Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 5: Phải bắt đầu từ thế hệ trẻ

15/08/2014 09:00 GMT+7

Khoảng 10 năm trở lại đây, người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng đông. Lẽ ra, đi một ngày đàng, học một sàng khôn , nhưng dường như người Việt vẫn chưa xây dựng cho mình được cái gọi là văn hóa du lịch.

Khoảng 10 năm trở lại đây, người Việt đi du lịch nước ngoài ngày càng đông. Lẽ ra, đi một ngày đàng, học một sàng khôn, nhưng dường như người Việt vẫn chưa xây dựng cho mình được cái gọi là văn hóa du lịch. 

>> Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 4: Thói hay... chê
>> Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 3: Bi kịch tiệc tùng
>> Người Việt đang rất xấu - Kỳ 2: Thói xấu của du học sinh Việt

Không để người Việt mang tiếng xấu - Kỳ 5: Phải bắt đầu từ thế hệ trẻ
Trẻ được giáo viên hướng dẫn xếp hàng vào tham quan vườn thú - Ảnh: Ngọc Thắng


Tính cộng đồng thì có, tôn trọng cộng đồng thì không 

Điều dễ nhận thấy ở người Việt là tính cộng đồng rất cao. Đây là tính cách truyền thống đặc trưng của người Việt với nhiều giá trị đáng trân trọng, nhưng cũng mang theo nhiều hạn chế, nhất là khi đi du lịch nước ngoài: đi đâu cũng dắt díu nhau, mua sắm, ăn uống, thậm chí là cả khi đi… vệ sinh. Nói to, gọi nhau í ới, kể cả khi đang ở những nơi mà người bản xứ thường giữ im lặng tối đa có thể, như tại các sảnh khách sạn, bảo tàng, trên xe buýt hay tàu điện ngầm.

Dường như văn hóa làng xã với những hành xử tùy tiện đã ăn sâu tới độ không ai thừa nhận, nhưng vẫn cứ có dịp là bung ra, mà đôi khi chính chúng ta cũng không kiểm soát được. Vấn đề chính là quan điểm: tất cả đều là chuyện nhỏ. Sự ồn ào của người Việt thể hiện ngay từ chính tại những sân bay trên đất Việt. Chưa ở đâu trên những quốc gia mà tôi đã đi qua, người ta dùng loa nói nhiều và nói với âm lượng lớn, chao chát đến khó chịu như tại sân bay Tân Sơn Nhất hay cả Nội Bài. Tại sao cứ phải ra rả xướng tên bà này, ông kia và nói rằng máy bay đang chờ khách? Thông lệ của du lịch quốc tế: không đúng giờ, ráng chịu. Cứ vài phút một lần với âm lượng như vậy, nhưng cả người nói, lẫn người bị nghe đều không thấy phiền lòng.

Chúng ta không thấy, hay không biết rằng, chúng ta không hề được tôn trọng? Chuyện nhỏ. Lên chuyến bay đường dài thì bôi dầu gió xực nức, chẳng cần biết tới xung quanh. Mọi người phản ứng thì được chính tiếp viên VN trả lời: Biết làm thế nào bây giờ? Chịu thôi. Tính cộng đồng thì có, nhưng sự tôn trọng cộng đồng thì không. Thế nên không có gì lạ khi tại một nhà hàng ở một nước châu u, tôi đã như muốn độn thổ, khi có một đoàn khách du lịch VN kéo vào và khiến mọi sự chú ý đều dồn vào họ, vì những âm thanh đủ loại phát ra tại đó. Họ còn dô, dô tự nhiên như ở quán nhậu bên đường. Một số nhà hàng buffet ở  Singapore, Thái Lan đã treo biển tiếng Việt, hoặc bố trí nhân viên đứng canh, và áp dụng biện pháp phạt tiền gấp năm nếu du khách lấy đồ ăn thừa mứa. Có một đôi lần không thể chịu được, cũng góp ý một cách khéo léo và tế nhị, thì nhận được những cái nhìn kiểu như rách việc hoặc câu trả lời Xời, đi du lịch thích gì là làm, thế mới sướng!. Hay như tình trạng cả đoàn du khách phải chờ vài ba người vì bận thay quần áo hay bận chụp hình hay ham mua sắm tại những điểm tham quan. Đi đâu ngồi (xổm) đó, ngại di chuyển...      

Không thể xây nhà từ nóc

Có một thực tế rất khó chối bỏ là người Việt rất thích được khen, khi bị chê thì luôn khó chịu và hay viện nhiều lý do để chống chế. Vì thế, điều đầu tiên cần làm là thẳng thắn nhìn nhận những gì chưa được của mình, và phải quyết tâm sửa chữa. Sự thay đổi cần bắt đầu từ nhận thức của từng cá nhân, từng gia đình. Sự thay đổi cần phải được thực thi qua những việc nhỏ nhất trong cuộc sống hằng ngày: tôn trọng những người xung quanh, bớt đi sự ích kỷ và tùy tiện trong tư duy, lối sống, cộng đồng. Cần dẹp bỏ sự tự ti cũng như những tự ái cá nhân và luôn có ý thức góp ý cho những hiện tượng chưa đẹp trong ứng xử.

Một trong những điều quan trọng nhất để thay đổi hình ảnh người Việt, theo tôi, nên bắt đầu từ quan điểm đào tạo thế hệ trẻ. Không ai muốn xây nhà từ nóc. Muốn có những công dân chuẩn mực, cần có nhận thức đúng đắn định hướng con người trong tư duy về giáo dục, cũng như sự đầu tư đúng mực vào giáo dục. 

Kinh nghiệm từ các nước phát triển hơn VN cho thấy, muốn con người hành xử chuẩn mực trong xã hội, trước hết phải xây dựng một hệ thống pháp lý chuẩn mực, với những quy định và hình phạt nghiêm khắc cho những hành vi vi phạm rất nhỏ nhặt, nhưng lại là sự ảnh hưởng nghiêm trọng tới cá nhân khác trong cộng đồng. Ở Singapore, khạc nhổ hay nhả chewingum bừa bãi nơi công cộng sẽ bị phạt tiền. Ở Đức, nhạc mở quá lớn, gây ồn ào vì vui chơi, nói chuyện trong hành lang công cộng, khiến hàng xóm phiền lòng, cũng sẽ bị cảnh sát xử lý theo luật. Ở Úc, sử dụng nước vô tội vạ bị phạt tiền rất nặng, một số vùng còn quy định chỉ được tắm trong vòng 10 phút để bảo vệ nguồn nước và môi trường, họ luôn có những chế tài thích hợp, khiến mỗi công dân đều có ý thức thực hiện... Có lẽ đã tới lúc ta nên mạnh dạn áp dụng sức mạnh của luật pháp, gạt bỏ sự vị nể, vượt qua những tùy tiện trong tư duy và hành xử của cả nhà chức trách lẫn công dân trong những việc luôn được coi là chuyện nhỏ trong xã hội.

Ý kiến

Giữ cốt cách khi hành xử

Bản lĩnh của một người được tạo từ kinh nghiệm sống, sự trải nghiệm thực tế. Nếu thiếu điều này, sẽ thiếu cốt cách khi hành xử trước một sự việc. Tôi thấy tình trạng a dua, bị cuốn theo đám đông cũng đang là một vấn nạn hiện nay. Phải có chính kiến về một vấn đề, một con người, một sự việc. Đó chính là cốt cách của sự hành xử.

Bùi Ngọc Lân (buingoclan60@yahoo.com)

Chê đúng là cả một quá trình

Biết chê đúng là cả một quá trình. Và giảm chê, để có sự góp ý chân thành là biểu hiện của một người biết cách ứng xử. Bài học về “phản hồi tích cực” trong bài báo Thói hay... chê đăng trên Thanh Niên cho thấy mặt nhân bản của con người. Ai cũng có lúc sai, nhưng đừng vì cái sai đó mà nhấn chìm người ta xuống, phải biết chia sẻ, nâng đỡ. Đó chính là mục tiêu cao nhất của nghệ thuật giáo dục con người!

Dũng (dinhdung_tr1970@gmail.com)

Phải biết rõ ràng rồi “phán”

Mọi nghi hoặc, đều xuất phát từ những câu chuyện nghe nói lại rồi nhìn nhận về một con người là rất nguy hiểm. Đây là một “căn bệnh” không ít người mắc phải.

Từ đó, hình thành thói chê bai người khác và sự việc mà mình chưa biết rõ. Đáng tiếc là điều này đang có sự lạm dụng rất nhiều từ internet. Dư luận đồn thổi trên mạng, chưa được kiểm chứng lại trở thành câu chuyện cho người người đàm tiếu. Chuyện này ngày càng phổ biến, khiến cho bao nhiêu người điêu đứng.

Nguyễn Sơn (sonnguyenlam@gmail.com)

Nhìn thấy điều tốt ở con người

Quan niệm về thói xấu và điều tốt ở một con người cần phải nhận được sự công bằng từ người khác. Không nên có định kiến, thành kiến cá nhân rồi nhìn đâu cũng thấy là xấu, rồi chê bai. Đây là điều tối kỵ và nếu nhìn nhận vấn đề được như vậy thì con người sẽ xích lại gần nhau, cảm thông chia sẻ với nhau hơn. Từ đó, cuộc sống sẽ đẹp hơn.

Hoan (nguyenhoan68@yahoo.com)

An Phong
(thực hiện)

Trần Thùy Linh (*)
Tác giả hiện là trợ lý Tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM, từng làm hướng dẫn viên tiếng Đức   

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.