Không gian văn hóa Sa Huỳnh

08/07/2009 23:22 GMT+7

Cách nay 2.000-2.500 năm, trên dải đất miền Trung VN đã tồn tại một nền văn hóa có sức sống và sức lan tỏa mạnh mẽ - văn hóa Sa Huỳnh.

Hôm qua 8.7, Bảo tàng Lịch sử VN đã khai mạc bộ sưu tập chuyên đề Sa Huỳnh - 100 năm phát hiện và nghiên cứu (kéo dài đến hết 31.7), tái hiện một phần đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Sa Huỳnh thời sơ sử. Hiện vật được trưng bày khá phong phú với các loại công cụ sản xuất, vũ khí, đồ trang sức, đồ gốm...

Một trong những đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh là táng thức mộ chum, mộ vò, được chôn thành cụm, ở những cồn cao ven biển, ven sông với các hình thức: cải táng, hỏa táng, hung táng và mộ tượng trưng. Trong sưu tập của Bảo tàng Lịch sử VN, số lượng mộ chum Sa Huỳnh tuy không nhiều nhưng đa dạng về kích thước và kiểu dáng, như: chum hình trụ, chum hình trứng, chum hình cầu, chum lồng nhau...

Những phát hiện làm thay đổi quan niệm

Theo quan niệm cũ, không gian phân bố của văn hóa Sa Huỳnh chỉ trải dài từ vùng Quảng Bình đến Đông Nam Bộ, trong đó tập trung nhất ở vùng Trung và Nam Trung Bộ. Thế nhưng, mới đây, trên vùng đất Bắc Trung Bộ, các nhà khảo cổ học VN đã tìm thấy dấu tích của văn hóa Sa Huỳnh. Đó là một chiếc chum mai táng có hình trái đào, miệng úp một cái nón cụt, thân chum trang trí hoa văn chấm thô, văn khắc vạch. Chiếc chum này được phát hiện cuối năm 2008 tại di tích Bãi Cọi (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) - vốn là không gian phân bố của văn hóa Đông Sơn, và hiện được trưng bày trong sưu tập.

Văn hóa Sa Huỳnh được các học giả Pháp phát hiện và nghiên cứu lần đầu vào năm 1909 tại di chỉ đầm muối Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Kể từ đó, những bí ẩn của nền văn hóa này đã được các nhà khảo cổ học trong và ngoài nước dần hé mở. Đến nay, đã có 80 di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh được khai quật dọc khắp các tỉnh miền Trung.

"Cuộc khai quật di tích Bãi Cọi đã buộc các nhà nghiên cứu phải có cái nhìn khác về Sa Huỳnh", TS Phạm Quốc Quân, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN nói. Nếu như trước đây, các nhà nghiên cứu đều cho rằng trong mối quan hệ qua lại nhiều chiều của văn hóa Sa Huỳnh với các văn hóa ở khu vực Đông Nam Á thì bóng dáng của văn hóa Đông Sơn sâu đậm nhất, song trên thực tế, Sa Huỳnh cũng để lại trong văn hóa Đông Sơn những nét tiêu biểu, như: khuyên tai hai đầu thú ở Xuân An (Hà Tĩnh), khuyên tai ba mấu ở Làng Vạc (Nghệ An) hay tục táng mộ vò, chum ở Làng Vạc, Đồng Mỏm...   

Bên cạnh đó, trong bộ sưu tập Sa Huỳnh - 100 năm phát hiện và nghiên cứu, có thể thấy đồ đất nung chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong tổng thể các di vật được xuất lộ, mà dạng phổ biến là các loại nồi, bình có gờ gẫy và đồ đựng có chân đế. Trang trí chủ yếu trên hiện vật Sa Huỳnh là kiểu hoa văn khắc vạch kết hợp với hoa văn in mép vỏ sò, hoa văn vặn thừng, tô màu đỏ, đen. Với đồ trang sức, nói đến văn hóa Sa Huỳnh, không thể không nhắc đến khuyên tai hai đầu thú và khuyên tai ba mấu bằng đá và thủy tinh - những sản phẩm thể hiện óc sáng tạo vô cùng độc đáo.

 
Chiếc khuyên tai - một trong những hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh


Mộ chum được phát hiện tại di tích Bãi Cọi - Ảnh: Bảo tàng lịch sử VN cung cấp

Bằng chứng về mối liên hệ giữa các nền văn hóa

PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung (ĐH KHXH&NV Hà Nội) cho biết: "Bằng những hiện vật sinh động mang đặc trưng Sa Huỳnh được phát hiện sau năm 1975 ở vùng ven biển, vùng núi rừng, có thể thấy những mặt khác nhau của một Sa Huỳnh (Sa Huỳnh vùng ven biển và Sa Huỳnh vùng núi - PV) và cả những nhận thức mới về đời sống kinh tế của cư dân nền văn hóa này". Chẳng hạn, hơn 2.000 năm trước, cư dân Sa Huỳnh không chỉ giao thương trên biển mà còn sống bằng nghề trồng lúa (bằng chứng là việc tìm thấy những hạt thóc cháy trong các di chỉ Sa Huỳnh).

PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cũng cho biết ở các đảo Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Thổ Chu, Phú Quốc, các chuyên gia khảo cổ học phát hiện nhiều mộ chum ở giai đoạn tiền Sa Huỳnh (cách ngày nay hơn 3.000 năm) và những bằng chứng về mối liên hệ chặt chẽ giữa cư dân đất liền và cư dân các đảo ven bờ thời Sa Huỳnh và tiền Sa Huỳnh.

Như vậy, cùng với văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung là một trung tâm văn minh rực rỡ. Tuy nhiên, hiện nay, không ít di tích văn hóa Sa Huỳnh ở Bãi Cọi, Cồn Ràng, Hòa Diêm... đang đứng trước nguy cơ bị phá hủy vì các lý do: chính quyền địa phương cần mở đường, vì không bảo quản tốt... TS Phạm Quốc Quân đề nghị nắn lại con đường đi qua di tích Bãi Cọi, đồng thời đề xuất phương án lập Bảo tàng Sa Huỳnh và vẽ bản đồ khảo cổ học Sa Huỳnh nhằm tạo thuận lợi cho các địa phương trong công tác quy hoạch.

Y.Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.