Một ngày... dài lê thê

13/07/2008 23:48 GMT+7

Ca khúc dễ thương, diễn viên trẻ diễn xuất khá, phim truyền hình Một ngày không có em có nhiều yếu tố thu hút khán giả trong những tập đầu...

Sự chuyển tiếp mạch phim giữa hai thế hệ, hai bối cảnh xưa và nay với nội dung đan cài sinh động, đề cập từ cuộc sống, tâm tư tình cảm của giới trẻ, từ không gian lãng mạn, trong trẻo chốn học đường đến những va chạm quyết liệt, thậm chí tàn bạo của tình trường và thương trường khiến khán giả có nhu cầu xem tập tiếp theo. Diễn viên trong các vai My (Quỳnh Anh), Hoàng (Huỳnh Đông), Mai (Mai Phương), Việt (Lương Thế Thành), Thùy (Thanh Ngọc)... diễn xuất trong điều kiện thu tiếng trực tiếp nhưng bộc lộ tốt khả năng nhập vai, thể hiện rõ tính cách nhân vật đặc biệt qua ngữ điệu, không làm người xem chối tai vì đài từ như một số phim (thu tiếng trực tiếp) khác.

Chỉ cần như thế, so với các phim Việt đang chiếu hiện nay (Mùa chim én xôn xao, Bò cạp tím, Cô gái xấu xí...), Một ngày không có em (HTV và Lasta sản xuất, đang phát trên HTV7) ban đầu được đánh giá là phim đáng xem hơn cả. Tuy nhiên, với hơn chục tập gần đây, kịch bản đã đuối dần, các tình tiết, tình huống kéo dãn trong từng tập, mà càng cố kéo thì càng nhạt, càng khiên cưỡng, khó chấp nhận.

Từ khi Việt (anh ruột của My - tuy họ chưa nhận ra nhau) trở về, sự hiểu lầm và ghen tuông lòng vòng giữa Hoàng - chồng sắp cưới của My và Thùy - người yêu của Việt cứ lặp đi lặp lại hết tập này đến tập khác. Ban đầu, khán giả cảm thấy "có vẻ được đây", vì sự sắp đặt khá thú vị này. Bởi chỉ có Việt và My cảm nhận được tình cảm mà họ dành cho nhau không phải tình trai gái mà giống như ruột thịt. Còn Hoàng và Thùy thì khó lòng kiềm chế trước những cử chỉ hành động quan tâm lẫn nhau quá mức bình thường giữa "hai anh em" Việt - My.

Cứ ngỡ sự ghen tuông này sẽ điểm thêm hương vị cho câu chuyện, đồng thời làm tăng thêm tính hồi hộp, để chờ ngày gia đình Việt đoàn tụ. Nhưng, đã hơn chục tập rồi, kể từ khi cơn ghen bắt đầu, các nhân vật cứ tiếp tục luẩn quẩn trong mối nghi ngờ, và cũng không ít lần chạm trán dẫn đến xô xát, để cuối cùng trở thành kẻ thù của nhau. Cũng chỉ vì vướng vào mớ bòng bong ấy mà những người trẻ này trở nên đờ đẫn trên thương trường. Hoàng bị tình yêu chi phối quá nhiều, cộng thêm vài rủi ro (không hợp lý lắm) xảy đến với công ty nên thành kẻ trắng tay (My trả nhẫn cưới, công ty thua lỗ, cạn vốn). Mai thì nghi kỵ bạn chí thân của mình - My, rồi Thùy (em Mai) vì ghen tuông nên cả hai chị em đều không có được sự khách quan cần thiết trong đánh giá, nhìn nhận tính chất công việc. Vì thế, công ty của Mai rơi vào nguy cơ phá sản...

Thật ra, người xem có thể dễ dàng chấp nhận và chia sẻ với các nhân vật, chỉ vì tình yêu mà ra nông nỗi ấy, nếu diễn tiến, mạch phim co dãn ở mức độ chấp nhận được. Đằng này, đã phải chịu đựng sự quảng cáo thô bạo chen ngang quá dài và quá nhiều lần, khán giả còn phải chịu đựng thêm cung cách "câu giờ" của nhà làm phim, trong bất kỳ cảnh nào có thể. Rất nhiều cảnh phim có những chỗ "độn" lộ liễu trong gần 20 tập trở lại đây, khiến khán giả cảm thấy hứng thú theo dõi phim đã giảm đi đáng kể. 

Được biết, ban đầu phim chỉ dự định dài chừng 60 tập. Nhưng có lẽ trong quá trình làm phim, thấy khán giả đón nhận rất tốt (ở khoảng 35 tập đầu, phim có cái để xem, dù vẫn có "sạn" nhưng ở mức bỏ qua được) nên nhà làm phim đã kéo kịch bản thành hơn 80 tập. Chất liệu cũng chỉ bấy nhiêu đó, mà ráng "nấu" cho lâu thì làm sao không "nhão" được.

Thế nên, cho dù phần sau bộ phim vẫn được tăng cường các tình tiết tạo tính hấp dẫn, nhưng do câu chuyện chính của phim cứ bị pha loãng, dông dài, không được giải quyết thỏa đáng mà cứ phải chờ đến hồi kết, khiến khán giả ngán ngẩm bỏ ngang, hoặc xem kiểu "nhảy cóc": chỉ xem những tập đầu, sau đó thêm một vài tập cuối là đủ!

Thiên Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.