Làm phim truyền hình: Khi nhà sản xuất “ép giá”

23/06/2011 00:40 GMT+7

Xã hội hóa phim truyền hình, cộng thêm nhu cầu hơn 5.000 tập phim/năm khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang làm nhà sản xuất.

Vẫn chưa có nhà sản xuất đúng nghĩa

Bà Đinh Thanh Hương, Giám đốc sản xuất Hãng phim Thiên Ngân cho rằng: chức năng lẫn khái niệm của nhà sản xuất (NSX) khác xa với nhà đầu tư (NĐT). NSX là người phát hiện hay đưa ra ý tưởng làm phim, lập dự án chi tiết thực hiện phim trình NĐT để tìm nguồn tài chính. Nếu được đồng ý, NSX tiếp tục bước thứ hai là lên kế hoạch chọn đạo diễn, diễn viên, quay phim... NSX chính là người tiêu số tiền đầu tư sao cho hiệu quả nhất để có được bộ phim hay nhất. Một NSX chuyên nghiệp, người này (hay nhóm) phải thấy trước được tính khả thi của dự án, hiểu người, hiểu công việc và quan trọng phải biết làm gì, với ai để cho công việc hiệu quả, đáng “đồng tiền bát gạo”…

Dĩ nhiên, một NSX chuyên nghiệp, từng thành công với nhiều dự án phim thì bản thân họ đã tạo được lòng tin cho các NĐT. NSX phải hiểu được sở trường của các đạo diễn để giao phim, đồng thời giúp họ tìm diễn viên, đối tác. Và đương nhiên NSX phải gánh phần trách nhiệm về tài chính cũng như tất cả những chuyện khác để đạo diễn được hoàn toàn yên tâm làm phim. Do vậy, một bộ phim làm ra nếu thất bại thì uy tín của NSX sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có thể mất việc.

Tuy nhiên, một đạo diễn bày tỏ quan ngại: “Hiện đa số NSX phim truyền hình đều xuất thân là NĐT. Có tiền nhưng phần đông không nhiều kinh nghiệm làm phim, do đó chẳng thể phân định được vai trò của đạo diễn: làm sao để bộ phim thể hiện trọn vẹn ý tưởng của kịch bản, trong đó có cả việc chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên. NSX giao đạo diễn làm vai trò của NSX, trong khi họ lại làm ngược lại, bao cả chuyện thực hiện hậu kỳ, cắt dựng phim, chọn nhạc… những việc lẽ ra phải của đạo diễn. Ngược đời như vậy làm sao phim truyền hình Việt tiến bộ?”.

“Điều quan trọng nhất khi làm việc là phải có hợp đồng. NSX phải ký hợp đồng với đạo diễn, diễn viên, nhân viên kỹ thuật… khi thực hiện một dự án phim. Đạo diễn và NSX cần quy định rõ trong hợp đồng: đạo diễn làm phim đến đoạn nào, phần hậu kỳ ai chịu trách nhiệm” - Lưu Phước Sang (Giám đốc Hãng phim Phước Sang)

Nhiều đạo diễn tiết lộ một số hãng (cũng là NSX) “ép” giá chi phí sản xuất từ A đến Z một tập phim còn 75 - 85 triệu đồng. Đạo diễn hay trợ lý, phó đạo diễn làm xong tập nào giao cho NSX tiếp tục công đoạn hậu kỳ. Bởi thế khán giả dễ nhận ra vô số phim cố tình kéo dài lê thê những cảnh không cần thiết hoặc bị cắt đột ngột tùy hứng do người dựng phim, làm hậu kỳ là nhân viên của NSX, thiếu kinh nghiệm trong quá trình xử lý. Trong khi đó, hệ thống trường sân khấu - điện ảnh của ta hiện nay lại không có chuyên ngành đào tạo NSX cũng là một điểm đáng quan ngại. 

Bóc lột diễn viên?

Diễn viên K.N. từng thừa nhận với báo chí: “NSX luôn nói làm phim với kinh phí thấp nên cát-sê diễn viên giảm, thậm chí thiếu cả sự chăm sóc chu đáo”. Còn đạo diễn, diễn viên H.T. chia sẻ: “Quay phim cổ trang mà không dám bỏ tiền thiết kế trang phục. Một bộ quần áo 2, 3 người mặc. Khán giả rất dễ phát hiện khi lên phim các nhân vật này xuất hiện cách nhau vài phút”.


Cảnh trong phim  Mệnh lệnh hoa hồng - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Hiện cát-sê trung bình cho một diễn viên chính, thứ chính phim truyền hình từ 2,5 - 4 triệu đồng/tập. Riêng ngôi sao có thể lên 5 - 7 triệu/tập hoặc hơn. Ca sĩ Đan Trường nhận 6 triệu đồng/tập phim Thứ ba học trò. Diễn viên quần chúng nhận từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày quay. Chính vì cát-sê “bèo” nên đa số diễn viên phim truyền hình từ sao đến “không sao” đều tích cực chạy sô. Diễn viên nhận một lúc nhiều phim như T.Q.A, K.N, V.T,  P.T.V,… do vậy khó mà yêu cầu họ đạt đến “đỉnh” của vai diễn khi không thể đủ thời gian nghiên cứu kịch bản, thấm sâu tính cách nhân vật.

Một số NSX chưa thanh toán cát-sê cho diễn viên như trường hợp G.B., khiến diễn viên này phải bỏ vai diễn trong phim Mệnh lệnh hoa hồng. Nhiều diễn viên than thở họ bị nợ cát-sê khi tham gia vai phụ phim truyền hình. Diễn viên đóng vai quần chúng, vai nhỏ thường xuyên bị quỵt cát-sê không phải hiếm. Chuyện ký kết hợp đồng công việc giữa NSX và diễn viên vẫn còn lỏng lẻo, sơ sài nên đến khi xảy ra sự cố, khó mà đưa ra tòa án giải quyết tranh chấp. Nhiều diễn viên quá mong muốn xuất hiện trên màn ảnh nhỏ nên chấp nhận bị “bóc lột”. Tình trạng phổ biến hiện nay là NSX ăn gian phân đoạn với diễn viên, đặc biệt là vai phụ. Họ ký hợp đồng với diễn viên theo phân đoạn. Tuy nhiên khi quay, NSX gộp một phân đoạn gồm 3, 4 cảnh, kéo dài lê thê nhưng chỉ trả cho diễn viên đúng từng ấy tiền.  

Thành lập Hiệp hội Diễn viên là nhu cầu có thật của đa số người làm nghề để bảo vệ quyền lợi trong công việc. Tuy nhiên đến nay hiệp hội này vẫn chưa ra đời. Và vì vậy chuyện xung đột giữa diễn viên và NSX vẫn còn dài khi mà phim truyền hình ngày càng phát triển vô tội vạ như hiện nay.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.