Kỷ vật trong lòng đất - Kỳ 2: Hành trình tìm kiếm tác giả

29/04/2013 03:25 GMT+7

Sau khi cuốn nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh được công bố rộng rãi, nhà báo Nguyễn Quang Hiệp (Tổng biên tập Báo Bình Dương) đã thành lập đoàn công tác cùng với nhiều cán bộ, phóng viên để đi tìm tác giả cuốn nhật ký.

>> Kỷ vật từ lòng đất

Hy vọng mong manh

Theo nhà báo Nguyễn Quang Hiệp, từ những thông tin trong cuốn nhật ký, đoàn công tác xác định tác giả của cuốn nhật ký là nữ  giáo viên có quê gốc ở miền Tây. Những thông tin và hình ảnh kèm theo cuốn nhật ký nhanh chóng được gửi đến các nhà giáo lão thành và các bộ, ngành trung ương. Đồng thời, đoàn công tác tiếp tục đi đến các địa phương ở Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM để tìm tác giả. Việc tìm kiếm tác giả cuốn nhật ký đã có lúc tưởng chừng như đi vào ngõ cụt thì có một tia hy vọng sáng lên.

Kỷ vật trong lòng đất - Kỳ 2: Hành trình tìm kiếm tác giả
6 tấm ảnh được tìm thấy cùng cuốn nhật ký - Ảnh: Đỗ Trường

Bắt đầu từ cuộc họp mặt 50 nhà giáo kháng chiến tại khu căn cứ T.Ư Cục miền Nam được tổ chức tại Tây Ninh. Tại đây, những nhà giáo kháng chiến ở các tỉnh được xem cuốn nhật ký và những hình ảnh. Thế nhưng, nhiều nhà giáo xác nhận tác giả là người đã đi học chung nhưng không ai nhớ họ tên vì lúc đó là hoạt động bí mật nên phải gọi nhau bằng bí danh.

Ông Hiệp kể lại: “Sau khi hỏi thông tin từ các nhà giáo kháng chiến, chúng tôi được cung cấp danh sách 810 nhà giáo hy sinh trong kháng chiến của Bộ GD-ĐT. Dò tên từng người trong danh sách, tôi có linh tính như mách bảo chắc chắn nhà giáo Nguyễn Thị Thiên, quê Tiền Giang, hy sinh tại chiến trường miền Đông chính là tác giả của cuốn nhật ký”. Theo ông Hiệp, căn cứ để ông xác định tên của tác giả cuốn nhật ký đó là 2 chữ ở góc trên trang đầu cuốn nhật ký bị gạch xóa nhòa đi chỉ nhìn rõ 2 chữ T đầu. Sau đó, bằng nhiều nguồn thông tin khác, đích thân nhà báo Nguyễn Quang Hiệp cùng với một số phóng viên đã về xã Mỹ Phước Tây, H.Cai Lậy (Tiền Giang) để xác minh thông tin về liệt sĩ, nhà giáo Nguyễn Thị Thiên. Thế nhưng, tại xã Mỹ Phước Tây, theo danh sách liệt sĩ mà UBND xã cung cấp thì chỉ có tên Lê Thị Nhiên.  

Gặp người đi kháng chiến

Tại Tiền Giang, đoàn công tác đã may mắn gặp được ông Mai Văn Nghiêm (một cựu chiến binh xã Mỹ Phước Tây, H. Cai Lậy). Vừa xem tấm ảnh kèm theo cuốn nhật ký, ông Nghiêm nhận ra ngay liệt sĩ Nguyễn Thị Thiên. Ông Nghiêm cho biết, năm 1962, chính ông là người đã đưa Thiên đi tham gia kháng chiến.

Sau đó, ông Nghiêm dẫn đoàn công tác đến nhà ông Nguyễn Thanh Văn - là cháu gọi liệt sĩ Thiên bằng dì ruột (ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây) để xác minh. Sau một hồi tìm kiếm, vợ chồng ông Văn đưa ra giấy báo tử ghi: “Đồng chí Lê Thị Thiên, sinh năm 1945 tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, H.Cai Lậy, Tiền Giang; nhập ngũ ngày 8.2.1962, hy sinh ngày 10.10.1966. Đồng chí đã được tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng ba và truy tặng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng nhì”. Từ những thông tin trong giấy báo tử, đối chiếu với những chi tiết trong cuốn nhật ký đã làm sáng tỏ được tác giả cuốn nhật ký. Tuy nhiên, có 2 sự nhầm lẫn cũng đã được làm sáng tỏ đó là liệt sĩ Lê Thị Thiên có một người em gái tên Lê Thị Nhiên mất năm 16 tuổi vì bom đạn; trong lúc làm danh sách đề nghị công nhận liệt sĩ, người đánh máy ở xã Mỹ Phước Tây đã đánh nhầm tên Lê Thị Thiên thành Nguyễn Thị Thiên.

Theo thông tin từ những người thân, đồng đội và chính quyền xã Mỹ Phước Tây, tháng 2.1962, Lê Thị Thiên vào bộ đội và được cử đi học sơ cấp văn hóa. Cuối tháng 12.1962 Thiên trở lại đơn vị bộ đội ở miền Đông Nam bộ công tác và viết nhật ký. Đến tháng 5.1964, Thiên được cử lên T.Ư Cục miền Nam (Tây Ninh) học lớp sư phạm tại Trường Giáo dục Tháng Tám (khóa 2). Tháng 2.1965, Thiên tốt nghiệp, trở lại chiến trường hoạt động và hy sinh ngày 10.10.1966. Liệt sĩ Lê Thị Thiên có cha mẹ là ông Lê Văn Như và bà Nguyễn Thị Hò đều đã qua đời, được nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng ba. Lê Thị Thiên là người con con thứ 5 trong gia đình có 6 anh chị em và tất cả đều đã qua đời, có 2 người là liệt sĩ. Liệt sĩ Thiên có người chú ruột tên là Lê Văn Phẩm (tự Chính Hải, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang). Với truyền thống gia đình, ngay từ nhỏ, Lê Thị Thiên đã sớm được giác ngộ cách mạng và đào tạo trở thành cán bộ trên mặt trận văn hóa. Việc thờ cúng gia đình liệt sĩ Thiên đều do vợ chồng ông Nguyễn Thanh Văn đảm nhiệm.

Trích đoạn nhật ký

- Tháng 10.1963: Vì yêu cầu công tác, M (mình - PV) được chuyển đến dạy ở một trường khác của xã (ấp B.T).

- Tháng 2.1964: Trường xã không có người, M. được bố trí về đây.

- Tháng 5.1964: Được tin chuẩn bị đi dự lớp sư phạm ở R (họp ngày 30.5), rất phấn khởi về tư tưởng. Vì đi học sẽ có kiến thức, phục vụ cách mạng nhiều hơn.

 Kỷ vật trong lòng đất - Kỳ 2: Hành trình tìm kiếm tác giả 1
Chân dung liệt sĩ Lê Thị Thiên được tìm thấy cùng cuốn nhật ký - (ảnh chụp lại)

- Ngày 4.6.1964: Ngày giỗ ngoại. Qua lời khuyên của cậu, M. cố khắc sâu vào tư tưởng, cố gắng làm thế nào cho xứng đáng là đứa cháu của cậu, đứa con ngoan của ba má, đứa con ưu tú của Đảng.

- Ngày 22.6.1964: Rời gia đình lên đường học tập, M. có cảm nghĩ mới lạ. Khi học tập phải cố gắng với bổn phận của mình để xứng đáng là đứa con yêu của ba má, đứa em của các chị, đứa con của cách mạng, của Đảng.

- Ngày 4.7.1964: M. đến điểm học tập. Trong sinh hoạt ở đây có nhiều mới lạ, vui tươi. M. thích quá - Tư tưởng đã lớn, con người cũng mạnh dạn kể từ đây.

- Ngày 26.7.1964: Được tin giặc càn bố xã nhà, M. cảm thấy buồn và lo lắng nhiều. Không biết bà con ở đây ra sao? Gia đình M. thế nào? Sốt ruột mong biết tin.

Đỗ Trường

>> Kỷ vật từ lòng đất 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.