Mộ các danh thần ở Sài Gòn - 3 ngôi mộ của danh tướng Võ Tánh

27/10/2015 06:18 GMT+7

Theo tục lệ dân gian, khi một người chết mất xác hoặc vì lý do nào đó mà người ta phải tạo mộ giả (mộ gió) để hương khói, thờ cúng là chuyện bình thường. Nhưng một vị tướng mà có đến 3 ngôi mộ thì quả là chuyện hiếm.

Theo tục lệ dân gian, khi một người chết mất xác hoặc vì lý do nào đó mà người ta phải tạo mộ giả (mộ gió) để hương khói, thờ cúng là chuyện bình thường. Nhưng một vị tướng mà có đến 3 ngôi mộ thì quả là chuyện hiếm.

Mộ gió của Võ Tánh ở Q.Phú Nhuận - Ảnh: H.Đ.NMộ gió của Võ Tánh ở Q.Phú Nhuận - Ảnh: H.Đ.N
“Dũng” và “nhân” của đạo làm tướng
Sử liệu ghi Võ Tánh người gốc Biên Hòa, năm 1788 ông theo phò Nguyễn Ánh, được Nguyễn vương gả em gái là công chúa Ngọc Du. Ông đã lập được nhiều chiến công hiển hách. Năm 1799, ông cùng Nguyễn Huỳnh Đức theo chúa Nguyễn tiến chiếm thành Quy Nhơn. Chúa Nguyễn đổi tên là thành Bình Định, giao cho Võ Tánh và Lễ bộ Tham tri Ngô Tùng Châu coi giữ còn chúa rút đại quân về Gia Định.
Tháng giêng năm 1800, tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu cùng Võ Văn Dũng vây chặt thành Bình Định. Sau 14 tháng bị vây khốn, quân trong thành đã quá mệt mỏi, lương thực, đạn dược cạn kiệt... Ngô Tùng Châu khuyên Võ Tánh nên bôn tẩu về với chúa Nguyễn, nhưng ông nói: “Tôi là võ tướng phải chết theo thành. Ngài là quan văn hãy cố bảo trọng”. Ngô Tùng Châu đáp: “Võ có trung can lẽ đâu văn lại không có nghĩa khí”. Sách Hoàng Việt hưng long chí kể: Ngô Tùng Châu trở về mặc triều phục chỉnh tề, vái vọng về phía kinh đô Phú Xuân rồi ngửa cổ uống cạn chén thuốc độc. Võ Tánh nghe tin báo, đau buồn nói: “Thế là Ngô quân đã đi trước ta rồi”. Nói đoạn đi ngay đến dinh của Ngô Tùng Châu, lo việc khâm liệm mai táng... Việc đó xảy ra ngày 25 tháng 5 năm Tân Dậu (ngày 5 tháng 7 năm 1801). Rồi Võ Tánh sai quân sĩ lấy củi khô đem chất đống trước lầu Bát Giác, đặt thuốc dẫn hỏa lên trên, rồi bảo với các tướng rằng: “Ta không muốn cho quân giặc nhìn mặt, ta chết với lửa”. Nói đoạn, Võ Tánh sai người ra trao cho tướng Trần Quang Diệu một bức thư có câu: “Phận ta là chủ tướng, phải chết dưới cờ, còn quân lính chẳng có tội gì, xin đừng giết hại”. Võ Tánh thay áo mão ung dung bước lên lầu, rồi truyền châm lửa. Lầu Bát Giác bỗng chốc hóa thành ngọn đuốc khổng lồ...”.
Trần Quang Diệu vào thành, không giết một ai cả mà cho nhặt tinh cốt của Võ Tánh rồi tổ chức mai táng “kẻ thù” theo nghi lễ tướng quân. Cả hai người, bên thắng và bên thua đều tỏ rõ cái “dũng” và cái “nhân” của đạo làm tướng.
3 ngôi mộ của một danh tướng
Ngôi mộ chính của Võ Tánh nằm trong nội cung thành Hoàng Đế (thành do Nguyễn Nhạc xây trước đó). Mộ hình tròn trên có đắp biểu tượng một con dơi, người viết đã từng đến viếng ngôi mộ này, thấy không có bình phong tiền nhưng có bình phong hậu, bên mộ có 2 con nghê đá ngồi chầu.
Vì không đưa được thi thể của Võ Tánh về Gia Định mai táng nên Nguyễn Ánh đã tổ chức an táng ông tại Phú Nhuận dưới hình thức “mộ gió” (chôn theo hình nhân bằng sáp). Khu lăng mộ này hiện tọa lạc tại hẻm số 19 đường Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Từ cổng lăng vào lần lượt là nhà võ ca, đền thờ, lăng mộ. Trước mộ có bình phong tiền, mặt trước vẽ hình con hổ, mặt sau vẽ hình “long mã hà đồ” (trên lưng con long mã có một thanh gươm cột trên chồng binh thư, quanh mình lân mã là những đốm lửa, tượng trưng cho người có tài thao lược, nhưng phải tự thiêu để tỏ nghĩa khí). Sau bình phong tiền là cửa lăng rộng hơn 2 m, hai bên có trụ biểu, trên đầu mỗi trụ có chạm búp sen lớn nên chiều cao mỗi trụ lên đến 2,5 m. Trước mộ có nhang án. Phần nấm mộ có hình chữ nhật, giật hai cấp, chiều dài 4 m, rộng 3 m và cao khoảng 4 tấc. Cuối cùng là bình phong hậu vẽ hình “vân hạc” ngụ ý võ tướng công cưỡi hạc về trời. Lăng có khuôn viên rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ. Người hiện nay chăm sóc, nhang khói là bà Sáu (tên thật là Nguyễn Thị Bao, 73 tuổi, bộ đội phục viên).
Tuy nhiên trên đường Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình), ngay sau chốt dân phòng của tổ bảo vệ dân phố, khu phố 7, dưới tán một gốc cổ thụ xum xuê có thêm một mộ Võ Tánh (mộ gió) nữa. Mặt tiền của nấm mộ được xây (mới) dạng một cái am nhỏ có mái giả bằng xi măng. Mặt trước “am” chia làm 3 ô nhỏ, trước mỗi ô đều đặt bát nhang. Ở ô chính giữa có ghi hàng chữ bằng quốc ngữ “Đại Nam quốc. Phần mộ: ông Võ Tánh, mất ngày 27.7.1801 năm Tân Dậu” (về ngày tháng tuẫn tiết của Võ Tánh, nhiều tài liệu ghi khác nhau). Chị Tâm - người đặt bàn máy may dưới cây đa trước mộ hằng ngày vẫn quét tước, nhang khói vì “ông rất linh” cho chị luôn đắt hàng kể từ khi ra đây ngồi (đã được 4 - 5 năm). Ngôi mộ này có chiều dài khoảng chừng 10 m, rộng chừng 7 m, xung quanh có tường thành bao quanh (không có bình phong hậu, nhưng trên bờ tường có chạm những phù điêu hình thú, hoa điểu... đã bị nứt nẻ, rơi rụng mất nét khá nhiều), bốn góc mộ có xây trụ cột. Mái trũng bám đầy rêu. Tôi hỏi chị Tâm: “Mộ này chôn mấy người, chị?”. Chị đáp: “Ba người, hổng thấy 3 ô bia đó sao?”. Tôi hỏi: “Nếu như mộ ông Võ Tánh ở đây là “mộ gió” thì 2 người được chôn theo là ai?”, nhưng chưa có câu trả lời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.