Ký sự trên đất Ấn - Kỳ 2: Tiếng Sitar trên sông Hằng

14/08/2012 03:25 GMT+7

Có ai đó ví von, đến Ấn Độ mà chưa đến Taj Mahal xem như chưa đến Ấn Độ, còn chưa đến sông Hằng và Varanasi là chưa hiểu hết người Ấn Độ.

Thành phố của thần Shiva

Rời Agra với Taj Mahal và pháo đài đỏ, những công trình kiến trúc gắn liền với đạo Hồi và cũng là nơi đạo Hồi phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ dưới triều đại Mogul (1526-1857), chúng tôi trực chỉ Varanasi - thành phố linh thiêng của người theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo).

Varanasi là cái tên bất cứ người theo đạo Hindu nào cũng phải biết, mà dân Ấn Độ thì có đến 80% theo đạo Hindu (khoảng hơn 800 triệu người), qua đó cũng đủ hiểu giá trị tâm linh của Varanasi là thế nào với đa số người Ấn.

Theo khảo cổ thì Varanasi là thành phố cổ có cư dân cư ngụ liên tục hàng ngàn năm trước, còn theo truyền thuyết của người Hindu thì thành phố này do thần Shiva lập ra 6.000 năm về trước và sông Hằng chính là hóa thân của nữ thần Ganga - vợ của Shiva (theo tiếng Phạn, Ganga cũng có nghĩa là sông Hằng). Có lẽ vì thế mà ở thành phố này tượng Shiva có mặt hầu như khắp hang cùng ngõ hẻm.

Anh hướng dẫn viên Rajesh Tripathi của Top Travel & Tour cho biết, ở Varanasi hiện có đến 2.000 ngôi đền thờ có tượng thần Shiva. Điều đó càng thúc giục trong tâm thức của những người Hindu giáo hành hương đến nơi này hơn bất cứ nơi đâu trên suốt chiều dài 2.510 km của sông Hằng, vì với họ, thần Shiva là một trong 3 vị thần quan trọng nhất trong tâm linh của họ (2 vị thần kia là Brahma và Vishnu). Hơn thế nữa, trong cuộc đời của người theo Hindu giáo có 2 trong 4 điều phải thực hiện là: Kính thờ thần Shiva và đến sông Hằng tắm nước thánh, uống nước ở đây. Chính vì vậy, Varanasi là nơi “thần thánh nhất” trong các địa danh thánh của người Hindu giáo.

Hôm chúng tôi đến Varanasi, dù không có một lễ hội lớn như lễ hội Kumbh Mela của người Hindu giáo (quy tụ cả triệu người ở các Ghat bên sông Hằng chảy qua Varanasi), nhưng cả một thành phố như tràn ngập trong một màu cam - đồng phục của những người đàn ông theo đạo Hindu. Xe thồ, xe buýt, xe máy, đâu đâu cũng thấy những người đàn ông da ngăm, những phụ nữ với sarê nhiều màu sắc tất bật mua hoa, mua lọ đựng nước, đợi đến bình minh để xuống những Ghat cầu nguyện, tắm rửa và xin nước thánh từ sông Hằng. Ngạc nhiên nhất là có rất nhiều người già.

Anh Rajesh Tripathi giải thích, những người già càng muốn đến gần sông Hằng ở Varanasi hơn bất cứ ai vì với họ đến được đây và chết ở Varanasi, bên bờ sông Hằng hoặc được thiêu xác, rải tro xuống sông Hằng thì họ mới thật sự được thoát kiếp luân hồi. Chúng tôi gặp những người già phải đi xa hàng ngàn cây số đến đây, nằm vật vạ ở những con phố dẫn xuống bến sông để chờ một ngày mới trên sông Hằng. “Người ta nói Varanasi và sông Hằng chảy qua thành phố này đôi khi có rất nhiều xác người vô thừa nhận là vậy đó” - người hướng dẫn viên nói. Biết làm sao được, tâm linh thì mãi vẫn là tâm linh của mỗi con người theo ý nguyện của mình mà thôi!

 Những Ghat và đền đài dọc theo sông Hằng, đoạn chảy qua Varanasi - Ảnh: C.M.H
Những Ghat và đền đài dọc theo sông Hằng, đoạn chảy qua Varanasi - Ảnh: C.M.H

Đón bình minh trên dòng sông thiêng

Giám đốc điều hành của Top Travel & Tour Sumit Mathur luôn dặn chúng tôi bằng mọi cách phải đi thuyền và đón bình minh trên sông Hằng ở Varanasi. Bản thân anh cũng bay từ Việt Nam về New Delhi, rồi lại bay xuống Varanasi để sắp xếp cho chúng tôi “có cảm nhận trọn vẹn nhất khi ngắm bình minh trên sông Hằng” - như ý anh mong muốn.

4 giờ sáng, chúng tôi rời khách sạn trong trạng thái vừa ngái ngủ, vừa tò mò. Những con đường dẫn xuống bến sông Hằng lúc này đã có rất nhiều người. Tiếng bò kêu, tiếng xe chạy, tiếng người ăn xin, những cửa hàng mở sớm, những gánh hàng hoa, hàng nhang, bình, lọ, những đoàn người già, trẻ, bé lớn, người màu cam, người mình trần, người sarê... Tất cả tạo nên một khung cảnh vừa đời thường, vừa lạ lẫm, vừa huyền bí...

Chúng tôi men theo một Ghat để xuống bờ sông khi mặt trời chưa kịp ló dạng. Ghat, theo hướng dẫn viên giải thích, từ này có thể hiểu là những bậc thang dẫn đến bến sông (đôi khi rất hoành tráng, có đến hàng trăm bậc và dài rộng gần 50 mét), cũng có thể hiểu là nơi thiêng liêng để những tín đồ Hindu xuống tắm gội và xin nước thiêng từ nữ thần sông Hằng. Xưa kia, Ghat cũng là nơi để người ta hỏa táng và đem tro cốt của người chết rải xuống sông Hằng theo ước nguyện của họ. Sumit Mathur cho biết, hiện dọc bờ sông Hằng chảy qua Varanasi còn tồn tại đến 84 Ghat như vậy - dù có những Ghat đã xuống cấp, có những Ghat đi liền với những đền thờ cổ đã sụp một phần xuống sông Hằng.

Kiều Chinh - đại diện Jet Airway tại Việt Nam và Sumit thật chu đáo khi mời một nhạc công đánh đàn Sitar lên ngồi mạn thuyền của chúng tôi, để tăng phần lãng mạn khi đón bình minh lên. Amit Pandey, tên người đánh đàn, gương mặt giống như một bức tượng, nhưng đầy biểu cảm, nhẹ nhàng đánh từng phím đàn với giai điệu cổ của âm nhạc Ấn Độ. Thuyền cứ trôi và tiếng cầu nguyện trên những Ghat vang vọng cả một bờ sông... Sông Hằng đục ngầu vào mùa này, nhưng có sá gì... Dọc theo bờ sông là hàng đoàn người cởi bỏ xiêm y với tất cả lòng thành kính để được Mẹ sông Hằng ôm ấp và gột rửa mọi tội lỗi ở trần gian này.

Không có một xác chết nào trôi sông... Sumit cười khì: “Bây giờ thì điều đó chỉ còn ở các đoạn sông thưa vắng thôi vì đoạn sông chảy qua Varanasi, chính quyền thành phố cũng biết cách “dọn dẹp” để tránh làm kinh sợ du khách”. Nói vậy, nhưng anh cũng hóm hỉnh: “Biết đâu các bạn đi thêm một đoạn nữa rồi gặp thì sao?”.

Vốc một ngụm nước sông Hằng vào tay, tôi chưa dám uống, nhưng tự nhủ thầm, dân tộc nào, đạo giáo nào dù ở đâu và bao giờ cũng có sự linh thiêng riêng của nó! Chính điều đó mà sông Hằng và Varanasi cứ tồn tại hàng ngàn năm qua trong tâm thức người Ấn Độ giáo là như vậy!

Tiếng đàn Sitar kết thúc ở bài Raga Bhairavi (Khúc nhạc ban mai) khi thuyền cập bến, mà tôi như còn lạc ở một thế giới huyền bí nào đó... Ở đằng đông, mặt trời chỉ hửng lên một vài tia sáng rồi tắt ngấm với tất cả sự tiếc nuối của chúng tôi. Đành vậy, hẹn gặp lại sông Hằng lần sau nếu còn duyên...

Cao Minh Hiển

>> Ký sự trên đất Ấn - Di sản từ một cuộc tình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.