Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 29: Người lưu giữ “ký ức” Tây nguyên

25/05/2013 00:30 GMT+7

Hơn 30 năm say mê sưu tầm, một phụ nữ đã sở hữu hơn 3.000 hiện vật văn hóa các dân tộc Tây nguyên, trong đó có những sưu tập thuộc hàng kỷ lục.

“Giữ quá khứ cho tương lai”

Trong quán cà phê ấm cúng mang tên Tây nguyên điểm hẹn ở cuối đường Phạm Hồng Thái, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhiều vị khách không ngớt khen ngợi hương vị đậm đà của ly cà phê, nhưng còn trầm trồ, ngạc nhiên hơn khi tận mắt chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồ sộ những hiện vật văn hóa dân gian trưng bày nơi đây.

Chiếc ché “mẹ bồng con” quý hiếm
Chiếc ché “mẹ bồng con” quý hiếm - Ảnh: T.N.Q 

Chủ quán cà phê và là chủ nhân bộ sưu tập trên là chị Ngô Thị Kim Cúc. “Khó mà nhớ hết một lúc bao nhiêu loại hiện vật vì không đủ diện tích trưng bày, phải xếp nhiều lớp trong kho mấy năm rồi”, chị Cúc bảo. Chưa nói đến những thứ “cất trong kho”, chỉ riêng số hiện vật phong phú, đa dạng chưng bên ngoài cũng đã đem lại nhiều ấn tượng cho người xem. Đó là 130 chiếc trống cổ, nhiều chiếc đường kính gần 1 m, hơn 30 bộ chiêng quý còn nguyên vẹn của các dân tộc Êđê, Jrai, Xêđăng, M’nông…; hàng trăm chiếc ché rượu cổ, có chiếc dạng độc bản; cùng vô số nhạc cụ, đồ trang sức, trang phục; các loại vật dụng sinh hoạt, dụng cụ săn bắn, hái lượm, thuyền độc mộc… của đồng bào Tây nguyên.

Hơn 30 năm về trước, chị Cúc là nhân viên bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Những chuyến điền dã, khảo sát ở các buôn làng dần dà đã ngấm vào chị niềm say mê sưu tầm những hiện vật văn hóa dân gian. “Thuở đó, đường sá không như bây giờ, vào buôn làng vùng sâu có khi phải lội bộ cả nửa ngày; ở lại buôn ban đêm thì phải di chuyển liên tục để tránh Fulro phục kích. Đồng bào thấy mình con gái vất vả nên rất thương, tặng cho những món quà nho nhỏ; khi thì quả bầu khô, khi thì chiếc vòng đeo tay… Từ những tặng vật ban đầu như thế, sau đó mua thêm những hiện vật quý, rồi dần dần trở thành những bộ sưu tập khi nào không hay”, chị Cúc hồi tưởng.

Chị kể, những năm khó khăn trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, nạn chảy máu cồng chiêng diễn ra ở nhiều buôn làng Tây nguyên. Những người công tác trong ngành văn hóa xót xa khi chứng kiến hàng loạt bộ chiêng cổ bị bán đi thành phế liệu, đồng nát, trong khi nhà nước không có cơ chế, kinh phí để mua lại tất cả. Trước cảnh đó, chị Cúc gần như dốc hết những đồng lương ít ỏi của mình vào việc sưu tầm, xin hoặc mua lại những hiện vật văn hóa truyền thống mà nhiều nơi đồng bào rao bán vì kinh tế khó khăn, hoặc bỏ đi chỉ vì đơn giản là không muốn lưu giữ. Chị lý giải, từng chiếc trống cổ, từng bộ chiêng, bộ ché quý, bộ thừng săn voi… đều là ký ức của vùng đất Tây nguyên, là chỉ dấu văn hóa trong quá khứ, nếu không gìn giữ thì thế hệ con cháu trong tương lai khó mà hình dung ra được những giá trị tinh thần từng thăng hoa thuở xa xưa. Bởi vậy, nhiều khi nghe ở đâu có bán hiện vật quý, chị liền tất tả đi tìm hiểu, rồi về nhà vay mượn thêm tiền để sắm về. Hơn chục năm trước, khi còn ở nhà tập thể, chị Cúc đã cạy cục vay 4 lượng vàng để mua cho được chiếc ché “mẹ bồng con” hết sức quý hiếm ở huyện Ea Hleo. Chị bảo, dù kinh tế gia đình không phải khá giả nhưng may mắn là chồng chị, một võ sư karate nổi tiếng ở Buôn Ma Thuột, hết sức ủng hộ chị thực hiện ý thích sưu tầm. Đến giờ, chị còn tiếc mãi vì không mua nổi chiếc ché cổ được gọi là “ché mặt bợm” ở Kon Tum do người bán nói thách với giá cao ngất ngưởng, tới 16 lượng vàng.

Theo chị Cúc, việc sưu tầm không phải là công việc “thu gom” đơn thuần theo sở thích mà còn qua đó có thể tìm hiểu về ý nghĩa sáng tạo, giá trị văn hóa của các hiện vật. Chẳng hạn, những chiếc ché rượu cổ trên thân chạm khắc hình các con vật như khỉ, rùa, ba ba, kỳ đà… đều mang một thông điệp riêng. Khi mua chiếc ché chạm hình con khỉ, chị Cúc được một già làng giải thích ché này xuất xứ của một dòng tộc ở Tây nguyên xem khỉ là loài vật linh, không bao giờ ăn thịt khỉ, vì trong quá khứ, có người trong dòng tộc này từng được một con khỉ cứu mạng. Hoặc chiếc ché cổ màu nâu đậm chạm hình rồng bay rất đẹp, có nguồn gốc của triều Nguyễn tặng một tù trưởng danh tiếng trên vùng Tây nguyên… 

Mơ một mảnh đất làm bảo tàng

Nghỉ hưu được hai năm, hiện giờ chị Cúc mới rảnh để tính chuyện thống kê, phân loại lại bộ sưu tập hơn 3.000 hiện vật để có cách bảo quản, trưng bày tốt hơn. Trong bộ sưu tập, có 3 bộ khung nhà dài của người Êđê được chị Cúc dự định dựng thành nhà bảo tàng. Tuy vậy, mới đây 5 sào đất nông nghiệp trên đường Trần Quý Cáp, TP.Buôn Ma Thuột, mà vợ chồng chị dự định xin chuyển đổi mục đích sử dụng làm bảo tàng tư nhân đã bị thu hồi để xây dựng một công trình công cộng. Chị tiếc nuối: “Ước mơ làm một bảo tàng văn hóa Tây nguyên thu nhỏ của riêng mình vẫn chưa thể thực hiện được. Bởi chỉ với số tiền đền bù 1 tỉ đồng, khó lòng tìm mua được mảnh đất đủ rộng để cất những ngôi nhà dài truyền thống làm nơi trưng bày toàn bộ hiện vật sưu tầm”.

Ông Trương Bi, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Đắk Lắk, nhận xét: Hiếm có người phụ nữ nào say mê và “hào phóng” trong việc sưu tầm các hiện vật văn hóa các dân tộc Tây nguyên như chị Cúc. Nhiều nhà chuyên môn cho rằng nếu đăng ký, chị Cúc có thể được công nhận kỷ lục VN về tổng số hiện vật, và riêng từng loại (như trống cổ), trong bộ sưu tập cá nhân của mình.

Trần Ngọc Quyền

>> Triển lãm mỹ thuật nam miền Trung và Tây nguyên
>> Khánh thành Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây nguyên
>> Bộ ảnh “Tây Nguyên màu xám” đoạt giải nhất
>> Triển lãm mỹ thuật nam miền Trung - Tây nguyên
>> Không gian văn hóa Tây Nguyên tại TP.HCM

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.