Ký úc Jane Hà Nội

22/02/2015 15:44 GMT+7

(TN Xuân) Tháng 7.1972, Jane Fonda đến miền Bắc Việt Nam. Rũ bỏ vẻ quyến rũ thường thấy, hình ảnh một 'Jane Hà Nội' với chiếc áo bà ba giản dị vẫn còn đọng trong tâm trí của những người đã trải qua năm tháng bom đạn trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

(TN Xuân) Tháng 7.1972, Jane Fonda đến miền Bắc Việt Nam. Rũ bỏ vẻ quyến rũ thường thấy, hình ảnh một “Jane Hà Nội” với chiếc áo bà ba giản dị vẫn còn đọng trong tâm trí của những người đã trải qua năm tháng bom đạn trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Ký úc Jane Hà Nội 1

Trong năm 1972, khi cuộc chiến đang diễn ra cực kỳ khốc liệt, vậy mà có hai nhân vật nổi tiếng thế giới đến Việt Nam. Mùa hè là Jane Fonda và mùa đông là nữ ca sĩ dòng nhạc dân gian truyền thống Joan Baez. Tuy nhiên, suốt những năm sau, “Jane Hà Nội” mới thực sự là biểu tượng dữ dội nhất của phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ.

Là một người Mỹ, Jane Fonda cực kỳ quan tâm đến phụ nữ và trẻ em. Trong nửa tháng lưu lại Hà Nội, Jane dành nhiều thời gian tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Và ngay lần đầu tiên trò chuyện với ban biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam, nữ diễn viên của Coming Home đã nhẹ nhàng đề nghị: “Cho tôi gặp một phóng viên trở về từ mặt trận được không?”. Ngay lập tức yêu cầu của cô được đáp ứng và người nữ phóng viên được chọn có tên là Tô Minh Nguyệt. 

Chạm đến trái tim

Câu chuyện của chị đã chạm đến trái tim tôi. Tôi sẽ nhớ chị mãi. Hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau giữa hòa bình
Jane Fonda

Trong căn nhà ấm cúng tại quận 4, thành phố Hồ Chí Minh, người nữ phóng viên chiến trường năm xưa - nay đã 71 tuổi - bồi hồi lật lại cuốn album lưu giữ những tấm ảnh về những tháng ngày đạn bom và oanh liệt. Thời điểm gặp Jane, bà Nguyệt vừa hoàn thành chuyến công tác đầy nguy hiểm tại cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) - mặt trận mà vừa nghe xong Jane Fonda phải thốt lên: “Nơi đó ác liệt lắm! Chị kể tôi nghe về nơi chị đã đến đi”. Bà Nguyệt hồi tưởng: “Tôi đi viết về trận địa pháo, có cô Hằng, cô Tuyển anh hùng, người nhỏ xíu vác đạn một trăm cân. Trong chuyến công tác, tôi đến cả Bệnh viện Hoằng Hóa xem người ta phẫu thuật thương binh. Đi công tác ngày xưa rất khó khăn, đường dài cả trăm cây số mà di chuyển chỉ bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng. Bấy giờ tôi mới về tới, vừa nộp một bài viết tên gọi Bệnh viện làng Dừa thì nghe bảo Jane Fonda muốn gặp mình. Bệnh viện làng Dừa có rất nhiều phụ nữ, từ bác sĩ, y tá tới dân quân. Tôi đã kể Jane nghe chuyện tôi tham dự những ca phẫu thuật dưới hầm, bệnh nhân có nhiều phụ nữ và trẻ em. Và Jane bật khóc”.

Sau buổi gặp gỡ ấy, Jane Fonda còn đến Báo Phụ nữ Việt Nam sáu, bảy lần nữa. Nơi bà Nguyệt làm việc có một nhà trẻ gọi là nhà trẻ số 20 Thụy Khuê. Nhà trẻ này hoạt động nguyên tuần để các nữ phóng viên yên tâm gửi con nhỏ mà tập trung vào công việc. Bà Nguyệt kể lại, trong một lần Jane Fonda đến thăm, còi báo động máy bay Mỹ kêu inh ỏi làm tất cả mọi người hoảng hốt bế trẻ con xuống hầm trú. Cứ thế, họ tất tả hết bế đứa bé này đến đứa bé khác. Chính tại nơi đây, trong tiếng còi báo động và giữa khung cảnh những người phụ nữ Việt Nam cố gắng bảo vệ những đứa trẻ, Jane Fonda đã thốt lên câu nói bất hủ: “Bom đang rơi ở Việt Nam nhưng bi kịch diễn ra ở nước Mỹ”.

Ký úc Jane Hà Nội 2Tấm ảnh Jane Fonda chụp cùng chị em Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bên hầm tránh bom - Ảnh: nhân vật cung cấp
Ký úc Jane Hà Nội 3Bà Tô Minh Nguyệt xem lại những kỷ vật - Ảnh: Ngân Vi

Lúc ấy, các nữ phóng viên vừa làm báo vừa theo học Tổng hợp văn, tiếng Anh chỉ bập bẹ, song dường như giữa họ và Jane Fonda không có bất kỳ khoảng cách nào. Trong ký ức bà Nguyệt, Jane là một phụ nữ thông minh. Sự thông minh hiện rõ trên thần thái và khuôn mặt của Jane chứ không cần tới sự khẳng định của 2 giải Oscar danh giá. Jane cũng viết văn rất giỏi. Sau khi quay lại Mỹ, khả năng này đã ngay lập tức được Jane chứng minh qua những bài báo mang tầm quốc tế của mình về Việt Nam, về cuộc chiến, về nhân quyền, và về những thứ đã “chạm đến trái tim” Jane. Cuốn hồi ký My Life So Far xuất bản đã làm nên một hiện tượng và là một trong số những cuốn sách bán chạy nhất nước Mỹ năm 2005.

Cựu phóng viên chiến trường Tô Minh Nguyệt chia sẻ, tuổi thanh xuân của bà gần như đã dành hết cho cách mạng. Chiến tranh kết thúc, bà cũng ngoài ba mươi, khi đó mới chịu lấy chồng. Bà nói, hồi gặp Jane Fonda, bà vẫn chưa từng nắm tay người đàn ông nào. “Vậy mà Jane đã ôm hôn tôi mấy lần làm các cô ở cơ quan phải ghen tị”. Nụ hôn lên má dành cho người phụ nữ đã xung phong ra mặt trận. Và bốn mươi hai năm trôi qua, bà Nguyệt chưa bao giờ quên được những cái ôm bần bật từ người phụ nữ Mỹ kia. Jane thông minh. Jane viết giỏi. Song, đối với bà Tô Minh Nguyệt, điều tuyệt vời nhất ở Jane là cách thể hiện cảm xúc. Qua khuôn mặt của Jane Fonda, cảm xúc dường như không có biên giới.

“Gửi Tô Minh Nguyệt. Câu chuyện của chị đã chạm đến trái tim tôi. Tôi sẽ nhớ chị mãi. Hy vọng chúng ta sẽ gặp lại nhau giữa hòa bình”, Jane ghi bằng tiếng Anh trên tấm ảnh tặng bà Nguyệt. Ở mặt sau tấm ảnh, bà Nguyệt cũng lưu lại trên đấy vài dòng: “Kỷ niệm ngày gặp jen phôn đa ở khách sạn Thống Nhất, Hà Nội. 12/7/1972”.

Jane Fonda (sinh ngày 21.12.1937) là nữ diễn viên người Mỹ kiêm nhà văn và nhà hoạt động chính trị. Bà từng hai lần đoạt giải Oscar hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho vai diễn trong hai phim Coming Home và Klute. Jane Fonda là một trong những diễn viên Mỹ đi đầu phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Bà cũng phản đối chiến tranh Iraq và bạo lực đối với phụ nữ.

Năm 2005, Jane Fonda xuất bản cuốn hồi ký My Life So Far. Đến năm 2011, bà tiếp tục cho ra mắt cuốn hồi ký thứ hai Prime Time. Ngày 5.6.2014, tại Los Angeles, Viện Điện ảnh Mỹ đã trao giải Thành tựu trọn đời cho những cống hiến xuất sắc của Jane Fonda.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.