Huỳnh Anh Tuấn: Đi tận cùng đam mê

29/11/2012 06:15 GMT+7

Cái tên Huỳnh Anh Tuấn gắn liền với Sân khấu kịch Idecaf suốt 15 năm qua, bền bỉ trong từng vở diễn. Anh không chỉ kết nối các nghệ sĩ lại với nhau, mà từng ngày kéo khán giả đến gần hơn với sân khấu kịch.

Gần đây, người ta lại nhắc tới đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn trong vai trò một sứ giả truyền bá văn hóa truyền thống VN với du khách nước ngoài. Đều đặn mỗi ngày 2 - 3 lần, Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng, trong khuôn viên Cung văn hóa Lao động TP.HCM, sáng đèn tiếp đón du khách. Rồi mới đây, Nhà hát Nón Lá cũng được mở cửa… Nhưng anh không dừng lại ở đó mà vẫn tiếp tục đầu tư những dự án sáng tạo mới của mình.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty sân khấu nghệ thuật Thái Dương
Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty sân khấu nghệ thuật Thái Dương - Ảnh: N.T.Tâm 

Vắng bóng nhà hát du lịch

TP.HCM là điểm đến của 60% du khách nước ngoài tới VN. Từ thành phố này, du khách chuyển tiếp đến các địa danh khác trong cả nước. Thậm chí, TP.HCM còn là điểm trung chuyển của khách vào Campuchia. Thế nhưng, qua hơn 20 năm đón du khách quốc tế, TP vẫn loay hoay trong quá trình tìm kiếm điểm giải trí mang đậm nét văn hóa truyền thống để phục vụ du khách. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lẫn cơ quan nhà nước thử nghiệm các sân khấu du lịch, nhưng đều “chết yểu”. Du khách đến, vào ban đêm chỉ biết đi ngủ.

 

Tôi làm, trước hết là để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Cứ làm hay trước, đã hay thì thế nào du khách cũng tìm tới

Là người sống trong môi trường văn hóa, lại đi đây đi đó nhiều, nên Huỳnh Anh Tuấn nhận ra khiếm khuyết lớn nói trên trong đời sống nghệ thuật ở TP.HCM. Ngay như Campuchia, đất nước có ngành du lịch phát triển sau VN và lượng du khách quốc tế cũng ít hơn, nhưng đã đầu tư một show diễn tạp kỹ phục vụ du khách trong nhà hát hoành tráng ở Siem Reap, có tên Smile of Angkor (Nụ cười Angkor). Chương trình diễn ra hằng đêm, đem đến cho người nước ngoài một cái nhìn tổng quan xuyên suốt chiều dài lịch sử và văn hóa Khmer.

Qua Thái Lan, Huỳnh Anh Tuấn còn bất ngờ hơn, bởi ngay từ hàng chục năm trước, ngành du lịch nước này đã làm nhiều sân khấu du lịch. Đáng kể nhất là chương trình Siam Niramit, diễn ra trong một tổ hợp nhà hát rộng lớn ở trung tâm Bangkok, với hơn 2.000 chỗ ngồi. Giống Smile of Angkor, xem chương trình, du khách sẽ hiểu được một cách đầy đủ nhất về đất nước Thái Lan. Ở bất cứ nơi nào, như Singapore, Indonesia hay Philippines cũng đều có chương trình nghệ thuật truyền thống quy mô phục vụ du khách. Đó không chỉ là cách quảng bá nét văn hóa đặc thù, mà còn tạo thêm nhiều sản phẩm giải trí phục vụ du khách nước ngoài, tăng thêm doanh thu cho ngành du lịch.

“Xem các chương trình này xong, tôi tự hỏi tại sao ở ta chưa làm được? Chất liệu của bề dày lịch sử và văn hóa Việt có dư để xây dựng một nền tảng kịch bản hấp dẫn cho du khách. Nhưng rõ ràng, chúng ta không có địa điểm”, anh Tuấn trăn trở.

Tự thân vận động

Nhưng Huỳnh Anh Tuấn không buông bỏ các ý tưởng của mình. Anh lùng sục khắp nơi trong thành phố tìm một địa điểm phù hợp để thuê mặt bằng làm nhà hát du lịch. “Nhưng không phải để tổ chức một chương trình tạp kỹ có hàng trăm diễn viên như Smile of Angkor hay Siam Niramit. Một show vừa tầm, lại dựa vào thế mạnh của mình, tôi quyết định làm múa rối nước. Múa rối cũng là niềm đam mê của tôi. Tôi làm, trước hết là để thỏa mãn niềm đam mê của mình. Cứ làm hay trước, đã hay thì thế nào du khách cũng tìm tới”, anh Tuấn quả quyết. Địa điểm được chọn là hội trường trong Cung văn hóa Lao động TP.HCM.

Nhờ những năm tổ chức múa rối nước ở Đầm Sen, nên ý tưởng mau chóng trở thành hiện thực. Năm 2008, Sân khấu múa rối nước Rồng Vàng chính thức đi vào hoạt động, với 300 ghế ngồi, tiêu tốn một khoản đầu tư gần 1 tỉ đồng. Hai năm đầu tiên, nhà hát vắng bóng du khách. Anh Tuấn cho rằng, có thể các công ty du lịch và du khách chưa tin vào khả năng làm múa rối nước cho một đối tượng khách đặc thù như vậy. Hơn nữa, từ trước tới giờ, TP.HCM chẳng có sân khấu nào thành công phục vụ du khách. Tình hình trở nên nan giải. Anh cho người đi phát tờ rơi khắp nơi để mong du khách một lần đặt chân tới xem chương trình, với tiêu chí bất kỳ một người nước ngoài nào tới TP.HCM cũng phải cầm trên tay tờ rơi quảng bá show diễn. Có đêm, dưới hàng ghế chỉ vài ba du khách, nhưng buổi diễn vẫn diễn ra. Cầm cự một cách kiên nhẫn. Dần dà du khách cũng lấp đầy ghế trống. Từ chỗ mỗi ngày một suất, anh tăng lên hai suất và hiện nay ba suất vào mùa cao điểm du khách quốc tế. Những ngày cuối tuần, sân khấu còn đón tiếp nhiều gia đình VN đưa con tới xem.

“Nhiều người nước ngoài rất say mê văn hóa truyền thống VN. Làm Sân khấu Rồng Vàng, tôi nhận thấy rõ điều đó hơn. Tiếc là không gian của nó quá hạn hẹp, không thể chứa được nhiều người”, anh Tuấn tâm sự. Vì thế, giữa năm 2012, anh tiếp tục đầu tư một dự án khác - Nhà hát du lịch Nón Lá, cũng trong khuôn viên Cung văn hóa Lao động TP.HCM. Kế hoạch vào tháng 2.2013, Huỳnh Anh Tuấn sẽ ra mắt nhà hát ngoài trời ở Hội An (địa điểm gần cầu Cẩm Nam), theo kiểu sân khấu đình, rộng 700 m2, biểu diễn những tiết mục mang hơi thở hiện thực đời sống cư dân địa phương.

“Tôi quen tự làm tất cả mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào. Thực tế, nếu cần cũng chẳng có ai hỗ trợ. Khả năng tới đâu làm tới đó. Vậy thôi!”, anh tâm sự.

Chuyên mục “Sáng tạo vì Khát vọng Việt” giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước… Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên Việt Nam, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới, dấn thân và sáng tạo vì một nước Việt hùng mạnh.

N.Trần Tâm

>> Phan Đình Phương: Sáng tạo để làm người hạnh phúc
>> Nguyễn Văn Phước: Sách có thể làm sống lại khát vọng
>> Nguyễn Ngọc Điệp: Cùng nhìn về một hướng sẽ làm được nhiều việc hơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.