Muôn trùng lỗi dịch - Kỳ 3: Nhặt sạn và gỡ rối

11/05/2013 03:05 GMT+7

Như mọi lần, khi bản dịch bị phát hiện ra nhiều lỗi sai, lập tức phần lớn trách nhiệm bị quy chụp vào người dịch và vòng xoáy đổ lỗi cho nhau lại bắt đầu.

>> Muôn trùng lỗi dịch - Kỳ 2: Loằng ngoằng và... cắt xén
>> Muôn trùng lỗi dịch

Nhà phê bình - dịch giả Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Đúng là nếu có sai sót dịch giả cần là người chịu trách nhiệm trước, vì là người làm việc đầu tiên với bản dịch. Ở đây, chúng ta nói về những dịch giả làm việc nghiêm túc. Những sai sót có thể do người dịch hiểu sai, dịch chưa đúng, gặp phải những từ khó chưa tham khảo được hết. Người thứ hai phải chịu trách nhiệm là biên tập viên. Nếu biên tập mà cứng tay, có trình độ sẽ phát hiện được lỗi sai và trao đổi với dịch giả để sửa. Đúng ra, cả phía đơn vị xuất bản sách tư nhân và NXB đều cần có biên tập. Các biên tập viên ở các công ty sách như Nhã Nam làm việc tương đối nghiêm túc, trình độ tất nhiên còn có những hạn chế. Trong khi không ít NXB lâu nay phân công biên tập dịch khá lơ là. Khi sách in ra có lỗi sai, trước tiên là lỗi của dịch giả, biên tập, sau đó là lỗi công ty sách, NXB”.

 Muôn trùng lỗi dịch - Kỳ 3: Nhặt sạn và gỡ rối 1
Sách dịch hiện chiếm tới 70% thị trường phát hành sách trong nước - Ảnh: Bạch Dương

Ông Phạm Sỹ Sáu - Trợ lý giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ, cho rằng: “Để ngăn chặn nạn dịch ẩu, dịch sai thì tốt nhất đơn vị xuất bản phải có bộ phận biên tập có chuyên môn cao, có ngoại ngữ và vốn sống để soi từng bản dịch. Nhiều khi chính việc chạy theo thời gian cũng là một cách làm cho bản dịch không đạt chất lượng cả chỗ người dịch và người đặt dịch”. Ông Lê Thanh Huy - Giám đốc Công ty sách Bách Việt - cũng nhất trí cho rằng một cuốn sách bị dịch ẩu, dịch sai không chỉ hoàn toàn là lỗi của dịch giả, mà trong đó có cả trách nhiệm của người biên tập. Do đó, để ngăn chặn những cuốn sách bị dịch ẩu, dịch sai được phát hành trên thị trường, các công ty và NXB sách phải chú trọng làm tốt không chỉ công đoạn dịch mà cả công đoạn biên tập. Nhà văn Thủy Anna,  Phó giám đốc Công ty Limbooks, cho rằng để hạn chế thảm họa dịch, các biên tập viên cần có vốn ngoại ngữ “trên cơ” dịch giả, cần có sự cẩn trọng, phải có bề dày về văn hóa ngôn ngữ.

Chị Nguyễn Giang Linh - Trưởng ban Truyện tranh, NXB Kim Đồng - nhận định cần nghiêm khắc hủy bản dịch quá nhiều lỗi sai và cho dịch lại, chấp nhận thiệt hại về kinh tế, thời gian... “Bản dịch phải sửa độ 30% là phải mời người hiệu đính hẳn hoi, đứng tên đồng dịch giả. Nếu sai trên số đó, hoặc sai những lỗi từ vựng, ngữ pháp, văn phong, lịch sử, chính trị... căn bản thì phải hủy”, chị Linh nói.

 Ông Lê Thanh Huy
“Việc gắn chế độ thưởng - phạt đối với công việc sẽ phần nào giúp nâng cao ý thức và trách nhiệm của người biên tập viên, qua đó nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc biên tập để có thể xuất bản được một cuốn sách hoàn thiện đến mức tối đa về nội dung”.

Ông Lê Thanh Huy (Giám đốc Công ty sách Bách Việt)

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên 
“Đã có ý kiến đề nghị cần có Hội Dịch thuật văn học Việt Nam. Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội có kết nạp những người sáng tác, phê bình và dịch thuật. Nhưng tôi nghĩ phê bình, dịch thuật cần có hội riêng do đặc thù công việc khác với sáng tác. Nghe nói Hội Nhà văn Việt Nam đang lên kế hoạch có trung tâm dịch thuật để làm công việc này”.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Ngọc Bi - Minh Ngọc

>> Thảm họa dịch thuật
>> Dịch thuật và tái xuất bản các tác phẩm văn học để bảo vệ bản quyền
>> Dịch giả bàn chuyện dịch thuật
>> Lỗi chính tả ở sân bay Tân Sơn Nhất: Không có gì oan ức!
>> Lỗi chính tả tiếng Anh ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.