Kết nối và chia sẻ

03/01/2013 03:15 GMT+7

Với Trường Sa thân yêu Hàng ngàn bạn đọc, trong đó có đông đảo các bạn trẻ đang sinh sống và học tập ở TP.HCM đã đến tham quan triển lãm ảnh Báo Thanh Niên với Trường Sa. Cảm xúc tự hào về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trào dâng qua mỗi khuôn hình.

Với Trường Sa thân yêu

Hàng ngàn bạn đọc, trong đó có đông đảo các bạn trẻ đang sinh sống và học tập ở TP.HCM đã đến tham quan triển lãm ảnh Báo Thanh Niên với Trường Sa. Cảm xúc tự hào về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc trào dâng qua mỗi khuôn hình. 

Một Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió được tái hiện thật cụ thể thông qua 140 ảnh triển lãm tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM, diễn ra từ 31.12.2012 - 6.1.2013. Trường Sa là nơi có gần một nửa số ngày trong năm vật lộn với bão giông, nơi có những rẻo cát san hô nung bỏng chân trần. Từ ngữ là thế, nhưng được đứng trước bộ ảnh, người xem lại càng có cảm giác rất thật về đất đảo thân thương và gần gũi. Trường Sa như gần với đất liền hơn qua các hình ảnh ghi lại khoảnh khắc bà mẹ trẻ thay tã lót cho đứa con thân yêu của mình chào đời ngay trên đảo; những công dân nhí tung tăng đến trường, vui đùa bên nhau trong những trò chơi dân gian sau giờ học; người lính hải quân sau những ca tuần tra canh gác, tập luyện lại cần mẫn chăm bón từng luống rau xanh, từng con gà đẻ trứng và vui vầy chia sẻ cho nhau những lá thư nhà chan chứa yêu thương... Đó cũng là khoảnh khắc của phút giây đầu bỡ ngỡ làm quen rồi bịn rịn chia tay giữa lính đảo với những bạn trẻ từ đất liền ra thăm; khoảnh khắc vang lên tiếng hát nơi đầu sóng giữa những người trẻ cùng chung lý tưởng vì chủ quyền biển đảo quê hương trong các chùm ảnh Không xa đâu Trường Sa ơi, Nhịp sống Trường Sa, Công dân nhí nơi đầu sóng, Sẵn sàng bảo vệ chủ quyền…

 Kết nối và chia sẻ: Với Trường Sa thân yêu 1
Các bạn trẻ tham quan ảnh triển lãm Báo Thanh Niên với Trường Sa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Những hình ảnh tuy bình dị đời thường, nhưng đã tạo nên sức hút mãnh liệt, đem lại nhiều hứng thú và cảm xúc mạnh mẽ đối với người xem. Hôm khai mạc triển lãm (31.12), Lê Thị Cầm và nhiều bạn sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, thốt lên: “Thật sự ấn tượng với chùm ảnh Nhịp sống Trường Sa vì qua chùm ảnh này cảm thấy yêu quý hơn những con người này, vì họ đã dám hy sinh tuổi trẻ của mình, sống xa gia đình để đến với Trường Sa, vượt lên bao gian khó nơi đầu sóng ngọn gió để luôn hoàn thành nhiệm vụ”.

 

Sẽ hiểu nhiều hơn về Trường Sa

“Thời gian qua có nhiều đơn vị, trong đó có Báo Thanh Niên đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa hướng về biển đảo như: Tri ân liệt sĩ Gạc Ma, Tri ân liệt sĩ nhà giàn DK1, Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi, và hôm nay là cuộc triển lãm ảnh về Trường Sa. Qua các hoạt động đó, tôi nghĩ rằng đoàn viên thanh niên càng biết ơn hơn nữa sự nhiệt huyết, say mê, hy sinh của người dân, của rất nhiều chiến sĩ đang sống, làm việc ở Trường Sa và đặc biệt sẽ hiểu nhiều hơn về vùng đất xa xôi của Tổ quốc trên biển Đông, tự hào hơn nữa về biển đảo quê hương, từ đó cùng nhau ra sức thi đua, xây dựng và bảo vệ đất nước” - anh Đặng Quốc Toàn - Bí thư T.Ư Đoàn, chia sẻ.

Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM đánh giá cao ý nghĩa của bộ ảnh Trường Sa của Báo Thanh Niên. Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM Nguyễn Thành Rum và Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM Lê Thái Hỷ đã chính thức đề nghị đưa bộ ảnh này tiếp tục trưng bày để giới thiệu đến công chúng, du khách; trước mắt là tại Đường sách Nguyễn Huệ trong dịp Tết Nguyên đán 2013 sắp tới...

Tổ quốc nơi đầu sóng

Được đến với Trường Sa là một niềm vinh dự lớn đối với những phóng viên (PV) của Báo Thanh Niên. Có lẽ đến Trường Sa mới cảm nhận hết sự bao la của biển trời đất nước, mới cảm nhận hết sự thiêng liêng của hai từ Tổ quốc. Tổ quốc ở Trường Sa không chỉ là lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng gió; là cột mốc chủ quyền hiên ngang, kiêu hãnh; là những người lính mình trần kiên cường giữ đảo… mà Tổ quốc còn là một mái chùa cong cong nép mình dưới những tán bàng vuông xanh ngắt, cùng những tiếng chuông chùa ngân vang trong chiều biển động. PV Ngọc Minh, Lâm Viên… đã rất ngỡ ngàng, xúc động khi ghi lại hình ảnh những ngôi chùa uy nghi, trầm mặc tọa lạc giữa mênh mông trời biển Trường Sa. Với PV Tấn Tú, Đỗ Hùng, Káp Thành Long, Công Nguyên, Hoài Nam, Đình Phú…, những đóa cúc vàng đẹp nhất là những đóa hoa được thả trên vùng biển xanh thẳm của Tổ quốc trong lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương từ hơn 20 năm trước tại vùng biển đảo Cô Lin - Len Đao. Những vòng hoa cúc vàng trên biển ấy cứ lan tỏa một cảm giác ấm áp, thì thầm trong gió biển: "Đất liền luôn ở bên các anh, những người lính hải quân anh dũng".

Đỗ Tuấn - Đình Phú

Cho những người ngã xuống

Trong cuộc gặp mặt đầu năm 2012 giữa mấy anh em từng khoác áo lính, nhân nhắc đến Trường Sa, một cựu binh trong nhóm bạn chúng tôi, anh Đặng Hồng Sơn - Chánh văn phòng Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, thốt lên: “Sao chúng ta không tổ chức cuộc gặp mặt những thân nhân của các liệt sĩ Gạc Ma nhân ngày giỗ thứ 24 (14.3.2012) sắp tới nhỉ?”. Một thoáng ngỡ ngàng trên khuôn mặt của từng cựu binh, rồi tất cả cùng đồng thanh: “Nên tổ chức cuộc gặp mặt rất ý nghĩa này!”. Sơn nhờ tôi, với tư cách là đại diện cho Báo Thanh Niên, lãnh phần việc truyền thông, những anh em còn lại thì lo công tác “hậu cần”. Thời gian quá gấp, thế nhưng thật cảm động, khi chúng tôi đến Cam Ranh đặt vấn đề về cuộc gặp mặt này, các đồng chí lãnh đạo Hải quân Vùng 4 đã nhanh chóng cung cấp từng địa chỉ của 64 liệt sĩ và nhất trí chọn nơi đây để đón các mẹ trong ngày gặp mặt.

 Kết nối và chia sẻ: Với Trường Sa thân yêu 2
Đại diện Báo Thanh Niên và bà Hà Thị Hoán (mẹ liệt sĩ Thắng tức Thành) - Ảnh: Ngọc Minh

PV Thanh Niên đến từng nhà để thăm các mẹ!. Cuộc gặp mặt đầu tiên thân nhân gia đình các liệt sĩ Gạc Ma diễn ra tại Đà Nẵng. Tổng biên tập Báo Thanh Niên cùng lãnh đạo Tập đoàn cao su VN, Ngân hàng Đầu tư và phát triển VN (BIDV) và chị Dương Minh Liễu, một nhà hảo tâm ở Q.3, TP.HCM, người đã nhiều năm gắn bó với Báo Thanh Niên trong các hoạt động từ thiện đã có mặt trong buổi gặp đầy cảm động này. Suốt trong 2 tháng sau đó là những chuyến đi của PV Thanh Niên lần tìm địa chỉ từng nhà của các liệt sĩ trải dài từ Khánh Hòa đến tỉnh Phú Thọ.

Sau 24 năm kể từ ngày các anh ngã xuống tại đảo đá Gạc Ma, những người mẹ, những người vợ của các liệt sĩ này lại nhận được sự sẻ chia thật sự, tên tuổi các anh cùng trận hải chiến ấy mới được nhắc đến công khai bằng loạt bài trên Báo Thanh Niên. Số tiền 20 triệu đồng mà Báo Thanh Niên cùng các nhà hảo tâm gửi đến mỗi gia đình các anh như một món quà tri ân muộn mằn nhưng đầy ý nghĩa. Chúng tôi xin thưa với các mẹ rằng, người trẻ vẫn không bao giờ quên sự hy sinh cao cả đó. Bởi các anh đã cắm những cột mốc biên cương của Tổ quốc giữa trùng khơi bằng chính xương thịt của mình. 

Trần Đăng

 

 Đồng hành cùng người trẻ

Năm 2012, Báo Thanh Niên thực hiện chuỗi hành trình kết nối trái tim, thông qua đó để hiểu biết, động viên và hỗ trợ cho các đội, CLB thanh niên tình nguyện; tăng cường giao lưu với cộng đồng mạng và sẻ chia với các du học sinh tại Mỹ...

Hầu hết các đội hình thanh niên tình nguyện tại TP.HCM được hình thành sau các chiến dịch “Mùa hè xanh”, “Tình nguyện hè” do Đoàn, Hội LHTN tổ chức hằng năm. Từ hành trình kết nối với Báo Thanh Niên, những bạn trẻ nhiệt tình, năng động của nhiều CLB, đội, nhóm tình nguyện đã gặp gỡ nhau chia sẻ kinh nghiệm, tham gia giải bóng đá từ thiện nhằm chung nhau trong đợt tặng quà giúp người vô gia cư, đến với trẻ em nghèo…

Từ khi hành trình được kết nối, những người làm Báo Thanh Niên đều bất ngờ, cái bất ngờ ở đây là hàng vạn thành viên của các CLB, đội, nhóm toàn là người trẻ, khao khát được sống vì cộng đồng. Tự làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bán báo, gom ve chai, tổ chức xin tài trợ… không vì vụ lợi cá nhân, tất cả đều nhằm mục đích là gây quỹ từ thiện để xây dựng những căn nhà tình thương, trao quà cho các gia đình khó khăn, tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi; khám bệnh, phát thuốc cho người dân; tổ chức sân chơi cho thiếu nhi…

Phạm Thị Như Thùy, Trưởng ban Truyền thông nhóm Gió yêu thương, chia sẻ: “Khó có thể nói hết cảm xúc của chúng em khi được tham gia các hoạt động, chương trình kết nối do Báo Thanh Niên tổ chức trong thời gian vừa qua. Chỉ biết rằng, tất cả đều rất bổ ích và có ý nghĩa. Báo Thanh Niên đã làm một nhịp cầu để nối các bạn trẻ đến với nhau”.

Như Thùy còn cho biết thêm, nhờ có hành trình Kết nối trái tim tình nguyện của báo, các thành viên đã có thêm cơ hội để giao lưu, kết nối với mọi người đam mê tình nguyện, có cơ hội xuất hiện nhiều hơn trên mặt báo để tương tác với bạn đọc khắp nơi. “Chắc chắn rằng, hàng ngàn thành viên của nhóm Gió yêu thương sẽ tiếp tục gắn kết với những hoạt động của Báo Thanh Niên và trở thành nòng cốt khi báo khởi xướng các chương trình vì cộng đồng sắp tới”, Như Thùy khẳng định.

 Kết nối và chia sẻ: Với Trường Sa thân yêu 3
Tổng biên tập Báo Thanh Niên trao thưởng cho các đội tham gia giải bóng đá Kết nối trái tim tình nguyện - Ảnh: Khả Hòa 

Lắng nghe, chia sẻ, trợ giúp và hơn hết là cùng tham gia là thành viên của CLB tình nguyện Dấu chân xanh, ông Nguyễn Quang Thông, Phó chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, Tổng biên tập Báo Thanh Niên, thổ lộ: “Chúng tôi rất xúc động khi nghe những giãi bày trong trẻo của các bạn. Báo Thanh Niên sẵn sàng hỗ trợ các bạn trong vấn đề giao lưu, chia sẻ, học tập kinh nghiệm cũng như về những vấn đề liên quan đến tài trợ, hậu cần cho hoạt động tình nguyện chung”.

Trong phấn khích, Huỳnh Thanh Tự, Trưởng nhóm Thiện Tâm, cho biết: “Thanh Niên là một cơ quan báo chí cũng là một tổ chức đầu tiên đứng ra kết nối với các nhóm thanh niên tình nguyện tự phát như chúng tôi. Lâu nay, các công việc làm của chúng tôi chỉ âm thầm, lặng lẽ và nghĩ rằng chẳng ai quan tâm đến. Thật là bất ngờ, bất ngờ lắm, khi có một tờ báo giúp chúng tôi giao lưu kết bạn cùng nhau, hỗ trợ truyền thông và nhất là chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động vì cộng đồng”.

Bên kia đại dương

Không chỉ kết nối các thanh niên tình nguyện trong nước, ở một nơi xa xôi tận bên kia đại dương, Báo Thanh Niên đã đồng hành cùng nhiều du học sinh Việt Nam đang học tại Mỹ qua cuộc thi Hành trình 13.000 cây số. Cuộc thi xuất phát từ ý tưởng tạo ra một diễn đàn để du học sinh cùng chia sẻ kinh nghiệm sống, học tập trên khắp thế giới. Cuộc thi đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các cơ quan ngoại giao Việt Nam tại Mỹ. Anh Huỳnh Thế Du, Chủ tịch Hội Thanh niên - Sinh viên Việt Nam vùng Boston mở rộng (Mỹ), cho biết, cuộc thi đã triển khai đến 15.000 du học sinh ở nước Mỹ và nhiều người đã hay đang nuôi dưỡng ước mơ du học qua website của hội. Cuộc thi này là khởi đầu cho kế hoạch kết nối du học sinh bằng những việc làm cụ thể. “Tôi nghĩ việc Báo Thanh Niên tham gia là chìa khóa để có thể tập hợp và kết nối du học sinh ở khắp nơi. Du học sinh hiện nay thiếu tính kết nối xuyên suốt, vì thế họ rất cần sự kết nối ấy để tham gia các hoạt động, để hiểu biết những thông tin trung thực từ quê nhà…”.

Thổ lộ những nỗi niềm của mình, tác giả Nguyễn Hương - người đoạt giải đặc biệt của cuộc thi đã viết trong bài thi với tựa đề: Từ con đường làng đến đại lộ Main Street: “Nếu bạn hỏi: con đường nào đã đưa tôi du học đến nước Mỹ, tôi sẽ nói tôi bắt đầu đi từ con đường làng, những con đường đã nối dài bước chân tôi từ xóm quê nghèo đến khuôn viên đại học, nối dài ước mơ tôi từ trường làng đến giảng đường nước Mỹ”. Và cuộc thi hành trình 13.000 cây số, đã giúp cho nhiều bạn trẻ sắp, đã và đang du học kể lại những ước mơ và nuôi dưỡng ước mơ xuyên suốt quãng đời du học.

Sự mến mộ của cộng đồng mạng

Với 110.379 người thích và 1.685 người đang nói về trang Thanh Niên Newspaper trên Facebook, trang được cộng đồng mạng mến mộ.

Thế nhưng ít ai ngờ rằng, Thanh Niên Newspaper đã thu hút dân mạng Facebook bằng sự đơn giản không tưởng: chỉ thường xuyên cập nhật tin tức thời sự cả trong và ngoài nước. “Trở thành thành viên của Thanh Niên Newspaper từ khi số lượng chỉ có vài trăm người, để rồi chứng kiến mỗi ngày số lượng thành viên lại tăng lên. Tôi tin rằng Thanh Niên Newspaper đã và đang đi đúng hướng. Chính sự đơn giản này đã khiến Thanh Niên Newspaper chiếm được tình cảm của đông đảo dân mạng”, một thành viên chia sẻ.

Thanh Niên Newspaper đã và đang trở thành một trong những trang do người làm báo thực hiện nhận được chú ý nhất, có đông thành viên nhất trên Facebook đến thời điểm này, vượt ngưỡng 100.000 like mà nhiều trang Facebook khác mong đợi, và trong tất cả các Fan Page của các báo hiện nay, rất ít báo nào đạt được số lượng thành viên tương tự.  

Ý kiến

“Hoạt động thể thao là mong muốn, là khát khao của những bạn trẻ như chúng tôi. Thường thì chúng tôi chỉ có những giải phong trào, tự phát chứ chưa có nơi nào đứng ra tổ chức một giải đấu. Báo Thanh Niên chính là đơn vị tiên phong, đứng ra kết nối và tổ chức sân chơi thật ý nghĩa, nhất là để kết nối những trái tim tình nguyện”. 

Lê Nguyễn Huyền Phương - Hội trưởng nhóm Tây Ninh Hội

“Lần đầu em được tham gia hoạt động cùng Báo Thanh Niên. Có thể thấy rằng, báo đã tạo ra sân chơi chung cho những thanh niên làm tình nguyện tự phát tham gia. Qua sự kết nối của Báo, mình học được nhiều hơn những kinh nghiệm tổ chức, các cách làm của các đội, nhóm bạn. Khi chúng ta cùng đồng hành cùng gần gũi nhau thì sẽ dễ dàng hiểu nhau hơn. Đối với Báo Thanh Niên, các hoạt động kết nối sẽ là điều kiện để báo có khả năng hiểu được người trẻ hiện nay đang cần gì và định hướng sau này sẽ như thế nào cũng như hỗ trợ thanh niên một cách xác thực hơn”. 

Đặng Quan Trí - Chủ nhiệm CLB Dấu chân xanh

 

Võ Ba

 

Sinh ra đã có lửa

Nếu là một con người, thì kỷ niệm sinh nhật 27 tuổi có thể thắp lên 27 ngọn nến nhỏ, hay để giản tiện hơn, thì thắp lên một ngọn nến lớn.

Nhưng là kỷ niệm sinh nhật 27 tuổi một tờ báo ngay từ ngày sinh đã “có lửa” như Báo Thanh Niên, thì dù lửa được thắp lên từ 27 ngọn nến, e vẫn chưa đủ. Nên chăng, những người đã và đang làm Báo Thanh Niên, cũng như tất cả những bạn bè yêu mến “tờ báo có lửa” này trong và ngoài Việt Nam, có thể tự mình thắp lên một ngọn đuốc tinh thần, một ngọn lửa tượng trưng để kỷ niệm ngày ra đời của một tờ báo mà lý tưởng từ đầu của nó, mục tiêu xuyên suốt hành trình của nó là yêu nước, thương dân.

Do đam mê làm báo của mình, chỉ riêng trong năm 2012 tôi đã có 3 lần lên Hà Giang và Cao Bằng, đi gần như giáp vòng đường biên giới của hai tỉnh này. Gặp gỡ bà con người H’Mông, người Tày, người Dao... ở hai tỉnh, tôi có nhận xét: Bà con không chỉ thiếu thốn cơm ăn áo mặc hay trường lớp cho con em học, họ còn thiếu thốn... những tờ báo. Vâng, rất hiếm khi một tờ báo tới được những bản làng heo hút bao bọc bởi những ngọn núi đá cao như thế. Có những bản bây giờ vẫn chưa có điện, thì làm sao có ti vi để xem. Vì thế, khi trở lại lần thứ 2, biếu bà con mấy tờ báo Thanh Niên, nhất là những tờ báo có in bài viết kèm hình ảnh về Lũng Cú, về Vị Xuyên, về Hà Giang và Cao Bằng, về chính bà con nữa, tôi đã thấy ánh mắt những người H’Mông, người Tày ở đây sáng rực lên, như khi họ nhận được quà là những chiếc áo ấm mới. Phải nhìn cách bà con đọc báo, mới thấy tờ báo đối với họ quý như thế nào!

Hằng ngày, cứ vào buổi sáng, chúng ta đều có thói quen đọc báo. Báo chí bây giờ thông tin phong phú và đa dạng. Nhưng tôi để ý và nhận thấy, bữa nào Báo Thanh Niên có những bài viết về lòng yêu nước, về quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ quyền biển đảo Việt Nam, thì không khí trong các quán “cà phê-báo” sôi nổi hẳn lên. Và, mỗi khi Báo Thanh Niên có những bài phóng sự điều tra nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân một cách thiết thực, thì số lượng người cầm tờ Báo Thanh Niên trong tay tăng lên thấy rõ.

Thanh Niên là tờ báo của bạn đọc và bạn đọc đã nuôi sống tờ báo. Vì thế, người đọc có quyền đòi hỏi mình đã nhận được gì từ chính tờ báo mà mình gắn bó. “Những gì” ấy, là những thông tin nhanh nhạy và trung thực, nhưng hơn cả thông tin, là tấm lòng và cả lý tưởng của người làm báo. Không biết yêu nước thương dân, thì dù viết về bất cứ đề tài “hấp dẫn” nào, bạn đọc cũng từ chối cầm tờ báo. Vì thế, mục tiêu của Báo Thanh Niên, của những người làm Báo Thanh Niên, theo tôi, là phải thường trực và để cộng đồng cũng luôn gần gũi với tờ báo của mình.  

Thanh Thảo

>> Tuyển giáo viên công tác tại Trường Sa
>> Giờ sản xuất vì Trường Sa
>> Trung Quốc lại hoạt động trái phép ở Hoàng Sa, Trường Sa
>> Thêm tư liệu lịch sử về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa
>> Sáng tạo vì sự phát triển bền vững của Trường Sa
>> Sáng tạo vì Trường Sa
>> Vì Hoàng Sa, Trường Sa
>> Khởi công xây dựng trường học tại Trường Sa
>> Gieo chữ ở Trường Sa
>> Kiều bào đóng góp xây tháp ở Trường Sa
>> Vận động được gần 10 tỉ đồng xây trường ở Trường Sa
>> Góp 1.000 lá cờ Tổ quốc gửi tặng Trường Sa
>> Bác sĩ Trường Sa cứu ngư dân gặp nạn
>> Vì học sinh Trường Sa thân yêu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.