Kỷ vật trong lòng đất - Kỳ 4: Ước mơ cao đẹp

01/05/2013 03:30 GMT+7

Tràn đầy lạc quan, cô học sinh Lê Thị Thiên mới 17 tuổi đã tham gia kháng chiến. Sau đó là những trang nhật ký chân thành ghi lại mọi diễn biến tình cảm, tư tưởng trong học tập, công tác, lòng yêu nước...

>> Kỷ vật trong lòng đất - Kỳ 3: Cảm nhận từ trang sách

Trong tập nhật ký, 2 chữ Tổ quốc và quyết tâm Vì Tổ quốc được chị Thiên trịnh trọng ghi lại nhiều lần. Tổ quốc đối với chị đẹp rạng rỡ trong tình yêu mãnh liệt. Vì đó mà chị và cả thế hệ của mình đã dấn thân, sẵn sàng chấp nhận mọi đau thương, hy sinh để đấu tranh cho ngày thống nhất đất nước. Cũng trong nhật ký, hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi được chị nhắc đến nhiều lần, ngay cả khi cô gái trẻ ấy nghĩ về tình cảm lứa đôi... Rồi chị làm thơ về anh Trỗi với ước nguyện (nhưng cũng là quyết tâm): “Nhớ anh, tôi nhớ lời anh dặn/Nhớ anh, sống chiến đấu như anh.../Làm sao xứng với tuổi xanh/Giải phóng đất nước, đạt thành ước mơ”.

 Ông Nguyễn Văn Lộc (bìa phải), Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Dương, nhận cuốn nhật ký và những kỷ vật đưa vào Bảo tàng Bình Dương
Ông Nguyễn Văn Lộc (bìa phải), Giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Dương, nhận cuốn nhật ký và
những kỷ vật đưa vào Bảo tàng Bình Dương - Ảnh: Đỗ Trường

Lời thơ của chị chân thành và mộc mạc nhưng thấm đẫm trong đó là tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ và sức mạnh của lý tưởng cách mạng. Từ đó, chị luôn tự vấn mình phải tự rèn luyện, tu dưỡng làm sao để ngày càng hoàn thiện hơn. Chị vui mừng với những đóng góp trong công tác hằng ngày của mình, rồi động viên sẽ cống hiến nhiều hơn. Chị luôn nhắc nhở mình sống sao cho tốt đẹp, xứng đáng với niềm tin và lý tưởng của mình.

Ánh sáng trong hầm tối

Những trang nhật ký với nét chữ đứng, thong thả và hồn nhiên của chị như là những chứng nhân lịch sử ghi dấu từng sự việc và chuyển biến quan trọng của thực tiễn kháng chiến trong cuộc đời của chị. Ở trang nhật ký được chị đánh dấu số trang 35, đề ngày 20 (hay 28).10.1966, chị ghi những dòng cuối cùng. Có thể ngay hôm sau hay vài ngày sau đó chị đã hy sinh. Thật lạ lùng, những dòng nhật ký cuối cùng của chị lại viết về việc đọc sách. Chị nhắc nhở mình nên đọc sách thường xuyên khi ghi lại lời của các nhà văn cách mạng Nga, và lời của một vị lãnh tụ khác nói về sức mạnh của tri thức và tình cảm có được từ việc đọc sách. Cứ hình dung, trong góc một căn hầm nhỏ ở chiến khu Đ, với ánh sáng mờ mờ rọi xuống từ lỗ thông hơi ở nóc hầm, một cô gái 21 tuổi, tóc dài kẹp thả ngang vai, gương mặt hiền lành với ánh mắt và nụ cười luôn tươi tắn đang lom khom ngồi viết nhật ký, dù bên trên bom đạn giặc thù đang gầm rú. Chắc chắn rằng trong căn hầm chiến đấu ấy không có cuốn sách nào. Vì vậy những dòng nhật ký nhắn nhủ về việc đọc sách chính là thể hiện ước mơ được đọc sách của chị. Ước mơ cao quý nhưng rất đỗi bình thường đó không thành. Bởi vì sau những dòng ghi chép này, dù còn nhiều trang giấy trắng nhưng tập nhật ký của nữ liệt sĩ Lê Thị Thiên đã vĩnh viễn khép lại...

Điều có ý nghĩa quan trọng nhất ở đây là cuốn nhật ký cùng với những bức ảnh kỷ vật ấy sau 46 năm vùi sâu dưới lòng đất nay đã xác định được người chủ thiêng liêng của nó. Chúng ta còn nhận ra sự trùng hợp đến diệu kỳ những chi tiết về cuộc đời, về những tên người, tên địa danh chị ghi trong nhật ký, về ngày tháng chị thoát ly tham gia cách mạng, thời điểm năm và nơi chị hy sinh... với cuộc đời thật và nhân thân của liệt sĩ Lê Thị Thiên.

Yêu thương trào dâng

Cô gái Nam bộ nhỏ nhắn có khuôn mặt hiền hậu, tươi vui với chiếc răng khểnh duyên dáng, quê quán Cai Lậy, Mỹ Tho, thoát ly kháng chiến năm 17 tuổi, hy sinh năm mới 21 tuổi là tác giả của cuốn nhật ký lịch sử Thế hệ Hồ Chí Minh. Tên chị, Lê Thị Thiên, đã ghi vào lịch sử tuổi trẻ Việt Nam cùng với Đặng Thị Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc. Chị Lê Thị Thiên, gọi theo Nam bộ là chị Sáu Thiên, đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc. Chị viết nhật ký mà không nghĩ rằng những dòng nhật ký đó ngày nay được những người còn sống tìm đọc trong tình cảm dâng trào yêu thương và ngưỡng mộ.

Khác với chị Trâm, anh Thạc, chị Sáu Thiên là cô gái miền Nam, học hành ít hơn, chị chưa có ngày tháng nào trên giảng đường đại học, chữ nghĩa cũng ít hơn, lời lẽ ghi chép cũng chất phác mộc mạc hơn. Dung lượng ghi chép, nội dung thể hiện, số trang nhật ký cũng ít hơn. Nhưng nói như người ta đã nói về nhật ký của chị Trâm, cả 3 tập nhật ký đều... có lửa. Ngọn lửa được thắp sáng rực rỡ từ lý tưởng cách mạng và lối sống trong sáng, cao quý của tuổi trẻ Việt Nam. Như vậy, nhật ký cách mạng của chị là nhật ký đầu tiên tìm được của thanh niên Nam bộ, được phát hiện ở Nam bộ. Chắc rằng, chúng ta sẽ còn tiếp tục phát hiện thêm được những tập nhật ký khác, cũng rực lửa lý tưởng như vậy.

TS Huỳnh Ngọc Đáng
(Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương)

Đỗ Trường
(ghi)

>> Công bố cuốn nhật ký của liệt sỹ vô danh
>> Nhật ký Đặng Thùy Trâm có bản tiếng Nga
>> Hành trình theo cuốn nhật ký
>> Nhật ký chiến trường của Phan Tứ
>> Phát hành bản dịch quốc tế ngữ Nhật ký Đặng Thùy Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.