Làng Việt giữa trời Âu

23/04/2013 04:00 GMT+7

Đoàn công tác Báo Thanh Niên sang thăm và làm việc tại Ukraina vào những ngày đầu xuân 2013, khi mùa đông lạnh lẽo nhất trong mấy thập niên tại đây vừa đi qua, chợt thấy ấm lòng khi được ở giữa một ngôi làng của người Việt.

Trên hành trình đường bộ từ Kiev về Kharkov, hai bên đường những hàng bạch dương trắng muốt trơ cành khẳng khiu dưới nắng, những cánh đồng đất đen đang trở mình cho vụ mùa lúa mì đang tới.

Nghỉ ăn trưa dọc đường với súp truyền thống của người Ukraina và bánh mì đen, một nhà báo nói vui: “Cho thêm đĩa rau muống luộc, nước rau vắt chanh nhé!”. Anh Trường - người của Tổng công ty Sungroup đến đón đoàn tự tin: “Các anh chị cứ yên tâm về Kharkov, món gì cũng có, như quê nhà luôn”.

 
Tượng đài Thánh Gióng trong khuôn viên làng

 
Các cô bảo mẫu Ukraina và các em bé Việt - Ảnh: Phương Thảo

Làng Thời Đại

Đã nghe kể nhiều về làng Thời Đại nhưng có đến tận nơi mới thấy hết nét độc đáo, công sức và niềm tự hào của cộng đồng người Việt tại đây. Những năm 90, 91 của thế kỷ trước, Kharkov là thành phố công nghiệp nổi tiếng của Liên Xô cũ với các nhà máy lớn chế tạo máy bay, xe tăng, động cơ... Hàng chục ngàn lao động Việt Nam đã sang đây thực hiện thỏa thuận về hợp tác lao động giữa hai chính phủ. Trong bối cảnh biến động khi Liên Xô tan rã, nhà máy đóng cửa, lao động mất việc, phần lớn lao động về nước, một bộ phận người Việt đã ở lại, bươn chải và hình thành nên cộng đồng khoảng gần 6.000 người tại Kharkov hiện nay.

 

Chả bao giờ và ở đâu tôi nghe từ “làng” mà thấy rưng rưng đến thế 

Từ năm 2003, nền nhà máy động cơ cũ với diện tích 8 ha đã được Công ty Vinamex - tiền thân của Tổng công ty Sungroup bây giờ đầu tư mua lại và xây dựng nên khu làng Thời Đại theo mô hình chung cư hiện đại khép kín. Hơn 1.000 bà con với khoảng 340 hộ đang định cư tại đây được hưởng thụ hệ thống sân chơi, vườn hoa, sân tennis, công viên nước trong nhà rất hiện đại. Một khu làng hoàn thiện, tiện nghi và đảm bảo cuộc sống cho cư dân Việt tại nước ngoài mà có lẽ chưa cộng đồng người Việt ở đâu có được.

Với vốn tiếng Nga ít ỏi, tôi có dịp vận dụng hết công suất những giờ đờ rat sờ vui tre, đa vai, sờ pa xi pơ, pa gia lu sờ ta... để chào hỏi, cám ơn những người Ukraina đang làm công việc phục vụ, bảo vệ, duy trì hoạt động của làng và luôn nhận được nụ cười thân thiện.

Gia đình anh chị Thực (quê Hưng Hà, Thái Bình) đã ở bên này gần 30 năm, là những công dân đầu tiên của làng rất hài lòng với cuộc sống ở đây. Anh chị tâm sự chắc sẽ gắn bó cuộc sống lâu dài và coi Kharkov là quê hương thứ hai. Ở đây thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành và quan trọng là làng đã tạo sự tin cậy, gắn kết cộng đồng, ấm áp và an toàn cho mọi cư dân.

Đến làng Thời Đại không khó để gặp các quảng cáo Tóc Thu, beauty salon Thu Trang, nhà hàng Hương Việt, quán bò né Sự Lan... Các món ăn, gia vị Việt như bún chả, bún măng, tôm rang thịt, chao, nước mắm, dưa cà, ớt rau thơm… luôn làm quê hương như gần lại.

Ứng xử theo hương ước

Làng Thời Đại đã xây dựng một hương ước công phu với các quy định về quy tắc ứng xử trong cộng đồng, những nguyên tắc tối thiểu trong giao tiếp, quan hệ làm ăn với chính quyền sở tại, để tất cả mọi người tự nguyện tuân theo. Những quy định thưởng phạt đưa ra khá nghiêm nhặt: từ chuyện đánh người, chửi thề, quậy phá, hút xách, nhuộm tóc xanh, đỏ... đều được giải quyết theo hương ước. Các cư dân của làng luôn coi nhau như ruột thịt, các mâu thuẫn trong cộng đồng đều được hóa giải bằng tình, bằng nghĩa, không có trường hợp nào phải cần đến sự can thiệp của chính quyền sở tại. Ông Nguyễn Văn Hữu, Trưởng ban Hòa giải của Hội Người Việt Kharkov suốt hai nhiệm kỳ, cười vui: “Chúng tôi có uy tín lắm, không chỉ việc ở đây, có những việc xảy ra ở bên nhà, bà con cũng nhờ chúng tôi phân xử”. Ông Trần Đức Tựa - Chủ tịch Hội Người Việt tại Kharkov lúc nào cũng trăn trở làm sao để người Việt mình được phía bạn trân trọng, ghi nhận, sao cho bà con mình yêu thương đùm bọc nhau và làm ăn thuận lợi nơi xa xứ.

Những ngày hội làng, trung thu, tết cổ truyền dân tộc... là dịp mọi người quây quần bên nhau; lễ dâng sao giải hạn đầu năm, lễ Vu lan báo hiếu được tổ chức trang trọng tại chùa Trúc Lâm Kharkov, ngôi chùa Việt lớn nhất châu u… Mỗi người dân của làng thực sự là những đại sứ văn hóa, hữu nghị, góp phần xây dựng một hình ảnh Việt Nam thân thiện, đậm đà bản sắc trên xứ người.

Ở Ukraina có một loài hoa ẩn mình trong băng tuyết, vươn lên và nở hoa mạnh mẽ rực rỡ khi tuyết vừa tan, gọi là hoa xuyên tuyết. Những bông hoa xuyên tuyết làm tôi liên tưởng đến bản lĩnh, sức vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng người Việt tại đây.

Chiều xuân, trong cái nắng ấm áp khi một mùa băng tuyết lạnh lẽo vừa qua, nhìn các em bé người Việt đạp xe, chạy nhảy tung tăng dưới chân tượng đài Thánh Gióng, các cô bảo mẫu người Ukraina đẩy xe nôi, các em bé Việt má hồng hào như trái táo thơm dạo chơi trong vườn hoa quảng trường làng Thời Đại, chợt thấy ấm lòng.

Chả bao giờ và ở đâu tôi nghe từ “làng” mà thấy rưng rưng đến thế.

Kharkov, tháng 4.2013

Phương Thảo

>> Những người Việt sáng tạo
>> Tìm người Việt Nam thứ hai bay vào vũ trụ
>> Người Việt Nam tiếp theo bay vào vũ trụ
>> Hai người Việt được WEF vinh danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.