Mad Max: Bản giao hưởng điên loạn

27/05/2015 06:28 GMT+7

Diễn giải Mad Max là điên cực điểm hay Max điên theo tên nhân vật chính đều hợp lý. Tác phẩm mới nhất của đạo diễn già người Úc, George Miller, quả thật là con đường cuồng nộ như đúng cái tên của nó.

Diễn giải Mad Max là điên cực điểm hay Max điên theo tên nhân vật chính đều hợp lý. Tác phẩm mới nhất của đạo diễn già người Úc, George Miller, quả thật là con đường cuồng nộ như đúng cái tên của nó. 

Mad Max: bản giao hưởng điên loạn
Nối tiếp bộ ba bom tấn ra đời từ rất lâu: Mad Max (1979), Mad Max 2 (1981) và Mad Max Beyond Thunderdome (1985), Mad Max: Fury road tiếp tục khẳng định sê ri phim này là tác phẩm xuất sắc bậc nhất của dòng phim hậu tận thế về nội dung câu chuyện cũng như độ sáng tạo trong lối làm phim. Từ chối lối mòn, Mad Max là sự phá cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt là ở tiết tấu dồn dập. Xuyên suốt bộ phim, chẳng hề có bất kỳ sự nghỉ ngơi nào giữa những cơn say bạo lực. Giống một bản rock, thuộc thể loại heavy hay metal, Mad Max không cần phải có màn dạo đầu nào để đưa người ta đến kịch tính. Trong tận cùng sự hỗn loạn vốn đã nhận được hậu thuẫn từ tất cả các yếu tố mà George Miller cài cắm vô đấy: kỹ xảo, màu sắc, âm thanh..., cảm xúc tự động bật ra, người ta bỗng nhìn vô cùng rõ ràng về bản chất cuộc đời. Phá bỏ mọi ràng buộc cấu trúc một bộ phim thông thường bằng cách vứt bỏ khái niệm cao trào, đặt ra vấn đề rồi giải quyết vấn đề, Mad Max dẫn dắt người xem lạc vào mê cung trận chỉ hoàn toàn của đuổi bắt và giết chóc. Mặc dù nội dung của Mad Max: Fury road cũng đơn giản như ba tập phim trước, tất cả chỉ là một cuộc rượt đuổi nghẹt thở giữa hai phe thiện - ác, song ở phần này, Goerge Miller dường như đã dồn hết ngông cuồng lẫn thấu đáo của một gã sỏi đời, làm nên một tác phẩm hoặc là sự trải nghiệm tuyệt vời, hoặc là màn tra tấn tuyệt đối.
Giống một bản rock, thuộc thể loại heavy hay metal, Mad Max không cần phải có màn dạo đầu nào để đưa người ta đến kịch tính
Bộ phim lấy bối cảnh tương lai, khi mà thế giới đã trở nên hoang tàn, thành phố và các nền văn minh nhân loại sụp đổ, chỉ còn lại những hoang mạc mênh mông là nơi con người tụ tập sinh sống. Người ta khát nước uống tựa kẻ mạnh khát xăng dầu. Tất cả bọn họ đều thần phục dưới chân Joe, một kẻ sống lâu thành tinh với những tảng thịt bủng beo được nhồi dưới một lớp áo giáp bằng nhựa và úp trên mặt ông ta là cái ống thở luôn phát ra tiếng khò khè. Trong tay Joe có hàng trăm chiến binh cuồng tín, những kẻ trông chả khác gì những xác chết đội mồ sống dậy luôn ao ước được một lần “tử vì đạo” để đi về miền cực lạc nào đó. Max (nhân vật do Tom Hardy thể hiện) là kẻ sống sót trên hoang mạc. Hắn bị một vài âm binh của Joe bắt về để làm túi máu treo ở đầu xe, một nghi thức man rợ của những kẻ cuồng tín sắp lao vào cuộc “tử vì đạo”. Và lúc này đây, “túi máu” Max đang phải chứng kiến đoàn quân của Joe điên cuồng đuổi theo Furiosa (do minh tinh Charlize Theron thủ vai), người mà Joe hết sức tin tưởng giao cho trọng trách đi chinh phạt những vùng đất nguồn nhiên liệu quý giá nhưng phút cuối bỗng bất ngờ đánh cắp một vài báu vật của Joe rồi lên đường tháo chạy trở về quê hương.
Mad Max: bản giao hưởng điên loạn 2
“Cô đang làm gì?” Cô gái trả lời: “Cầu nguyện”. “Cầu nguyện với ai?”. Cô gái đáp: “Với bất cứ ai lắng nghe”. Một cách tình cờ, những hai con người phải cùng nhau bước lên chuyến hành trình chạy khỏi miền đất dữ, các cô gái là cuộc tẩu thoát, Furiosa là đi tìm hy vọng, còn Max là sự cứu rỗi. Không có hy vọng lẫn cứu rỗi, hành trình của hai kẻ bị quá khứ tươi đẹp bỏ rơi đã bất thành. Cũng chẳng có một đấng Tối cao nào nghe những lời nguyện cầu của họ. Vì trong Mad Max, thế giới như rơi vào cơn ác mộng của một kẻ bị ám ảnh những mất mát và thế giới dần lọt thỏm giữa tiếng gào thét từ tận phần “con” của đám đông đang quên mất mình từng là người ngoài kia. Cái sự độc đáo ở Mad Max: Fury road là việc đạo diễn đã thẳng tay xóa sổ hy vọng ra khỏi từ điển làm phim của ông ta. Người ta buộc phải tuân theo luật chơi của “lão già gân” đã bước tới tuổi thất thập cổ lai hy này. Họ đi loanh quanh. Một nốt trầm trôi qua rất nhanh đủ để những số phận như Furiosa nhận ra luật chơi khắc nghiệt. Chỉ duy nhất Furiosa là gào khóc trước thực tế phũ phàng, dù trước đấy cô thực sự là một chiến binh vĩ đại và Max trông như gã lữ khách bên đường tình cờ bắt gặp và kể lại câu chuyện của cô. Bởi Furiosa đã từng hy vọng. Mad Max là tác phẩm điện ảnh hiếm hoi mà có đến hai cuộc đua đi và về, miễn cưỡng được xem là hai chương của bộ phim. Họ chạy khỏi vùng đất dữ trong tâm thế mong chờ một ngày mai hy vọng, và rồi khi phát hiện ngày mai không còn, họ sẵn sàng quay trở lại vùng đất ấy. Đó là thái độ của những người lớn lên từ cái chết. Người ta rốt cuộc sống không sống vì hy vọng giống những lý thuyết đẹp đẽ được nảy sinh trong một thế giới xanh tươi. Ở thế giới phủ màu vàng của sa mạc cằn cỗi, người ta sống đơn giản vì bản năng lớn nhất của con người là sống còn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.