Ngân lên, tiếng chuông Sơn Mỹ

19/06/2011 22:53 GMT+7

Tôi về Sơn Mỹ trong một buổi chiều hè tháng 6, lắng nghe âm vang của tiếng chuông Sơn Mỹ. Cái âm vang ấy khác hẳn âm vang chuông chùa, chuông nhà thờ. Bởi, nó ngân lên giữa làng quê Sơn Mỹ.

Sự kiện năm 1968, lục quân Mỹ đốt cháy rụi làng Sơn Mỹ (Quảng Ngãi), tàn sát 504 người dân và trẻ em vô tội nơi đây luôn là sự ám ảnh và là nỗi đau của nhân loại tiến bộ.

Hòa bình lập lại, tỉnh Quảng Ngãi cho xây dựng Khu tưởng niệm Sơn Mỹ ngay trên vùng đất bị thảm sát năm xưa. Những du khách nước ngoài - trong đó có những cựu binh Mỹ, đã từng đến tham quan nơi này. Họ đã không kìm được nước mắt đau đớn khi nhìn thấy những hình ảnh rất thật về cuộc thảm sát. Một tổ chức cựu binh Mỹ đã đúc một quả chuông đồng tặng khu tưởng niệm. Quả chuông không lớn nhưng ý nghĩa tâm linh của nó rất thật. Họ mong tiếng chuông ngân lên để tưởng nhớ những người VN đã hy sinh. Họ mong những linh hồn ấy tha thứ cho họ - những người lính Mỹ, đã cầm súng sang VN gây chiến.

Vâng, tiếng chuông ấy đã vang lên trong những ngày tưởng niệm, giỗ chạp, lễ tết. Tôi nghĩ đến một điều dài lâu hơn: Tiếng chuông ấy vang lên trong những bình minh, vào một giờ nhất định. Chuông vang lên hằng ngày để chiêu hồn những đồng bào thân yêu đã khuất của chúng ta. Chuông vang lên hằng ngày để đánh thức trái tim của những người đang sống, rằng ta có một quê nhà thân yêu từng trải qua khổ nạn và ta sẽ bảo vệ quê nhà ấy đời đời sống trong hòa bình, tự do, hạnh phúc. Chuông vang lên hằng ngày để đánh thức lương tri của loài người, rằng chiến tranh xâm lược và hủy diệt là tội ác. Chuông vang lên hằng ngày để tha thứ cho những hành vi thù địch và cảnh tỉnh loài người rằng đừng bao giờ lập lại một thảm kịch tội ác như ở Sơn Mỹ.

Làng quê Sơn Mỹ còn nghèo. Thế nhưng không phải vì vậy mà hồi chuông Sơn Mỹ không vang lên trong mỗi bình minh được. Chỉ cần một đơn vị kinh tế tài trợ một khoản lương khiêm tốn hằng năm, ta sẽ có một người chuyên trách gõ chuông Sơn Mỹ. Hay người dân nơi đây tự đứng ra tổ chức việc này, cắt ca, thay phiên nhau để gióng chuông mỗi ngày. Để linh hồn Sơn Mỹ sống đời đời, sống miên viễn giữa cuộc sống và giữa hiện thực lịch sử của chúng ta hôm nay và mai sau.

Tiếng chuông ngân lên trong bình minh là một thứ văn hóa phi vật thể. Chúng ta cần có thêm một nếp sinh hoạt văn hóa như thế để lại cho đời sau và giới thiệu với người nước ngoài. Rằng đây là biểu tượng văn hóa của một Quảng Ngãi - Sơn Mỹ rộng lượng và bao dung.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.