Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 26: Người “cuồng si” văn hóa Tà Ôi

22/05/2013 00:25 GMT+7

Bạn bè, học trò hay gọi Trần Nguyễn Khánh Phong (37 tuổi, nguyên giáo viên Trường THPT A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế) là “thầy Phong gàn”. Suốt 12 năm dạy học, anh dùng phần lớn thời gian, tiền bạc để sưu tập vật dụng, tư liệu của đồng bào Tà Ôi.

Ăn giấm chuột để có mảnh vỏ bom

Trần Nguyễn Khánh Phong là con nhà nông ở làng Phú Ốc, tổ dân phố 3, P.Tứ Hạ, TX.Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm 2000, anh tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường đại học Khoa học Huế rồi học thêm mấy tháng nghiệp vụ sư phạm để thi công chức vào ngành giáo dục. Không biết có dự tính gì trước hay không, nhưng anh chọn huyện miền núi A Lưới để đi gieo chữ. Tháng 4.2001, Phong chính thức đứng bục giảng tại Trường THPT A Lưới.

Trần Nguyễn Khánh Phong bên kho hiện vật về đồng bào Tà Ôi mà anh đã dày công sưu tập
Trần Nguyễn Khánh Phong bên kho hiện vật về đồng bào Tà Ôi
mà anh đã dày công sưu tập - Ảnh: Đình Toàn
 

Sau giờ lên lớp, Phong thường đạp xe đến nhà học trò của mình thăm hỏi, trò chuyện, động viên các phụ huynh về việc học của con cái. Cũng qua những chuyến đi như vậy, Phong tận mắt nhìn thấy các vật dụng của bà con, cái thì đang dùng, cái thì đang thờ tự, thậm chí có thứ vứt lăn lóc dưới gầm giường, góc bếp mà người miền xuôi như anh lần đầu tiên nhìn thấy. “Những vật dụng, kỷ vật và những câu chuyện kể mang màu sắc huyền bí, truyền thuyết của đồng bào cần phải được sưu tập và ghi chép lại đầy đủ. Chúng sẽ có ích không chỉ cho đồng bào, du khách thập phương mà ngay với con em của đồng bào khi đang bị cuốn theo đời sống hiện đại”, Phong tâm sự.

Để thuận tiện cho công việc sưu tập, Phong tự học tiếng của đồng bào. Năm 2003, Phong nói được bập bẹ, đến 2007 thì nói tiếng Tà Ôi như chính con em của đồng bào. Phương thức sưu tập của Phong là “đổi, mua và xin”, tức cái thì anh mua bằng tiền, cái thì anh xin hoặc đổi bằng hiện vật cùng công năng. “Có lần mình vào nhà một bác ở xã A Roàng, thấy một cái vỏ bom bằng nhựa - kỷ vật về chiến tranh rất có giá trị. Toan hỏi mua, xin thì cả nhà biểu chuyện đó nói sau, dùng với họ bữa cơm cái đã. Bữa cơm tối đó họ mang một thứ đặc sản ra mời thượng khách, chỉ có khách quý bà con mới mời món đó. Đó là một con chuột còn nguyên hình, được ngâm trong lọ giấm. Họ bỏ ra đĩa mời, mình cầm đũa mà… run. Mình gắp một miếng đưa vào miệng và cười, gật gù khen ngon. Lát sau mình xin ra ngoài đi vệ sinh... Nói chung trong ruột cái chi cũng tuôn ra hết. Sau bữa cơm, bà con cho mình cái vỏ bom đó mang về…”, Phong cười kể.

Kho tàng đồ sộ về văn hóa người Tà Ôi

Có thể nói, Phong say mê văn hóa người Tà Ôi đến cuồng si. Năm 2003, Phong mua được chiếc xe máy nhưng… không có tiền đổ xăng, đến 2007 anh mới mang từ quê lên A Lưới sử dụng. Trước đó, chiếc xe đạp cọc cạch từ những năm học THPT rồi đại học vẫn là phương tiện chính để Phong đi dạy học và vượt đèo lội suối vào các bản làng săn hiện vật. Từ nông cụ, ngư cụ như anóc, anúa (vợt xúc cá), aruồng (cái lừ, lờ), aram (chẹp), acrớt (súng bắn cá), coss arăm (lao phóng cá)...; panoharo (dụng cụ đập lúa), apậc (dụng cụ thọc xuống ruộng tạo lỗ để trồng lúa), liềm gặt lúa, lưỡi cày, cối và chày giã gạo, gùi của nam lẫn nữ để mang lên nương... cho đến các sản phẩm văn hóa, tâm linh như tượng nhà mồ bằng gỗ, tấm áo zèng, khố... đều được anh sưu tập mang về chất trong căn phòng tập thể cũ mèm rộng… 9 m2 của mình.

Trong 12 năm sống và dạy học, tất cả 131 bản làng thuộc 21 xã, thị trấn của H.A Lưới không nơi nào thiếu dấu chân của Phong, ấy là chưa kể nhiều nơi ở vùng cao tỉnh Quảng Trị cũng in dấu chân anh. Từ những tháng ngày cặm cụi, nhẫn nại đó mà “thầy Phong gàn” đã sưu tập được tổng cộng khoảng 1.000 hiện vật với đủ chủng loại, từ cái nhỏ như hạt nút, đến những vật dụng lớn như tượng nhà mồ, thuyền độc mộc, cối giã gạo… Kể cả cái máng cho lợn ăn bằng gỗ, cái “căn chít” - chiếc lược dày chải tóc bằng tre Phong cũng sưu tập mang về nhà. Hay những món “hàng độc” mà Phong rất tâm đắc như bộ dao bằng xương thú, bộ áo bằng vỏ cây, bộ nồi đất thờ thần lúa, trang phục zèng đính chì… Chưa kể những hiện vật đặc trưng về văn hóa, tinh thần của đồng bào (dân tộc học) và rất nhiều kỷ vật kháng chiến (1975 - 1963) và kỷ vật về Bác Hồ với đồng bào Tà Ôi.

Từ những kho tàng, tư liệu dồi dào sưu tầm được, Phong đã thực hiện và in riêng 11 cuốn sách về văn nghệ dân gian (các NXB Thanh Niên, Thuận Hóa, Lao Động, Đại học Quốc gia Hà Nội…), cùng tham gia viết bài với các tác giả khác xuất bản hơn 40 đầu sách về dân tộc học, văn nghệ dân gian. Hiện Khánh Phong còn 13 tập tư liệu hàng ngàn trang chưa xuất bản, trong đó có cuốn Danh sách các nghệ nhân Tà Ôi truyền nghề ở Việt Nam vốn được anh tự thực hiện điều tra từ 180 thôn, bản của 5 huyện thuộc Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị (2 tỉnh có người Tà Ôi sống chủ yếu ở Việt Nam).

“Hắn đam mê mình cũng thấy vui. Chừ nghĩ lại còn cười đau ruột. Nhiều năm đi dạy không thấy lương bổng chi mang về, đùng một cái hắn đưa về nhà cái quan tài bằng gỗ. Vợ chồng tui thấy thì té ngửa”, cô Nguyễn Thị Minh, mẹ của Phong cười nhớ lại. Nghe mẹ nhắc chuyện cũ, Phong có vẻ luyến tiếc: “Đó là cái quan tài độc mộc duy nhất còn lại của bà con. Bị ba mẹ la nên hồi đó mình mang lên miền núi trả lại cho bà con rồi”.

Năm 2012, do hoàn cảnh gia đình, Phong phải chuyển công tác về dạy học tại Trường THPT Hương Thủy (TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế). Ngoài một số hiện vật quý anh hiến tặng lại cho bà con A Lưới, Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên-Huế, hàng ngàn hiện vật, tư liệu về người Tà Ôi mà Phong “quý như mạng sống” cũng được anh lần lượt “địu” về nhà ba mẹ ở Tứ Hạ rồi cất vào các tủ kính, chất lên gác lửng... “Mình ao ước trúng 1 tờ vé số thôi, mình sẽ xây dựng một bảo tàng về người Tà Ôi phục vụ tham quan miễn phí cho mọi người”, người hội viên trẻ của Hội Văn nghệ dân gian này nói.

Đình Toàn

>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 23: Võ sư sưu tầm đồ lam Huế
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 11: 15 năm sưu tầm đá cảnh
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 7: Sưu tầm đồ vật thời chiến tranh và bao cấp
>> Sưu tầm thú "độc
>> Sưu tầm được 1.126 mộc bản kinh Phật
>> Chuyện sưu tầm “tuyệt bản”
>> 70 năm sưu tầm tư liệu đờn ca tài tử

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.