Kịch hài cho... khỏe thân

05/05/2011 23:19 GMT+7

Hiện nay, các sân khấu kịch ở TP.HCM sáng đèn thường xuyên là điều vui mừng. Tuy nhiên, dường như có quá nhiều kịch bản về tình yêu, gia đình, trong khi rất ít vở đụng đến những bức xúc của xã hội.

Cái thời Tôi và chúng ta, Trái tim trong trắng, Dư luận quần chúng, Bệnh sĩ xuất hiện trên sàn diễn khiến khán giả như vỡ òa cảm xúc lẫn bức xúc. Sân khấu đụng tới những nỗi đau, những dồn nén, thao thức không phải là riêng tư nữa, mà của chung một thế hệ, thậm chí mấy thế hệ. Người ta như được nói giùm, được lên tiếng, ít nhiều tìm được sự đồng cảm thời đại. Cho nên, sân khấu không chỉ là nơi giải trí, mà còn là thánh đường thiêng liêng, là diễn đàn công khai dân chủ. Xem kịch mà thú vị, giải tỏa đến như vậy.


NSƯT Thành Lộc (vai Xin-ta-rô), Lê Khánh (vai Kây) trong vở Một cuộc đời bị đánh cắp - Ảnh: H.K 

Bây giờ, không gian kịch đã khác. Nhiệt độ nguội đi, bức xúc lắng đi, nhường chỗ cho tiếng cười tràn ngập. Và không gian cũng thu hẹp dần, thường quanh quẩn trong một căn nhà và trong những tình yêu trai gái bình thường. Miễn là vui, đủ an tâm để… bán vé. Thậm chí cười giỡn cợt nhả cũng được đưa ra dễ dàng. “Trò” nhiều hơn “chuyện” là mảnh đất màu mỡ cho các cây hài thi thố mảng miếng, rồi cũng xong hai tiếng đồng hồ gọi là “diễn kịch”. Khán giả cũng dễ dãi dần, cười hi hi ra về, không bận tâm chiêm nghiệm chi cho mệt. Đôi bên người diễn - người xem xí xóa cho nhau.

Người cầm bút làm sao không trăn trở. Nhưng các đơn vị sản xuất thì yêu cầu phải vui, phải đạt doanh thu. Riết rồi đâm… chán, viết hài cho khỏe thân

Tác giả Vương Huyền Cơ

Lý do của người trong cuộc, hình như ai cũng… có lý. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Kịch IDECAF, nói: “Thời đó báo chí và phương tiện thông tin ít, nên khi sân khấu lên tiếng thì rất nóng sốt, ai cũng quan tâm. Nhưng bây giờ thông tin như vũ bão, sân khấu nói thì đã nguội. Mà dù có nói, thì những vấn đề ấy đâu có mới, xã hội đã nhắc đi nhắc lại, vậy lấy kịch bản cũ ra dựng còn hay hơn. Tác giả trẻ sau này viết hơi yếu, chúng tôi phải gia công rất mệt. Thậm chí không có người viết nữa, họ chỉ thích viết kịch bản phim truyền hình dài tập, thu nhập nhiều hơn gấp chục lần”.

Còn tác giả Vương Huyền Cơ  cho biết: “Người cầm bút làm sao không trăn trở. Nhưng các đơn vị sản xuất thì yêu cầu phải vui, phải đạt doanh thu. Riết rồi đâm… chán, viết hài cho khỏe thân”.

Lấy vở cũ ra dựng là “chiêu” của Ái Như - Thành Hội. Chẳng hạn Bàn tay của trời có hình ảnh cậu ấm cô chiêu thời đại. Đạo diễn Ái Như nói: “Vở cũ bật lên bởi những vấn đề vượt qua thời gian, xem chừng viết hay hơn và được khán giả tin cậy hơn. Chúng tôi cần sự ổn định, trong khi kịch bản mới chưa đủ chất lượng”. Kịch  IDECAF cũng vừa dựng vở cũ Một cuộc đời bị đánh cắp với mặt trái đau xót của nền kinh tế phát triển. Kịch Phú Nhuận có vở Nỏ thần lấy chuyện xưa nhắc chuyện nay, về sức mạnh đoàn kết, về sự ngủ quên trên chiến thắng. Những vở này đều bán vé kín rạp, cho thấy khán giả rất thèm được trải lòng một cách sâu sắc.

Nhưng, khi hài bão hòa, và khán giả nghiêm túc rời bỏ sân khấu, thì sân khấu bắt đầu phải nhìn lại. Kịch IDECAF đang diễn lại Bệnh sĩ và dự kiến cả Người tốt nhà số 5, hoặc Chuyện văn chương, đều là những vấn đề xã hội gai góc. Phải tin vào khán giả, không thể lấy tiếng cười mà “đo” trái tim của họ.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.