Mạo phạm các vua Trần trên bia mộ

09/05/2015 09:00 GMT+7

Ngoài 6 tấm bia đá mới dựng “chui”, tại Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua Trần tại H.Hưng Hà, Thái Bình, 6 tấm bia còn lại cũng đã tùy tiện “ép” các vua triều Trần phải nhận đây là lăng mộ của mình.

Ngoài 6 tấm bia đá mới dựng “chui”, tại Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua Trần tại H.Hưng Hà, Thái Bình, 6 tấm bia còn lại cũng đã tùy tiện “ép” các vua triều Trần phải nhận đây là lăng mộ của mình.

 Toàn bộ 12 bia đồng, bia đá tại đền Trần Thái Bình đều là bia “chui” - Ảnh: H.L
 Toàn bộ 12 bia đồng, bia đá tại đền Trần Thái Bình đều là bia “chui” - Ảnh: H.L
Đều là bia dựng “chui”
Khi quyết định dỡ bỏ 6 tấm bia đá mới được dựng “chui” và có vấn đề cả về nội dung và hình thức tại Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua Trần (thường gọi là đền Trần Thái Bình) của Thanh tra Bộ VH-TT-DL còn chưa ráo mực, người dân Thái Bình lại cung cấp thêm một thông tin: 6 tấm bia còn lại tại khu di tích này cũng bị dựng “chui”. Đặc biệt, nội dung trên văn bia đã tùy tiện định danh lăng mộ các vua Trần.
Tại đền Trần Thái Bình, 6 tấm bia trên được dựng trước Khu lăng mộ các vị vua Trần. Trước mỗi gò mộ, ngoài tấm bia mới còn có 1 bia bằng đồng và 1 bia bằng đá xanh có kích thước cao trên 2 m, rộng trên 1 m. Cả 6 tấm bia này chỉ có tiếng Việt chứ không có tiếng Anh. Trong đó, ở gò mộ giữa tấm bia đồng ốp nổi chữ “Dụ Lăng - Phần mộ vua Trần Thánh Tông”. Tương tự, bia đồng tại 2 gò mộ hai bên ốp nổi chữ “Chiêu Lăng - Phần mộ vua Trần Thái Tông” và “Đức Lăng - Phần mộ vua Trần Nhân Tông”. Trên 3 tấm bia đá cạnh bia đồng trên khắc chìm tóm tắt tiểu sử, công tích của các vị vua trên.
Ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin H.Hưng Hà, cho biết 6 tấm bia trên được dựng vào đầu năm 2014, trước khi đền Trần Thái Bình được xếp loại di tích đặc biệt cấp quốc gia. Theo quy định, dù là di tích cấp quốc gia (chưa phải di tích đặc biệt cấp quốc gia) thì việc tu sửa, tôn tạo đều phải được UBND cấp tỉnh thông qua và được Bộ VH-TT-DL phê duyệt. Tuy nhiên, về thủ tục dựng bia, ông Khanh cho biết: “Không có phê duyệt của UBND tỉnh Thái Bình hay của Bộ VH-TT-DL. Nội dung, hình thức bia do Ban Quản lý (BQL) đền Trần Thái Bình biên soạn, được UBND H.Hưng Hà phê duyệt”.
Ông Phạm Văn Hóa, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Thái Bình, xác nhận UBND H.Hưng Hà chưa làm đủ thủ tục đối với 6 tấm bia trên. Như vậy, cộng với 6 tấm bia đá mới dựng ngày 19.4 vừa qua thì cả 12 tấm bia đã được dựng tại đền Trần Thái Bình đều chung số phận là “bia chui”. Tuy nhiên, ông Hóa không lý giải được tại sao khi xây dựng hồ sơ đề nghị xếp loại đền Trần Thái Bình, sở này vẫn để lọt lưới 6 tấm “bia chui” trên trong danh mục hiện vật của di tích.
Chưa từng tìm thấy mộ phần cụ thể nào
Cũng theo ông Phạm Văn Hóa, tại khu di tích này đã có rất nhiều cuộc khảo cổ, tuy nhiên “chưa có kết quả cụ thể nào làm cơ sở để định danh phần mộ là của các vị vua triều Trần”.
Tùy tiện dựng bia định danh lăng mộ các vua Trần - Ảnh: H.L
Tùy tiện dựng bia định danh lăng mộ các vua Trần - Ảnh: H.L
Các tài liệu khảo cổ tại xã Tam Đường, H.Hưng Hà là vùng trung tâm khu di tích đền Trần Thái Bình ghi rõ, năm 1979 và năm 1980, Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng tỉnh Thái Bình liên tiếp tổ chức 2 cuộc khai quật tại đây. Trong thập niên 1990, Bảo tàng tỉnh Thái Bình tổ chức thêm 2 cuộc khai quật khác. Tuy nhiên, kết quả cả 4 cuộc khai quật chỉ có thể đưa ra một kết luận chung: “Tam Đường là vùng đất đặt tôn miếu, lăng mộ các vị vua và hoàng hậu đầu triều Trần” chứ chưa từng tìm thấy mộ phần cụ thể nào của các vị vua Trần.
Cuộc khai quật năm 1980 là lần duy nhất tìm thấy một mộ phần. Căn cứ vào các hiện vật tìm thấy, báo cáo của Viện Khảo cổ học cũng chỉ kết luận “đây là một ngôi mộ thời Trần, người chết được đốt xác ở một nơi khác rồi chuyển tro than về đây chôn, chủ nhân là người theo đạo Phật và ít ra cũng phải là người trong hoàng tộc nhà Trần”. Tuy nhiên, tại phần mộ này, BQL di tích đền Trần Thái Bình tùy tiện dựng bia, xác định luôn đây là mộ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Càng tùy tiện hơn, dù chưa từng có cơ sở khoa học nào, ban này “cho rằng” 2 gò đất nằm gần đó cũng là gò mộ và cũng đặt bia, xác định luôn đây là mộ của 2 vị vua triều Trần khác là Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.
Lý giải về việc định danh trên, ông Nguyễn Công Khanh cho biết: “Lấy căn cứ định danh mộ phần từ thông tin của các cụ cao niên sống ở xã Tiến Đức”. Tuy nhiên, chính người dân xã Tiến Đức, H.Hưng Hà cũng không đồng tình với lý giải này. Ông T.V.H, một người dân, cho biết: “Nhà tôi nhiều đời sống ở đây, chưa từng nghe gia phả dòng họ nào, kể cả con cháu họ Trần, xác định đây là mộ vị vua Trần nào”.
UBND và ban quản lý di tích H.Hưng Hà đã tùy tiện định danh
Trả lời về việc tại sao để “lọt lưới” 6 tấm bia thiếu cơ sở khoa học tại lăng mộ các vị vua Trần trong hồ sơ đề nghị công nhận Di tích đặc biệt cấp quốc gia, bà Cao Thị Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, nói: “Lỗi chính là UBND và BQL di tích H.Hưng Hà đã tùy tiện định danh.
Nhưng trong quá trình thẩm tra các hiện vật của di tích, Sở VH-TT-DL và UBND tỉnh đã sơ suất, không thẩm định nguồn gốc, tính pháp lý của 6 tấm bia này nên đã trình nguyên trạng hồ sơ lên Bộ VH-TT-DL”. Về việc xử lý 6 tấm bia này, bà Hải cho biết sẽ tuân thủ quyết định của Bộ VH-TT-DL.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.