Minh bạch nhưng đừng sỗ sàng

14/03/2012 03:20 GMT+7

Có nên minh bạch, quản lý tiền công đức? Thanh Niên ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, ban quản lý di tích, người dân...

Có nên minh bạch, quản lý tiền công đức? Thanh Niên ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, ban quản lý di tích, người dân...

Có những cá nhân, hay nhóm người đã sử dụng tiền công đức vào những mục đích cá nhân, riêng tư.

Ở một số di tích, nhà nước ít khi “với tay” xuống, cung cấp vật lực cho cơ sở, trong khi di tích lại cần tiền công đức để tu bổ, vận hành di tích như quét dọn, lau chùi… Mặt khác, có trường hợp nhà nước đã cung cấp vật lực nhưng những người quản lý di tích lại tham vọng, muốn tôn tạo di tích lớn hơn nữa, quảng bá rộng khắp hơn nữa, trong khi kinh phí của nhà nước chỉ đáp ứng một phần nhỏ nên cần thêm từ nguồn thu công đức.

Tình hình tiền công đức là cực kỳ phức tạp và cũng quan trọng, do đó không phải chỉ một khẩu lệnh, khẩu hiệu minh bạch là xong mà cần phải tính toán chu đáo, chi tiết, thậm chí chi li từng khoản nhỏ. Nếu đưa Bộ Tài chính vào để kiểm kê, sau đó hoàn trả lại tiền công đức như thế nào thì cần phải tính toán thật kỹ. Tôi nghĩ nên minh bạch nhưng đừng quá sỗ sàng.

 
Vào dịp đầu năm mới, hầu hết các du khách đi lễ đều gửi tiền công đức - Ảnh: Ngọc Thắng 

Nhà sử học Lê Văn Lan

Tôi ủng hộ chuyện minh bạch tiền công đức. Tôi đã tới đền Bà Chúa Kho và nói chuyện với lãnh đạo địa phương. Không một ai biết chính xác mỗi năm tiền công đức tại đền Bà Chúa Kho ra sao, thông tin được giữ kín, không hề lọt ra ngoài, chỉ biết hằng năm, ban quản lý nộp cho địa phương một khoản tiền. Minh bạch cũng sẽ giúp giữ đoàn kết trong cộng đồng, bởi chính những người trong cộng đồng, chứ không chỉ chính quyền mới mắc phải chuyện sử dụng tiền công đức không đúng mục đích. Tôi cho rằng nhà nước không nên can thiệp vào chuyện này.

GS-TS Ngô Đức Thịnh
Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia

Những người phục vụ di tích đều thuộc hội người cao tuổi của địa phương. Chúng tôi được bồi dưỡng 600.000 đồng/tháng, dùng hai bữa cơm mỗi ngày. Tiền công đức không do cơ sở nào quản lý, mà quy lại một mối là hội người cao tuổi. Chúng tôi dùng tiền công đức để tu bổ di tích, hỗ trợ người nghèo, hội người mù, các trường học... Tiền công đức của năm ngoái đã được ghi vào sổ sách với những con số cụ thể, nhưng theo nguyên tắc thì không thể tiết lộ được.

Nếu như nhà nước quản lý tiền công đức thì chắc chắn là quá khó khăn cho chúng tôi.

Ông Nguyễn Đức Tiến 
Ủy viên Ban Quản lý di tích, đền Bà Chúa Kho

Khi đi lễ chùa, tôi thường gửi tiền công đức, cung tiến theo lòng thành. Tôi nghĩ tiền giọt dầu, công đức, hay cung tiến cũng sẽ quy vào một mối thôi. Tôi luôn tin tưởng tiền được dùng để xây dựng, kiến thiết chùa, làm công tác xã hội, hay trích lại cho những người phục vụ.

Bà Nguyễn Thị Vân
(Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội) - du khách trẩy hội chùa Hương

Việc thu tiền công đức của nhân dân, Phật tử để cho cá nhân và gia đình tiêu xài, là việc làm không đúng đạo lý, đây là việc làm kinh doanh đền, đình, hay “buôn thần, bán thánh”, lợi dụng thần linh... Việc làm này không tránh khỏi tội, bị quả xấu ác. Theo tinh thần nhân quả của nhà Phật, đây là việc làm do tham lam, bất thiện nên khó tránh khỏi tai họa về sau. Đối với các vị tu hành, nhiều khi Phật tử quá quý kính thầy, mua sắm cúng dường những thứ xa hoa, chạy theo thời trang, vật chất vô tình làm tha hóa thầy, cúng dường như thế không đúng pháp, không có phước. Người Phật tử chân chính hiểu đạo, thì cúng dường những nhu yếu để thầy có sức khỏe tu hành, có phương tiện để hành đạo, giáo hóa chúng sinh. Người tu cần phải sống thanh đạm, “thiểu dục tri túc” thì mới đi đến đạo quả.

Nếu là tiền công đức của nhà chùa thì nhà nước không nên quản lý, bởi vì đó là tiền của thường trụ Tam bảo (Tam bảo là Phật - Pháp - Tăng). Chư tăng là người TU, nên dùng tiền công đức để nuôi thân hành đạo, giáo hóa chúng sinh, xây dựng mở mang chùa cảnh, in kinh sách, cứu trợ người nghèo khổ hoạn nạn... Chư tăng ni là người từ bỏ gia đình, xả thân cầu đạo, để giáo hóa chúng sinh, xây dựng nên đức lý cho xã hội nên khác với người cư sĩ giữ đền, đình, chùa. Nếu nhà nước quản lý tiền của chùa có chư tăng - ni trụ trì, là điều không đúng đạo lý, từ xưa đến nay không ai làm như vậy. Đối với đình, đền, không có tu sĩ cai quản, mà do nhân dân địa phương lập nên tự quản lý, thì nhà nước nên tổ chức phân công cho tập thể quản lý số tiền đó, để dùng tiền đó làm những việc phúc lợi cho dân cho nước, đồng thời tránh cho kẻ tham tạo tội.

Thượng tọa
Thích Kiến Nguyệt - trụ trì Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, xã Đại Đình, H.Tam Đảo, Hà Nội

Ngọc Aan
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.