Ly rượu nào tiễn Lê Văn Ngăn

01/03/2015 03:00 GMT+7

'Đêm trước lúc tôi lên đường đi xa, còn nhớ không - chúng ta mời nhau vài ly rượu tiễn - anh bảo hãy uống thêm ly nữa kẻo mai sau, trong chuyến đi xa cuối cùng - chẳng ai tiễn được ai đâu', Lê Văn Ngăn đã viết những dòng trên với một đồng cảm và tiên báo.

“Đêm trước lúc tôi lên đường đi xa, còn nhớ không - chúng ta mời nhau vài ly rượu tiễn - anh bảo hãy uống thêm ly nữa kẻo mai sau, trong chuyến đi xa cuối cùng - chẳng ai tiễn được ai đâu”, Lê Văn Ngăn đã viết những dòng trên với một đồng cảm và tiên báo.

Nhà thơ Lê Văn Ngăn (trái) và tác giả bài viết
Sinh thời, nhiều lúc anh cũng đã từng nói những lời tương tự với chúng tôi trong các cuộc rượu, nhưng ở các cuộc rượu, ngôn ngữ buồn thường bị che lấp trong hơi men, trong tếu táo, trong những trận cười. Quy Nhơn có chiều sâu và đáng yêu trong những người đã sống với nó không chỉ đến hai phần ba cuộc đời mà ở những nghĩ suy có tầm và biết hóa giải những nghiêm trọng thành giản đơn trong đời sống, như anh. Trong các cuộc rượu, đôi khi anh cứ rủ rỉ lôi từ đáy cốc lên mỗi lần một mỹ nhân, có lúc nàng là cô học trò nhí nhảnh thèm chè đậu đen, có lúc nàng là một mệnh phụ quyền uy, có lúc nàng là một ca ve lơi lả, đại loại thiên hình vạn trạng nhưng kết cục nàng nào cũng yêu kim tiền và ghét nhà thơ như lúa ghét cỏ. Nhan sắc vốn là vị cần sa của thi sĩ, mà chuyện nhan sắc Lê Văn Ngăn kể có cấu tứ, chi tiết không thừa không thiếu, như một nhà viết truyện ngắn tài ba, khiến anh em cứ yêu cầu tái bản miệng nhiều lần. Trong ly rượu, ngoài nhan sắc Lê Văn Ngăn còn vớt lên được vừa những sâu sắc triết học vừa những ngây thơ đời sống, khiến nó mê hoặc tửu đồ. Từ những ngây ngô đó, anh em sáng tác liên tu bất tận những giai thoại về anh và lấy những giai thoại đó làm… mồi. Anh cũng vớt lên từ ly rượu những khuôn mặt ký ức bạn bè, có bạn chung, có bạn riêng và anh đặc biệt hay gột rửa những dấu vết trâm anh thế phiệt nếu có để chỉ còn lại những dư vị từ đường nét cần lao trong họ. Hay đi với nhau trong suốt những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, lúc Hà Nội, lúc Sài Gòn, lúc Lạng Sơn lúc Vũng Tàu, lúc Đà Nẵng lúc Đà Lạt, lúc duyên hải lúc cao nguyên, thậm chí có người gọi anh không được cứ gọi tôi để chuyển máy cho anh và ngược lại. Nào anh có thích cao lâu tửu quán gì cho cam, chỉ cần vỉa hè bãi cỏ nhìn trời cao đất rộng, chai rượu đĩa rau vài trái ớt, nghe nhau trò chuyện, thế là đủ.
Anh có những nguyên tắc bất di bất dịch là rất nghiêm túc trong chuyện họp hành, ngồi nghe và ghi chép tới nơi tới chốn và điều này ơn trời cũng phát huy trong cuộc rượu anh em, sức ngồi và sức uống của anh vào loại thứ dữ, không chơi món “lý đen” (lén đi) ”lý đức”(nâng lên đặt xuống kiểu vận động viên cử tạ). Cái câu “Thà hưu mà uống thiệt tình - Còn hơn đương chức rình rình qua tua” là từ bàn nhậu mô tả anh mà ra, giờ phổ biến hơi bị rộng. Các bậc mày râu trốn vợ đi nhậu có dám chơi món xứng mặt đàn ông như anh không, là thỉnh thoảng anh mời chị ra quán, hai người gọi một gói thuốc chàng điếu nàng điếu bập phà rất điệu nghệ, một thùng bia ra cùng “song ẩm”!
Nhà thơ Lê Văn Ngăn thuộc hàng nhiều giai thoại ở xứ sở này và ở độ ai yêu anh cũng yêu tới bến ai ghét cũng ghét anh ra trò. Tôi hiểu, anh từng trải với đắng ngọt nhục vinh, trân trọng những giá trị thực chất cũng như khinh bỉ mọi nhố nhăng giả trá với một thái độ sống nhiều lúc đến cực đoan. Từ Huế vào Quy Nhơn, dải đất nắng gió quyết liệt, ngay ẩm thực cũng chọn đắng cay làm chủ vị, làm sao trắng đen lại trà trộn, thật giả lại thỏa hiệp được. Thơ anh đã chuyển tải cái phẩm chất này ở anh, trong một phong cách và bản lĩnh cao cường, thường ở trạng thái không có dấu vết phô diễn nào của nghệ thuật. Trừ một lần do trân trọng tri kỷ, anh có dự thi thơ Báo Văn nghệ và được giải cao, sau đó được đặc cách vào Hội nhà văn, còn lại những cuộc thi thố khác anh thờ ơ. Ngay cả cái giải mà địa phương tốn hàng tỉ cho một mùa, nếu anh gửi tác phẩm, đương nhiên “thì trao giải nhất chi nhường cho ai” nhưng anh không màng. Thái độ ấy đã bảo hành cho những vần thơ giản phác mà quyết liệt: “Đêm đêm, ở nơi xa - con thường xếp lại những trang sách lời lẽ ồn ào - các nhà thơ ấy vẫn ngỡ thơ mình lớn hơn chiếc khăn len mùa đông giá - lớn hơn sức mạnh của những người suốt đời lặng im làm việc - Đêm đêm, ở nơi xa - con thường đặt vào lửa những bài thơ con mới viết - những gì vô ích - xin hãy biến thành tro tàn…”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.