bầu trong gánh xẩm xưa trông khác với đàn bầu bây giờ lắm. Nếu không phục dựng lại chắc người ta sẽ không còn biết đến đàn bầu xưa trông thế nào”, NSND Xuân Hoạch nói. Trong ảnh chụp một gia đình gánh xẩm đang hát ở chợ ngày trước, vẫn còn rõ hình dáng cây đàn bầu cổ. NSND Xuân Hoạch tìm thêm tư liệu, rồi tự loay hoay đóng, dựng đàn. Cần đàn dài và cao hơn, phù hợp với người chơi đàn khiếm thị. Hộp đàn bầu cổ to hơn hộp đàn bây giờ. Tiếng đàn kéo lên nghe vang và to hơn. Chẳng thế mà hồi xưa, gánh xẩm chỉ ngồi ở một góc, mà tiếng đàn cứ vang khắp cả chợ.

Nói NSND Xuân Hoạch hoài cổ, thích giữ và tìm lại tiếng đàn, cung đàn xưa, đúng nhưng vẫn là chưa đủ về ông. Ông là người thích mày mò, tạo ra những cây đàn với thanh âm khác lạ cho riêng mình. Đến nhà ông mới thấy ngỡ ngàng trước những cây đàn đủ loại hình dáng lạ mắt. Có cây đàn làm bằng vỏ dừa, có cây làm bằng vỏ bầu, cần đàn được làm bằng tre, khi bằng trúc... “Chú làm đàn để chơi thôi”, ông cười bảo. Nhưng cuộc chơi của ông xem ra cũng có nhiều điều thú vị. Ông cầm cây đàn được làm bằng gáo dừa, gảy vài tiếng nghe trầm khàn, nhưng lạ là tiếng đàn đi vào lòng người chẳng khác tiếng bầu, tiếng nhị. Chẳng biết, do ông làm đàn giỏi, hay cây đàn nào vào tay ông cũng phát ra những thứ âm thanh tuyệt diệu.

NSND Xuân Hoạch là người kiệm lời, có lẽ bao tâm sự, nỗi lòng ông đều gửi gắm qua tiếng đàn. Chẳng dám nhận mình là người có công giữ gìn vốn âm nhạc cổ truyền, ông chỉ nghĩ đơn giản mình đang làm công việc của người giữ tiếng tơ, cung đàn. Đôi bàn tay chai sần và biến dạng của ông vẫn miết trên những dây đàn, như hàng chục năm rồi chưa khi nào dứt ra được.

Minh Ngọc

>> Siri “trổ tài” đánh đàn piano
>> Dùng răng đánh đàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.