Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 23: Võ sư sưu tầm đồ lam Huế

19/05/2013 00:15 GMT+7

Ông là Đoàn Phước Thuận, một võ sư vovinam nổi tiếng của Phú Yên, đang sở hữu hơn 500 hiện vật cổ, chủ yếu với hai dòng chính là đồ sứ men lam (còn gọi đồ lam Huế) và gốm Quảng Đức…

>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 22: Hai anh em mê đồ cổ
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 21: Tìm tranh trong đá
>> Nghề chơi cũng lắm công phu - Kỳ 20: Người mê tem

Với những bộ sưu tập quý hiếm trong tay, người trong và ngoài tỉnh còn biết đến ông với một cái tên khác: ông Thuận đồ cổ.

Ba đời chơi cổ vật

Sở dĩ có được cơ duyên, lòng đam mê thú chơi này, ông Thuận đã thừa hưởng, tiếp nối, lưu giữ những hiện vật mà ông nội và cha mình để lại. Ông cho biết: “Ngày trước, ông nội và cha tôi cũng rất mê sưu tầm đồ cổ. Cho nên từ nhỏ tôi đã làm quen và nhận biết được một số cổ vật quý. Tôi là con trai duy nhất, sau này gia tài đó được ông nội và cha giao lại hết cho tôi”.

 Ông Thuận với bộ bình tách uống trà có tên Châu phu tử gia huấn
Ông Thuận với bộ bình tách uống trà có tên Châu phu tử gia huấn - Ảnh: Đào Tấn Trực

Có một xuất phát điểm tốt như vậy nhưng mải lo làm ăn, mãi đến năm 1990 ông Thuận mới chính thức “vào nghề”. Từ đó đến nay, ông đi khắp nơi, dày công sưu tầm, học hỏi kiến thức về đồ cổ. Gặp được món đồ ưng ý là ông Thuận sẵn sàng mua, bất để đồ lam Huế, sứ Tàu; gốm Gò Sành, Champa, Quảng Đức... hay đối liễn, sắc phong của các triều đại phong kiến.

Hiện nay, ông Thuận đang sở hữu một gia tài cổ vật đủ chủng loại. Tuy nhiên, trong căn nhà 3 tầng của mình, ông thiết kế như một bảo tàng tư nhân để trưng bày hai dòng gốm chính mà ông quan tâm và sở hữu nhiều nhất là đồ lam Huế xanh trắng và gốm Quảng Đức. Để có được bộ sưu tập đồ men lam Huế xanh trắng nhiều như vậy, ngoài đi mua, ông còn trao đổi, chuyển nhượng những món đồ Champa, đồ Trung Quốc của mình cho các nhà sưu tập khác để làm giàu cho bộ đồ lam Huế của mình. Chính vậy, mỗi ngày “sản phẩm” của ông càng phong phú về số lượng, kiểu dáng, chủng loại.

“Vua” đồ lam Huế

Ông Thuận cho biết: “Bộ sưu tập đồ lam Huế của tôi có đủ các dòng từ ngự dụng, quan dụng và dân dụng; có dòng đồ thời Lê - Trịnh và cả thời chúa Nguyễn Phúc Chu đến Tây Sơn”. Riêng dòng đồ triều Nguyễn, ông sở hữu “đủ bộ” các vật từ thời Gia Long đến đời Khải Định. Nhiều, đầy đủ nhất là các chén, đĩa, tô, bình, bộ tách trà. Trên các món đồ này hầu như đều có ký hiệu riêng, một số hiện vật có vẽ hình mai hạc, đề thơ Nôm. Ông Thuận nói: “Một số nhà nghiên cứu cổ vật đến tham quan đánh giá trong bộ sưu tập của tôi, quý nhất là chiếc đĩa trà có hai câu thơ Nôm viết theo thể lục bát, là món đồ mai hạc độc nhất ở Việt Nam”. Câu thơ Nôm xuất hiện nhiều nhất trên các hiện vật ông Thuận đang sở hữu tạm dịch là: Nghêu ngao vui thú yên hà/Mai là bạn cũ hạc là người quen.

Đó là ý kiến của một số nhà nghiên cứu, còn theo ông Thuận, hiện vật được bản thân ông coi trọng và quý nhất trong gia tài đồ cổ của mình là bộ bình tách uống trà có tên Châu phu tử gia huấn, gồm một khay đựng có khung viền thiết kế hoa văn, một bình trà và sáu chén có nhiều chữ xanh viết trên nền men trắng. Hiện vật này được ông sưu tầm khá lâu và cất kỹ trong ngăn tủ. Trong căn phòng trưng bày của mình, có một cuốn sổ mà ông Thuận lưu lại bút tích của nhiều người từng đến tham quan. Trong đó, có những nhân vật nổi tiếng như GS Trần Quốc Vượng, GS Phan Huy Lê, GS Đinh Xuân Lâm, nhà sử học Dương Trung Quốc và một số nhà nghiên cứ đến từ các nước Pháp, Đức…

Hiến tặng nhiều cổ vật quý

Ông Thuận không chỉ sưu tầm cho riêng mình mà còn hiến tặng nhiều hiện vật có giá trị cho các bảo tàng trong cả nước. Ông đã hai lần tặng cổ vật cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế. Ngày 13.7.2004, ông tặng một bộ chén trà sứ ký kiểu, gồm 4 tách uống trà có hiệu đề Nội Phủ, 4 đĩa sứ và 1 khay gỗ mun cổ chạm lộng hoa văn lá cúc. Đến ngày 11.8.2008, một lần nữa ông tặng bảo tàng này bốn sắc phong thuộc các đời vua Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân và Khải Định. Theo ông Thuận: “Bộ sắc phong này tôi mua lại của một người ngoài Hà Nội. Nhiều người hỏi tôi mua lại với số tiền kha khá nhưng tôi không bán mà quyết định tặng lại nơi gốc của chúng để được bảo quản tốt hơn”.

Tại tỉnh nhà, ông Thuận cũng đã từng tặng Bảo tàng Phú Yên 4 con dấu bằng đồng thời xưa có giá trị lịch sử, khoảng 5-6 kg đồng tiền cổ. Đặc biệt, nhân dịp thành lập Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Phú Yên (ngày 23.11.2007), ông còn tặng bảo tàng tỉnh một chiếc bình vòi bằng đất từ thời Champa có niên đại trong khoảng thế kỷ 9 đến thế kỷ 12 được vớt lên từ lòng sông Ba.

 Ông đã nhận được bằng khen của UBND tỉnh Phú Thọ vì thành tích tham gia hiến tặng nhiều hiện vật có giá trị cho Bảo tàng Hùng Vương năm 2010. Ông cũng đã tặng Bảo tàng Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) một hiện vật có tên Lư song trầm rất giá trị.

Nói về điều này, ông Thuận bộc bạch: “Nghề chơi công phu nhưng không vì thế mà mình độc quyền tất cả. Việc tặng hiện vật cho các bảo tàng để người ta biết đến nó nhiều hơn. Hơn nữa, như thế các hiện vật đó được cất giữ đúng nơi, không sợ thất lạc”.

Là Chủ tịch của CLB UNESCO nghiên cứu và sưu tầm cổ vật Phú Yên, ông Thuận đã có những việc làm đáng trân trọng.  

Đào Tấn Trực

>> Vovinam trở thành môn học chính khóa ở ĐH Cảnh sát nhân dân
>> Nữ sinh ́n Độ luyện Vovinam để tự vệ
>> Dạy Vovinam cho Vệ binh Campuchia
>> Đưa môn võ Vovinam vào nhà trường
>> Patrick Levet - Hiệp sĩ Tây "ba lô" - Kỳ 3: Hiệp hội Vovinam Việt Võ Đạo liên lục địa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.