Lời buồn cho làng cổ Cự Đà

05/05/2011 00:08 GMT+7

Một người bạn Nhật đi cùng nói với tôi mà mắt ngấn nước: “Sao người ta lại đối xử tệ bạc với làng cổ như vậy? Nếu có tiền và có quyền, tôi sẽ mua cả làng cổ để con cháu đời sau còn dịp thưởng ngoạn và hiểu biết về cha ông”.

Mấy năm trước, tôi được mấy người bạn rủ về thăm làng cổ Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Nằm bên bờ sông Nhuệ, làng đẹp đến sững sờ. Dẫu dòng sông bắt đầu có màu sắc, mùi vị công nghiệp và mấy nhà xây mới lạc lõng nhưng làng vẫn quá ư thơ mộng. Người lớn tuổi trong làng cho biết mấy chục năm trước, sông Nhuệ nước trong và mát, ăn đứt thiên hạ. Còn dân Cự Đà vừa phong lưu, giàu có mà lại lịch lãm nhất vùng.

Dẫu không còn như xưa, Cự Đà vẫn đẹp, cổ kính mà chẳng già nua, không đối lập với năm tháng. Từ cổng đến đường làng dẫn vào từng nhà đều có sự liên kết tinh tế. Đầu thế kỷ 20, thôn Cự Đà (tỉnh Hà Tây cũ) đã có điện, nhiều nhà có ô tô. Họ là những doanh nhân thành đạt bấy giờ. Các nhà cổ là kiến trúc chủ đạo của làng, bố trí theo hình xương cá mà trục chính là sông Nhuệ. Những nhà cổ thuần Việt đan xen với các biệt thự kiểu Pháp hoặc trộn lẫn Á - u hài hòa đến kinh ngạc. Tiếc là các cột điện ngày xưa đã được thay mới, cả những đường làng lát gạch nghiêng đặc trưng Bắc Bộ đang dần dần bị thay bằng xi măng. Dầu vậy, Cự Đà vẫn đẹp, nét đẹp chín chắn, tự hào.

 
Một ngôi nhà cổ đang xuống cấp ở Cự Đà - Ảnh: Lưu Quang Phổ

 
Người dân đang thay ngói cũ bằng ngói mới cho một ngôi nhà cổ - Ảnh: Lưu Quang Phổ

Tiếng lành đồn xa, các nhà khoa học và du khách rủ nhau về nghiên cứu, tham quan tìm hiểu. Gần trăm năm trước, nếu cụ Bát Hồng là người xây nhà Tây hai tầng đầu tiên ở Cự Đà thì cụ Cử Doanh được coi là ông tổ dệt kim của cả nước - người sáng lập ra nhiều xưởng dệt nổi tiếng ở Hà Nội, tiền thân của Công ty may Đồng Xuân ngày nay. Trong nhóm bạn tôi lúc ấy, có người đã lo lắng cho trào lưu “hiện đại hóa” các làng cổ, “làm mới” các di tích đang nở rộ khắp nơi mà Cự Đà không thể nằm ngoài quy luật khi đó. Sự “đổi mới” dẫu kệch cỡm hơn nét cũ nhưng vẫn có thể chấp nhận vì chưa phá vỡ cảnh quan tổng thể.

Vừa rồi trở lại Cự Đà, tôi bàng hoàng không nhận ra cảnh cũ. Sông Nhuệ gần giống kênh Nhiêu Lộc của TP.HCM. Cả làng cổ đau đớn lột xác, biến thành đại công trường mịt mù cát bụi. Rất nhiều nhà cổ bị phá vỡ không thương tiếc để xây mới lòe loẹt và hợm hĩnh. Tôi biết có doanh nghiệp xây dựng ở miền Trung về Cự Đà thu gom từng viên gạch cổ bị vứt bỏ để về xây biệt thự cao cấp. Về Cự Đà giờ chỉ thấy ngổn ngang gạch cát, xi măng và cọc thép. Đi đâu cũng gặp những chiếc xe ba gác tự chế chở vật liệu nườm nượp ra vào như mở hội. Tiếng ồn, khói, bụi... đã giết chết làng nghề. Còn chỗ đâu phơi phóng và bày hàng? Làng cổ Cự Đà đang hấp hối, không thể nào cứu chữa.

Chẳng biết trách ai. Phải chăng đó là hệ quả việc Cự Đà trở thành thành viên Hà Nội? Đất  thủ đô lên giá vùn vụt, có nơi hơn 30 triệu đồng/m2. Đất nông nghiệp của làng bị thu hồi để xây khu đô thị mới. Có nhà được đền bù gần chục tỉ đồng. Chẳng ai hướng dẫn chuyển nghề. Cũng chẳng có quy hoạch giữ gìn làng cổ. Cứ mạnh ai nấy làm theo ý mình. Tiền nhiều quá nên đua nhau xây nhà mới và sắm sửa đủ thứ đi kèm với các dịch vụ hiện đại. Chỉ tội nghiệp làng cổ, tội nghiệp du lịch Việt Nam. Cứ đà này, chừng mươi năm nữa, làng cổ Việt Nam sẽ biến mất. Rất đau khi phải chứng kiến những giá trị văn hóa đang từng ngày bị phá hủy và lụi tàn.

Nguyễn Văn Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.